Sau 2 ngày cuối tuần xem xong bộ phim “Sex Education”, tôi ngồi thẫn thờ trước màn hình, lặng lẽ suy nghĩ về những lời trong phim mà tôi vừa nghe.

Bộ phim này, mặc dù nói về các vấn đề tế nhị và những câu chuyện liên quan đến tuổi dậy thì, tình dục, và các mối quan hệ, nhưng nó lại mang đến một bài học sâu sắc.

Trong một cảnh phim, nhân vật chính, Otis, nói một câu rất đơn giản nhưng lại thấm thía đến mức khiến tôi không thể ngủ được. Đó là: “Là người, ai trong chúng ta đều từng mắc sai lầm và làm những điều không hoàn hảo. Nhưng điều đó không có nghĩa, chúng ta là người xấu”. (We all mess up and do impure things. Doesn’t mean we’re bad people).

Xem

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng đó là một câu thoại bình thường trong phim, một lời an ủi mà các nhân vật dành cho nhau.

Nhưng dần dần, khi tôi ngồi suy ngẫm, và nhận ra rằng đó là một thông điệp vô cùng quan trọng, không chỉ với các nhân vật trong phim mà còn trong cuộc sống thực tế của mỗi người.

Và nó đặc biệt khiến tôi nghĩ về vai trò của mình trong việc nuôi dạy con cái, cũng như những lo lắng, sự căng thẳng mà tôi đã trải qua khi cố gắng bảo vệ con khỏi mọi sai lầm trong cuộc đời.

Tôi nhớ lại những lần trong quá khứ, khi con trai tôi mới chỉ là một đứa trẻ, tôi đã luôn cố gắng che chở và bảo vệ con khỏi những khó khăn.

Khi con bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, tôi lo sợ rằng những sai lầm nhỏ của con có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này. Tôi không muốn con phải đối mặt với những thất bại, vậy nên tôi luôn bắt ép con phải làm theo ý mình mà chưa thực sự một lần lắng nghe con.

Tôi nghĩ rằng mình đang làm đúng, mang đến những điều tốt nhất cho con. Nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng mình đã đánh mất điều quan trọng nhất là sự hiểu biết và sự đồng cảm với con.

Một lần, con không làm bài tập về nhà và bị điểm kém trong kỳ kiểm tra cuối kỳ. Tôi đã rất giận dữ và có phần thất vọng, dùng những lời trách móc nặng nề cho con.

Tôi không thể hiểu tại sao con lại có thể để chuyện này xảy ra, khi tôi đã dành bao nhiêu thời gian để nhắc nhở, thúc giục con học hành. Thực lòng, tôi không thể kiểm soát được sự tức giận, tôi trách mắng con, hỏi tại sao con lại có thể thờ ơ như vậy với tương lai của mình.

Lúc đó con chỉ cúi mặt, không dám đối diện với tôi, và tôi biết rằng con đã cảm thấy rất buồn và thất bại.

Nhưng lúc đó, tôi không nhận ra rằng chính sự nghiêm khắc thái quá của mình đã vô tình khiến con cảm thấy mình là một người thất bại.

Con không dám giải thích hay chia sẻ lý do tại sao con lại không làm bài tập mà chỉ im lặng, vì con sợ rằng dù có lý do gì thì tôi cũng không tin con.

Tôi đã quá chú trọng vào việc bảo vệ con khỏi thất bại mà quên đi rằng thất bại chính là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành.

Sau khi ngồi lại và suy ngẫm về hành động của mình, tôi nhận ra rằng sự cố gắng kiểm soát mọi thứ và bắt con làm theo ý mình thực ra đã vô tình làm hỏng khả năng tự lập và học hỏi của con.

Tôi đã không tạo cho con có cơ hội để tự giải quyết vấn đề và học từ những sai lầm của chính mình. Mỗi khi con mắc lỗi, tôi lại lo lắng thái quá, quên đi rằng chính những thất bại ấy mới là bài học quý giá mà con cần để trưởng thành.

Nhận ra điều đó, tôi bắt đầu thay đổi cách giáo dục con. Thay vì trách mắng, tôi sẽ cùng con ngồi xuống phân tích nguyên nhân tại sao con lại mắc sai lầm để có hướng giải quyết phù hợp.

Tôi nhấn mạnh rằng một điểm kém không định nghĩa con là người xấu, và thất bại không có nghĩa là con không thể thành công trong tương lai. Tôi khuyên con rằng điều quan trọng là phải biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, vì đó chính là cách con trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Với mỗi lần con trai mắc sai lầm, tôi không chỉ giúp con nhận ra lỗi lầm, mà còn giúp con thấy được giá trị của việc học hỏi từ những sai lầm đó. Tôi muốn con hiểu, mỗi sai lầm, dù lớn hay nhỏ, đều có thể trở thành một bước ngoặt quan trọng để chúng ta trưởng thành, vì vậy cần thẳng thắn nhìn nhận và học hỏi từ đó.

Câu chuyện này không chỉ là một bài học cho tôi, mà còn là lời nhắc nhở dành cho tất cả các bậc cha mẹ. Việc chúng ta quá lo lắng và kiểm soát con cái đôi khi có thể vô tình làm cản trở sự phát triển tự lập và khả năng học hỏi của con.

Vì vậy, thay vì chỉ tập trung vào việc bảo vệ con khỏi thất bại, chúng ta hãy giành cho con không gian tự khám phá và trưởng thành để mạnh mẽ, độc lập và tự tin hơn trong cuộc sống.





Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *