Không chỉ là cây thuốc quý với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, trầu không còn có ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, biểu trưng cho sự gắn kết, may mắn và thịnh vượng.
Trầu không (tên khoa học Piper betle) là loại cây quá quen thuộc với người dân Việt Nam vì gắn với tục ăn trầu có từ hàng nghìn năm trước và có mặt trong câu chuyện dân gian “Sự tích trầu cau” mà ai cũng được nghe từ hồi nhỏ. Người Việt có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngày nay dù không còn nhiều người ăn trầu nhưng lá trầu không, cùng với quả cau, vẫn được dùng nhiều gia đình dùng làm lễ vật thắp hương hoặc đám hỏi.
Trầu không còn là cây thuốc, nổi tiếng với các đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền.
Ngoài ra, không ít gia đình trồng trầu không còn vì ý nghĩa phong thủy của nó.
Ý nghĩa phong thủy của cây trầu không cũng là lý do khiến nhiều gia đình trồng loại cây này. (Ảnh: Lan Liên)
Ý nghĩa phong thủy của cây trầu không
Mang lại sự thịnh vượng và may mắn: Trầu không được cho là loài cây mang lại nhiều năng lượng tích cực, là biểu tượng của tài lộc và thịnh vượng. Việc trồng cây trầu không trong nhà sẽ giúp thu hút năng lượng tích cực, mang lại may mắn trong công việc và cuộc sống của gia chủ.
Bảo vệ gia đình khỏi năng lượng xấu: Trong phong thủy, cây trầu không được cho là có khả năng xua đuổi tà khí, loại bỏ những năng lượng tiêu cực trong không gian sống. Cây thường được trồng ở các vị trí như cổng ra vào để bảo vệ gia chủ khỏi những năng lượng xấu và những điều không may.
Tăng cường sự gắn kết và hòa hợp: Trong các nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt, lá trầu không và cau là một phần không thể thiếu. Trầu cau trong ngày cưới mang đến thông điệp mạnh mẽ về sự kết nối, biểu trưng cho tình yêu, sự chung thủy, bền chặt và sự hòa hợp của các cặp đôi. Bên cạnh ý nghĩa gắn kết đối với các cặp đôi, cây trầu không còn mang ý nghĩa giúp tăng cường sự hòa thuận, kết nối và đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển: Với sức sống mạnh mẽ, dễ trồng và phát triển nhanh, cây trầu không còn mang ý nghĩa cho sự sinh sôi, nảy nở, phát triển bền vững. Đây chính là lý do cây trầu không thường được trồng ở sân nhà, ban công hoặc những nơi dễ thấy để gia tăng vượng khí, thu hút tài lộc cho gia chủ.
Ngoài ra, cây trầu không còn giúp thanh lọc không khí, làm sạch môi trường sống, từ đó tạo không gian trong lành và dễ chịu, thúc đẩy năng lượng tốt luân chuyển trong nhà.
Cây trầu không hợp với người mệnh gì?
Theo phong thủy, cây trầu không phù hợp với những người thuộc mệnh Mộc và Hỏa. Đây là cây xanh, thuộc hành Mộc, lại có sức sống mạnh mẽ nên rất hợp với người mệnh Mộc. Việc trồng hoặc đặt cây trầu không trong nhà được cho là giúp người mệnh Mộc tăng cường năng lượng tích cực, thu hút tài lộc và may mắn.
Mộc sinh Hỏa, vì vậy cây trầu không cũng phù hợp với người mệnh Hỏa, giúp cân bằng năng lượng, mang lại sức khỏe và sự thuận lợi trong công việc.
Cây trầu không phù hợp với những người thuộc mệnh Mộc và Hỏa. (Ảnh: Lan Liên)
Bạn nên đặt cây ở nơi thoáng mát, có ánh sáng tự nhiên như cửa sổ, bàn làm việc hoặc phòng khách. Tránh đặt cây ở nơi tối tăm hoặc ẩm thấp, vì điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và năng lượng phong thủy.
Theo VTC News
Xem link gốc
Ẩn link gốc
https://vtcnews.vn/y-nghia-phong-thuy-cua-cay-trau-khong-ar912361.html