Cholesterol cao (hay còn gọi là mỡ máu cao) là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe tim mạch. Các vấn đề tim mạch tim mạch nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là gây tử vong.
Mỡ máu cao có liên quan nhiều đến chế độ ăn uống. Để kiểm soát mỡ máu, ngoài việc kiểm soát lượng chất béo ‘xấu’ nạp vào cơ thể, mọi người nên bổ sung một số thực phẩm lành mạnh.
Bên cạnh các loại rau, củ, quả giàu chất xơ được nhiều người sử dụng thì Việt Nam cũng có một loại cỏ dại có thể dùng làm rau ăn, giúp hạ mỡ máu hiệu quả. Đó là cỏ linh lăng.
Cỏ linh lăng có tên khoa học là Medicago sativa, là một loại cây thuộc họ đậu. Tại Việt Nam, cỏ linh lăng được trồng ở các tỉnh thành như Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, theo thông tin đăng tải trên Tạp chí Sức khỏe Việt.
Chuyên trang sức khỏe Mỹ Healthline cho hay, cỏ linh lăng dùng làm rau ăn còn có tác dụng giảm cholesterol hiệu quả. Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy hàm lượng saponin cao trong cỏ linh lăng có thể làm giảm sự hấp thu cholesterol trong ruột và tăng đào thải cholesterol. Điều này giúp giảm cholesterol toàn phần, cholesterol “xấu” LDL và triglyceride, đồng thời giúp tăng lượng cholesterol tốt HDL trong máu, từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả.

Cỏ linh lăng có thể giúp hạ mỡ máu.
Cỏ linh lăng được Trung Quốc coi như “báu vật”
Theo trang Sohu, người Trung Quốc ví cỏ linh lăng như “báu vật” vì từ lá, thân, rễ đều có thể dụng làm dược liệu. Đặc biệt, mầm cỏ linh lăng còn được xem như một loại rau quý giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Người Trung Quốc thường dùng lá hoặc mầm của cỏ linh lăng để làm thành món xào, luộc hoặc nấu canh giúp bồi bổ cơ thể.
Nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại cho thấy cỏ linh lăng chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, cỏ linh lăng rất giàu chất xơ, protein, vitamin K, vitamin C, vitamin B9, vitamin B1, vitamin B2 và các khoáng chất như magiê, sắt, đồng,…
Ngoài ra, cỏ linh lăng còn cung cấp các hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học cao, bao gồm: saponin, coumarin, flavonoid, phytosterol, phytoestrogen và alkaloid, chuyên trang sức khỏe Mỹ Healthline cung cấp thông tin.

Người Trung Quốc coi cỏ linh lăng như “báu vật”.
Một số lợi ích tiềm năng khác của cỏ linh lăng
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, cỏ linh lăng có tính hàn, vị ngọt, thanh, đi vào các kinh tỳ, vị và thận. Cỏ linh lăng thường được ép lấy nước hoặc phơi khô tán bột để làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu, giảm sưng, cầm máu.
Các bác sĩ y học cổ truyền thường sử dụng lá non của cỏ linh lăng để điều trị chứng rối loạn tiêu hóa. Thân cỏ linh lăng có thể giúp cải thiện tình trạng viêm phế quản, viêm khớp, chán ăn, thiếu máu, vàng da, viêm ruột, táo bón,…

Cỏ linh lăng đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo y học hiện đại, cỏ linh lăng cũng đem đến một số lợi ích tiềm năng khác đối với sức khỏe khác chẳng hạn như giảm các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ. Cỏ linh lăng chứa nhiều phytoestrogen – hợp chất thực vật có cấu trúc tương tự hormone estrogen. Hợp chất này có thể giúp giảm bớt cơn bốc hỏa ở tuổi mãn kinh do sự suy giảm estrogen, trang Healthline viết.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong cỏ linh lăng có thể chống viêm và ngăn ngừa tổn thương tế bào do quá trình stress oxy hóa và gốc tự do gây ra.
Mặc dù cỏ linh lăng có nhiều công dụng tiềm năng nhưng theo trang Healthline, chúng ta vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để khẳng định các lợi ích sức khỏe này trên người.
(Theo Sohu, Healthline, Tạp chí Sức khỏe Việt)