Xuất phát từ mong muốn có một không gian xanh để thỏa thích trồng và chăm cây cối, năm 2022, chị Nguyễn Thị Thúy An (SN 1990, ở Hưng Yên) cùng chồng “chốt” mua một mảnh đất rộng hơn 2ha ở Kim Bôi, Hòa Bình.
Trên mảnh đất có sẵn nhà ở, diện tích 1.500m2, được thiết kế theo lối kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người bản địa.
Để thuận tiện sinh hoạt và đảm bảo không gian đủ tiện nghi khi gia đình về đây, vợ chồng chị An còn làm thêm hai gian nhà nhỏ. Một gian để người làm vườn ở, gian còn lại dành tiếp đón khách quý hoặc người thân đến chơi.
Ở khuôn viên khu nhà ở, chị ưu tiên trồng rau và các loại hoa như hoa hồng, hoa đào, hoa mai. Phần còn lại, chị trồng cỏ, làm sân chơi cho các con.
Phía ngoài, chị chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng, lợn và ong, đồng thời phân chia phần diện tích giáp nhà thành các khu vực trồng cây gồm: Khu trồng cây lương thực như đậu, đỗ, ngô, lạc, bầu, bí….; khu trồng rau rừng như rau mì chính, rau sau sau, rau chân chim, rau bò khai….; khu trồng cây dược liệu; khu vực cây ăn quả như na, mít, ổi, xoài và khu trồng cây lâu năm.
Ngoài ra, trong vườn còn có một góc rừng tự nhiên. Chị An để lại 15-20% đất ở phía trên đỉnh, không can thiệp gì để gà rừng và một số động vật khác trú ngụ.
Nữ gia chủ tiết lộ xây dựng và chăm sóc “ngôi nhà thứ hai” theo hướng vườn rừng bằng cách chăn nuôi tự nhiên, không dùng cám công nghiệp hay sử dụng hoá chất trong trồng cây.
“Vợ chồng mình học làm theo phương pháp vườn rừng tạo sinh khối để dưỡng đất. Thời gian đầu có bổ sung thêm ít phân gà ủ hoai mục và trồng thêm các cây cải tạo đất như chuối, cây đậu đỗ, điền thanh”, chị An nói thêm.
Để đảm bảo việc chăn nuôi, trồng trọt thuận lợi, chị thuê hai người làm, ở lại trông coi nhà vườn hàng ngày.
Chị thừa nhận, thời gian đầu làm nhà vườn, hai vợ chồng gặp không ít khó khăn như: Đường vào còn lầy lội, cây cối um tùm, cơ sở vật chất thiếu thốn…
“Mọi thứ không có gì ngoài căn nhà sàn. Nước giếng khoan mà chủ cũ bàn giao thì bị đục, không dùng được. Điện cũng phải kéo nhờ hàng xóm xung quanh. Nhìn lại khoảng thời gian đó, mình tự thấy vợ chồng mình can đảm thật sự”, chị kể.
Song, vì yêu thích không gian trong lành, xanh mát nơi núi rừng, cặp đôi kiên trì cải tạo, vun vén từng chút. Họ đầu tư tiền khoan lại giếng mới, bỏ giếng cũ và may mắn tìm được nguồn nước sạch, trong.
Về chăn nuôi, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị An cùng chồng chịu khó học hỏi từng chút. Sau một thời gian, chị nhận ra việc chăn nuôi gia súc, gia cầm không chỉ đơn giản là có thóc, ngô cho ăn mà muốn chúng phát triển tốt cần phải bổ sung đầy đủ năng lượng, đạm và rau củ.
Hiện, chị nuôi 5 con lợn và khoảng 60 con gà, vịt, ngan ngỗng, đủ cho thu hoạch trứng liên tục để gia đình sử dụng hàng tuần. Thỉnh thoảng từ Hưng Yên lên chơi hoặc đón khách quý ghé thăm, vợ chồng chị lại mổ lợn, làm món ngon chiêu đãi.
Lợn được chăn thả tự nhiên, ăn đủ dinh dưỡng nên được nhận xét là thịt ngọt, săn và có mùi thơm.
Mỗi dịp cuối tuần, vợ chồng chị An cùng các con lại về đây “đổi gió”, tạm gác lại bộn bề nơi phố thị để hòa mình vào thiên nhiên.
“Gia đình mình thích hít hà không khí của núi rừng, cây cỏ nên cứ rảnh là cả nhà lại lên đây. Hoặc thỉnh thoảng mình sẽ lên kiểm tra tiến độ phát triển của cây cối, vật nuôi xem có cần điều chỉnh gì không.
Vì là dân tay ngang, chưa có nền tảng về nông nghiệp nên vợ chồng mình vừa làm vừa học để trau dồi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Đây là việc cả hai đều yêu thích nên luôn háo hức được làm, không ngại khó khăn”, chị tâm sự.
Ảnh: Nguyễn Thị Thúy An