Rửa nồi, chảo là việc quen thuộc hằng ngày nhưng hóa ra vẫn rất dễ mắc sai lầm. Một trong số đó là thói quen đổ nước lạnh hoặc dầu rửa bát trực tiếp vào nồi, chảo đang nóng. Rất nhiều người cho rằng điều này “vô thưởng vô phạt”, thậm chí là tiết kiệm thời gian hoặc giúp rửa sạch hơn. Tuy nhiên, sự thật thì ngược lại. Theo bác sĩ Tan Dunci (Đài Loan, Trung Quốc), đây là ai lầm tai hại không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ của dụng cụ nấu nướng.
Tác hại khi đổ nước lạnh, dầu rửa bát vào nồi, chảo còn nóng
Đầu tiên, Tan Dunci nhắc nhở thói quen này làm tăng nguy cơ bỏng do hơi nước và dầu bắn. Vì khi đổ nước lạnh vào nồi hoặc chảo nóng, sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột sẽ tạo ra lượng hơi nước lớn, đôi khi kèm theo tiếng nổ nhỏ. Lượng hơi nước này có thể bắn ra ngoài với nhiệt độ cao, gây bỏng tay, mặt, hoặc các vùng da khác. Điều này đặc biệt nguy hiểm với trẻ em nếu đứng gần khu vực bếp.
Thứ hai, kiểu rửa nồi, chảo này có thể làm tổn thương phổi nói riêng về hệ hô hấp nói chung. Hơi bốc ra khi nồi, chảo nóng tiếp xúc với nước lạnh có thể mang theo dầu mỡ, hóa chất hoặc các chất độc hại khác tích tụ trên bề mặt nồi, chảo. Theo Tan Dunci, hít phải lượng hơi này trong thời gian dài có thể gây kích ứng đường hô hấp, tổn thương phổi, thậm chí tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm phổi hoặc dị ứng. Sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu nồi, chảo của bạn vừa nấu các món nhiều dầu mỡ, kết hợp nhiều loại gia vị khác nhau.
Thứ ba, tưởng là sạch nhưng thực chất, thói quen đổ nước lạnh, dầu rửa bát vào nồi, chảo ngay khi còn nóng khiến chúng khó được làm sạch hơn. Do có thể làm thực phẩm hoặc dầu mỡ còn sót lại bị đông cứng trên bề mặt nồi, chảo, khiến việc vệ sinh khó khăn hơn. Đổ dầu rửa bát trực tiếp vào nồi, chảo nóng có thể làm các hóa chất trong nước rửa bát bị nhiệt phân. Không chỉ khó vệ sinh mà còn gây ra nguy cơ tạo ra chất độc hại, bám vào thức ăn trong những lần nấu sau. Dẫn tưới ảnh hưởng mùi vị và sức khỏe về lâu dài.
Cuối cùng, Tan Dunci cho biết sự chênh lệch nhiệt độ giữa nồi nóng và nước lạnh có thể làm nồi, chảo bị cong vênh, nứt hoặc làm bong lớp chống dính. Điều này không chỉ làm giảm tuổi thọ sản phẩm mà còn có nguy cơ giải phóng các chất độc từ lớp chống dính vào thức ăn.
Cách vệ sinh nồi, chảo an toàn và hiệu quả
Để bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ nồi, chảo, bạn có thể áp dụng 3 bước theo gợi ý của bác sĩ Tan Dunci như sau:
– Lau sơ bề mặt nồi, chảo sau khi nấu: Sử dụng khăn bếp để loại bỏ dầu mỡ hoặc thức ăn thừa trước khi rửa.
– Đun nước ấm trước khi vệ sinh: Thêm một chút nước ấm vào nồi, đun nhỏ lửa để làm mềm cặn bẩn, sau đó rửa dưới vòi nước.
– Hạn chế sử dụng chất tẩy rửa mạnh: Nếu cần, sử dụng dung dịch vệ sinh tự nhiên như giấm hoặc baking soda để làm sạch mà không gây hại đến bề mặt nồi, chảo. Không nên dùng cọ sát hay vật kim loại để cọ mạnh.
Ngoài ra, sau khi rửa, hãy đảm bảo nồi, chảo được ráo nước, đặt ở nơi khô thoáng nhé!
Nguồn và ảnh: TTVC, Family Doctor