Sultan Razia trong trang phục đỏ thể hiện sự phản đối với quan niệm nam tôn nữ ti. Ảnh minh họa: Ancient-origins.net

Mặc dù sinh ra và lớn lên trong xã hội trọng nam khinh nữ cực đoan nhất thế giới, nhưng Sultan Razia (1205 – 1240) được vua cha tin tưởng nhường ngôi và tự mình bảo vệ ngai vị.

Bà không chỉ đem đến cho người dân Ấn Độ cuộc sống no ấm, mà còn xây dựng hệ thống giáo dục hiệu quả, lừng danh người phụ nữ đi trước thời đại và được hậu thế tôn sùng.

Công chúa tài trị quốc

Thế kỷ XIII, Ấn Độ đang là Vương quốc Hồi giáo Delhi (1206 – 1526). Như tất cả các vương triều trước đó, nó áp đặt quan niệm “nam tôn nữ ti”, tước đoạt toàn bộ nhân quyền của phụ nữ và ép buộc họ phải phục tùng đàn ông.

Razia là con gái Hoàng đế Iltutmish (1192 – 1236) có với ái thiếp Terken Khatun. Như tất cả các nhà cai trị, ông cũng được giáo dục thái độ khinh nữ từ nhỏ nhưng lại ưu tiên coi trọng Razia.

Vào ngày thôi nôi của con gái, ông mở tiệc linh đình, bất chấp sự can gián của triều thần và quan ngại của xã hội. Quá bất mãn trước sự thiên vị của ông, học giả Minhaj-i-Siraj đã phê phán ông “đi ngược lại trật tự xã hội lý tưởng”.

Trong khi toàn bộ phụ nữ hoàng gia phải ở yên trong hậu cung thì ngay từ nhỏ, Razia đã được học cưỡi ngựa, đối kháng thậm chí là ngoại giao và quản lý nhà nước. Đích thân Hoàng đế Iltutmish giám sát việc học hành của công chúa và ông kỳ vọng trong tương lai, cô sẽ trở thành một vị hoàng hậu tài cao đức trọng, ngang hàng với quân vương.

Quanh năm suốt tháng, Razia luôn bên cạnh vua cha, quan sát và học hỏi ông nghệ thuật trị quốc. Càng lớn, công chúa càng hoạt bát, can đảm, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ áp đặt “nam tôn nữ ti” nào.

Năm 1229, trưởng tử của Hoàng đế Iltutmish là Thái tử Nasir-ud-din Mahmud tử trận trong trận chiến chống lại quân Mông Cổ. Biết những hoàng tử còn lại không ai giỏi giang bằng Razia, Hoàng đế Iltutmish cố ý thực hiện một phép thử để xác nhận.

Trước khi lên đường ra trận, ông giao cho Công chúa Razia và Hoàng tử Rukn-ud-din Firoz đồng quyền quản lý Delhi. Khi trở về, ông xác thực được Razia trị quốc khôn khéo không kém gì ông còn Firoz chỉ lo trụy lạc. Ông quyết định phá vỡ truyền thống, chỉ định Razia làm trữ quân.

Nữ vương Sultan Razia lộ mặt thượng triều như tất cả nam vương Delhi. Ảnh minh họa: Ancient-origins.net

“Hoa giữa rừng gươm”

Ngày 29/4/1236, Hoàng đế Iltutmish băng hà. Lẽ ra, theo di chỉ của ông, Razia đường hoàng lên ngôi nhưng mọi chuyện đã không đơn giản như vậy. Triều thần Delhi và giới quý tộc kịch liệt phản đối “phụ nữ làm vua”, hợp tác với nhau tôn em trai của bà là Rukn al-Din Firoz lên làm hoàng đế.

Trái với mong đợi của họ, Firoz vẫn chỉ ham trụy lạc nên sớm khiến dân chúng chán ghét. Vậy nên, Razia không từ bỏ quyền lên ngôi. Mỗi thứ 6, bà đều mặc trang phục đỏ đại diện cho sự phản đối, đứng trước Nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam kêu gọi sự ủng hộ. Ngày 19/11/1236, cả quân lính lẫn dân chúng Delhi đều đồng lòng đứng về phía bà, tiền hô hậu ủng bà vào cung điện, phế truất Firoz và lên ngôi vương.

Sau khi lên ngôi, Razia vẫn giữ truyền thống che mặt của phụ nữ Ấn Độ nhưng bà cũng sớm nhận ra không thể phát uy với khuôn mặt bị giấu sau tấm khăn. Bất chấp sự chỉ trích từ mọi phía, bà thượng triều lộ mặt như tất cả nam vương Delhi.

Thời gian trị vì của Razia khá ngắn, chỉ 4 năm nhưng trong thời gian này, Ấn Độ cực kỳ thịnh vượng. Dưới chỉ dụ của bà, đường sá được nâng cấp và làm mới, nối liền cả làng mạc xa xôi với vương đô. Thuế Jazia đánh vào những người không theo đạo Hồi cũng bị xóa bỏ. Các trường học, học viện, thư viện công cộng, trung tâm nghiên cứu học thuật… được dựng lên khắp nơi.

Chính học giả Minhaj-i-Siraj từng bất mãn với Hoàng đế Iltutmish vì “trọng nữ” cũng phải thừa nhận, “Sultan Razia là nữ vương vĩ đại, thông thái, công bằng, hào phóng, ân nhân của vương quốc, người thực thi công lý, người bảo vệ dân và quân, người sở hữu tất cả các phẩm chất và khí phách mà một minh quân cần có”. Tuy nhiên, ông vẫn tiếc rẻ vì bà là phụ nữ chứ không phải đàn ông.

Nếu quân và dân Delhi hài lòng với Nữ vương Razia bao nhiêu thì triều thần và giới quý tộc bất mãn bấy nhiêu. Ngoài khó chịu vì phải dưới một phụ nữ, họ còn mất ăn mất ngủ vì cả quyền lực lẫn tiền tài đều bị mai một.

Ngay từ đầu, họ chỉ chấp nhận để Razia ngồi trên ngai vàng vì nghĩ phụ nữ như bà chỉ là vua bù nhìn. Thế nhưng, Razia không chỉ ngày càng khẳng định vị thế, mà còn phát hành cả tiền xu in tên mình. Bà cũng thường xuyên xuất đầu lộ diện trước công chúng, cưỡi voi tuần hành như bất cứ nam vương nào.

Đỉnh điểm sự quyết đoán của Nữ vương Razia là bổ nhiệm người gốc ngoại làm quan, trong đó có Malik Yaqut, nô lệ người Abyssinia từng là thầy dạy cưỡi ngựa của bà. Sau Yaqut, bà còn ban quan tước cho 2 nô lệ khác là Ikhtiyaruddin Aitigin và Ikhtiyaruddin Altunia vì coi trọng tài năng của họ.

Không may cho Nữ vương Razia, Altunia lại là gian tế của lực lượng phản đối bà. Trong khi Razia đi Lahore, Altunia nổi loạn ở Tabarhinda. Khi bà về đến nơi, Yaqut đã bị hạ sát và bản thân bà cũng bị bắt giam.

Cũng trong thời gian Altunia làm phản, tin đồn Nữ vương Razia tằng tịu với Yaqut lan truyền. Sau này, các nhà sử học khẳng định không có chuyện đó nhưng lúc đấy, nó đã trở thành lý do hợp lý để Altunia danh chính ngôn thuận truất ngôi bà, phò tá Hoàng tử Muiz-ud-din Bahram (1212 – 1242) lên ngôi.

Ngày 5/5/1240, Bahram tiếp nhận vương vị nhưng lại lờ đi công lao của Altunia. Không được nhà vua mới trọng dụng, Altunia biết mất trắng nên xuống nước cầu hòa và kết liên minh với Razia. Nữ hoàng đồng ý và tháng 9 cùng năm, bà kết hôn với chính Altunia để hợp lực lượng, chống lại Bahram. Liên quân Razia – Altunia thua cuộc. Không ai rõ kết cục của Razia thế nào, chỉ có 2 tin đồn. Đó là vợ chồng bà bị cướp giết trên đường chạy trốn và bị chính Bahram xử tử.

Khi qua đời, Razia mới 35 tuổi. Tuy thời gian làm vua ngắn ngủi nhưng bà để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng dân chúng Delhi. Các thế hệ sau ghi nhận bà là người phụ nữ đi trước thời đại, không chỉ sùng bái mà còn noi gương để đấu tranh và vươn tới bình đẳng giới.

Theo ancient-origins

Ninh Hạ



Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *