Cô Chu, một phụ nữ 32 tuổi đến từ Hồ Nam (Trung Quốc), đang trong tình trạng khó khăn như vậy, dù còn trẻ nhưng trong miệng cô chỉ còn 4 chiếc răng. Cô không những không thể ăn uống bình thường mà còn có mặc cảm ngoại hình rất lớn.
Từ năm 22 tuổi, cô Chu nhận thấy hàm răng của mình dần lung lay, thậm chí rụng hẳn.
Ban đầu cô tưởng đó là do vệ sinh kém, sâu răng nhưng không ngờ tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài. Cuối cùng, trong miệng cô Chu chỉ còn lại 4 chiếc răng nhưng ngặt nỗi 4 chiếc răng này lại là 4 chiếc răng khôn không có chức năng nhai.
Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của cô.
Khi tiếp nhận điều trị cho cô Chu, bác sĩ đã phát hiện ra thủ phạm là viêm nha chu. Sau khi điều trị tình trạng nha chu ổn định, cô Chu được cấy ghép implant toàn miệng. Ba tháng sau, cô Zhu đã có được “hàm răng mới” và ngoại hình được cải thiện rõ rệt, mang lại nụ cười tự tin.
Viêm nha chu nguy hiểm thế nào?
Theo BSCKII.Hà Hải Anh, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 198 Bộ Công An, viêm nha chu là một bệnh lý răng miệng nghiêm trọng, xảy ra khi mô nâng đỡ xung quanh răng (lợi, dây chằng nha chu, và xương ổ răng) bị viêm nhiễm do vi khuẩn. Bệnh thường xuất phát từ viêm lợi không được điều trị đúng cách, dẫn đến tổn thương sâu hơn.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ có dấu hiệu ban đầu là viêm lợi (sưng, nề đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng), nếu không điều trị, vi khuẩn tiếp tục tấn công vào mô nha chu ở sâu hơn.
Bệnh tiến triển, xương ổ răng và mô nâng đỡ răng bị phá hủy, gây tụt lợi, răng lung lay. Khi xương ổ răng tiêu đến một mức độ nhiều thì có thể gây rụng răng sớm.
Đặc biệt, viêm nha chu không chỉ gây mất răng mà còn có mối liên quan đến một số bệnh toàn thân, có thể làm tăng nặng thêm tình trạng bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường do vi khuẩn và phản ứng viêm lan rộng.
Để phòng tránh bệnh viêm nha chu, BS Hà Hải Anh nhắc nhở người dân cần chú ý:
– Chăm sóc răng miệng hàng ngày: Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với kem đánh răng chứa fluoride; Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để loại bỏ mảng bám giữa các kẽ răng; Súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn.
– Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế đường và đồ ngọt; Tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D, và C (sữa, cá, rau xanh, trái cây).
– Thăm khám nha khoa định kỳ: Làm sạch răng chuyên sâu (cạo vôi răng) 6 tháng/lần; Điều trị sớm các dấu hiệu viêm lợi.
– Tránh các yếu tố nguy cơ: Không hút thuốc lá; Kiểm soát các bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh lý miễn dịch.
Nếu bạn nghi ngờ mình có dấu hiệu viêm nha chu (như nướu chảy máu hoặc răng lung lay), hãy đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị.