Trong văn hóa của nhiều nước châu Á, 12 con giáp không chỉ có ý nghĩa về lịch pháp, giúp đo đếm thời gian mà còn hiện diện trong nhiều mặt của đời sống con người, như cưới hỏi, ma chay, khai trương… cùng nhiều hoạt động khác.
12 con giáp gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Nguồn gốc 12 con giáp
Truyền thuyết về nguồn gốc 12 con giáp kể rằng, Ngọc Hoàng quyết định tổ chức một cuộc thi để chọn ra 12 con vật đại diện cho 12 năm. Mỗi con vật phải vượt qua một cuộc đua kỳ bí, băng qua dòng sông lớn để về đích trước tiên.
Cuộc đua bắt đầu với nhiều loài vật tham gia, từ những loài hùng mạnh như rồng, hổ đến những loài nhỏ bé nhe mèo, chuột. Mỗi con vật đều có chiến lược riêng để giành lấy vị trí trong danh sách 12 con giáp.
Trong cuộc đua, chuột nhỏ bé nhưng thông minh đã lợi dụng trâu chăm chỉ và hiền lành. Nó xin quá giang trên lưng trâu. Khi gần đến đích, chuột nhanh chân nhảy khỏi lưng trâu, lao về đích và giành vị trí đứng đầu. Vì vậy, năm đầu tiên được gọi là năm Tý, tiếp theo là năm Sửu.
Vị trí thứ ba thuộc về hổ. Hổ mạnh mẽ, nhờ sức mạnh của mình đã dễ dàng vượt qua dòng sông dữ dội và chiếm vị trí thứ ba, trở thành con giáp thứ ba – Dần. Về đích sau hổ là mèo, vì thế năm tiếp theo là năm Mão. Đối với người Trung Quốc, con vật của năm Mão không phải mèo mà là thỏ, loài nổi tiếng với sự nhanh nhẹn.
Dù là con vật có khả năng bay lượn, rồng lại xuất hiện ở vị trí thứ năm – là đại diện của năm Thìn. Lý do rồng không về đầu, theo một số truyền thuyết, là vì nó đã dừng lại để giúp đỡ người dân tạo mưa chống hạn. Lặng lẽ và âm thầm, rắn đã vượt qua nhiều đối thủ để về đích sau rồng, vì vậy năm thứ sáu là năm Tỵ.
Ngựa và dê đều hợp tác để vượt qua dòng nước, nhưng ngựa nhanh chóng vượt lên một chút để về thứ bảy, còn dê theo sau ở vị trí thứ tám. Với sự nhanh nhẹn của mình, khỉ đã giành được vị trí thứ chín. Vì thế, sau năm Tỵ là các năm Ngọ, Mùi, Thân.
Được biết đến với sự tỉnh táo và kiên nhẫn, gà cán đích ở vị trí thứ 10. Chó mặc dù bơi rất giỏi nhưng do mải mê nô đùa trong nước nên chỉ về thứ 11. Lợn vốn lười biếng và thích ăn ngủ nhưng nhờ cố gắng hết sức mình nên cuối cùng cũng kịp đến đích để chiếm vị trí cuối cùng trong 12 con giáp. Ba năm cuối trong chu kỳ 12 con giáp là Dậu, Tuất, Hợi.
Theo dách 12 con giáp trong văn hóa người Việt, 12 con giáp có nguồn gốc từ lịch can – chi. Loại lịch này xuất hiện vào thời nhà Thương (1766-1122 TCN) ở Trung Quốc; 12 con giáp gắn là 12 địa chi, kết hợp với 10 thiên can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Hệ thống thiên can được tạo thành bởi 5 nguyên tố ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi nguyên tố lại được ghép với Âm hoặc Dương để tạo thành chu kỳ 10 năm.
Khi 12 con giáp được ghép với một nguyên tố trong ngũ hành, cùng Âm hoặc Dương của 10 thiên can sẽ tạo thành tổ hợp 60 năm gọi là Lục thập hoa giáp.
Trong lịch can – chi, người Trung Quốc xưa chọn ra 12 con vật gắn liền với đời sống con người hoặc được con người thuần dưỡng sớm nhất làm đại diện cho các năm, theo thứ tự là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Tuy nhiên, trả lời Vietnamnet, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông cho biết ông bất ngờ phát hiện 12 con giáp có xuất xứ từ Việt Nam trong một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Việt cổ. Trong quá trình nghiên cứu, ông nhận thấy một số từ cổ mà người Việt dùng để chỉ 12 con giáp có nguồn gốc lâu đời trước khi 12 con giáp xuất hiện ở Trung Hoa.
“Tìm hiểu về gốc của tên 12 con giáp là cơ hội để ta tìm về cội nguồn tiếng Việt. 12 con giáp theo thứ tự là Tý/Tử, Sửu, Dần, Mão/Mẹo, Thìn/Thần, Tỵ, Ngọ, Mùi/ Vị, Thân/Khôi, Dậu, Tuất, Hợi. Thoạt nhìn thì thập nhị chi trên có vẻ bắt nguồn từ Trung Quốc vì là những từ Hán Việt, nhưng khi phân tách các tiếng Việt, và thấy có những khác lạ, tôi đem so sánh trong hệ thống ngôn ngữ vay mượn thì thật sự không phải vậy”, chuyên gia cho biết.
Ông Thông cho hay, nếu đọc theo tiếng Bắc Kinh, tên 12 con giáp lần lượt phiên âm như sau: Zi, chou, ýin, măo, chén, sì, wè, wèi, shèn, yòu, xù, hài… hoàn toàn không liên hệ đến cách gọi tên 12 con giáp trong tiếng Trung Quốc hiện nay, ngay cả khi sử dụng âm Trung Quốc thời thượng cổ. Vì vậy nếu có một dân tộc nào đó dùng tên 12 con thú tương tự như tên 12 con giáp ngày nay thì dân tộc đó phải có liên hệ khăng khít với nguồn gốc tên 12 con giáp này.
Theo ông, chỉ có dân tộc Việt mới dùng mèo cho chi Mão bởi nguyên âm e hay iê là các dạng cổ đơn của a như vẽ/họa, keo/giáo, beo/báo….Và mèo cũng là loài vật gắn liền với đời sống của người Việt Nam chúng ta, khác với Trung Quốc, khi họ sử dụng thỏ thay cho mèo.
Vì những lý do trên cùng với nhiều bằng chứng cụ thể khác, ông Nguyễn Cung cho rằng nguồn gốc 12 con giáp là ở Việt Nam, sau đó mới được lưu truyền sang Trung Quốc và các nước phương Đông khác.
Ý nghĩa 12 con giáp
Mỗi con giáp không chỉ đơn thuần là đại diện cho một năm, mà còn tượng trưng cho những nét tính cách, văn hóa và niềm tin của con người. Sự tích 12 con giáp không chỉ là một câu chuyện thần thoại hấp dẫn mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc: Sự mưu trí, lòng dũng cảm, kiên trì và tinh thần đồng đội sẽ giúp chúng ta vượt qua các thách thức trong cuộc sống.
Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng áp dụng lịch 12 con giáp vào đời sống. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có cách thể hiện và giải thích riêng biệt. Ở Việt Nam, sự khác biệt rõ nét nhất nằm ở năm Mão với đại diện là con mèo chứ không phải thỏ như lịch Trung Quốc, thể hiện sự hài hòa giữa các quan niệm văn hóa khác nhau.
Mỗi con giáp có những phẩm chất riêng biệt. Chẳng hạn, chuột thường biểu thị cho sự thông minh và khả năng thích nghi; trâu biểu tượng cho sức mạnh và cần cù; hổ thể hiện lòng can đảm và quyền lực; rồng, một sinh vật thần thoại, tượng trưng cho quyền uy và sự may mắn; ngựa biểu thị sự tự do và nhanh nhẹn. Những phẩm chất này không chỉ ảnh hưởng đến tính cách của người sinh năm đó mà còn thấm nhuần trong mọi khía cạnh của văn hóa và tín ngưỡng phong thủy.
Không chỉ là một phần của lịch pháp, 12 con giáp còn ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân gian và nghệ thuật của nhiều quốc gia. Từ các bức tranh, tượng điêu khắc cho đến lễ hội và các câu chuyện dân gian, các con giáp luôn giữ vị trí quan trọng.
Ở Việt Nam, người ta thường thấy hình ảnh 12 con giáp trong các lễ hội Tết Nguyên đán, một phần không thể thiếu của văn hóa truyền thống.