Tôi mệt nhoài, người cố nhổm dậy để kéo tấm chăn đắp lên đôi chân mình mặc cho đốt sống lưng kêu răn rắc. Tôi thích mùa đông mặc dù nó làm tôi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Ở Sài Gòn thật khó để có một mùa đông đúng nghĩa.
Cả tuần nay tôi đã ngủ vùi trên giường để mặc cho cả thế giới dưới chân sụp đổ, mặc cho ngoài kia 152 người khách Việt trốn mất tại Đài Loan, cả đoàn khách Việt bị đánh bom ở Ai Cập, áp thấp nhiệt đới đang đổ bộ, tiếng càm ràm của mẹ hay chỉ là tiếng kêu meo meo của con mèo đòi âu yếm.Bạn nhắn tin hỏi tôi nghĩ gì về những sự kiện đấy, tôi chỉ biết xem tin nhắn và tiếp tục hành trình vùi đầu vào giấc ngủ, biết nói gì hơn khi đầu tôi lúc này trống rỗng, trống rỗng thực sự.
***
Có những lúc tôi muốn biến mình thành người thực vật, chỉ việc nằm đó mà hít lấy hít để chút không khí còn sót lại trong căn nhà ọp ẹp, tồi tàn mà chúng tôi đang sinh sống. Tôi chán chường việc phải lau và hứng từng giọt nước mưa len lỏi qua mái nhà, chán chường với thảm cảnh nước ùa vào nhà, ngồi nheo nhóc như lũ ếch trên lá sen để mong chờ một giấc ngủ an yên. Tôi loay hoay không biết phải làm thế nào để xé tan cuộc sống hiện tại, bước sang một trang mới tốt đẹp hơn. Tôi cố gắng hết sức kiếm tiền từ những việc mình chẳng mặn mòi cho lắm. Không làm, không ưng thì đói, nhưng lao đầu vào thì liệu cuộc sống có khá khẩm hơn? Tôi bất lực và vô dụng, tôi chỉ muốn nằm đó, tự tiêu hóa, ăn mòn bản thân và chết đi trong từng nhịp thở.
Chuông tin nhắn đến và một lần nữa, anh kéo tôi ra khỏi những cảm xúc nhớp nháp, đen đặc đang bủa vây. Nếu không nhìn điện thoại, tôi cũng chả biết lúc này mặt trời đã lên hay chưa, bởi lẽ căn phòng của tôi bốn bề là những bức tường hoen ố. Trận ngập lụt vửa rồi đã khiến những vôi rơi ra từng mảng trắng tinh như vỏ trứng vịt, nước rút đi để lại cho tôi chồng sách vở bốc mùi ẩm mốc, căn phòng không có cửa sổ, không chút ánh sáng, không một sự sống.
Tôi cứ vật vờ như những xác chết trong nạn đói của Nam Cao,hờ hững nhìn cây kim đồng hồ nhích từng chút nặng nhọc, thật xuất sắc khi tôi đang sống và trải nghiệm cuộc đời của Mị, của Hộ, của Chí, sống với những đớn đau mà họ đã từng trải qua, sống như người cõi âm.
Anh, gã con trai có nhiều hoài bão và tham vọng. Sáng nay chỉ mới 5 giờ sáng, anh đã có mặt tại trung tâm thành phố Vũng Tàu để chạy truyền thông cho dự án của công ty. Anh chụp và gửi cho tôi xem những hoạt động của người dân vào buổi sớm mai, nào là những con cá lấp lánh ánh bạc đang giãy giụa dưới tấm lưới, nào là khung cảnh bình minh trên biển, cảnh những chiếc thúng tròn lênh đênh trên sóng nước. Nhớ anh mười phần, tôi ganh tị với anh hết tám phần bởi những năng lượng anh có được trong khi hiện tại, xung quanh tôi, chỉ toàn bóng tối. Một lần nữa, anh lại gửi về cho tôi một chút sự sống của ngày mới. Tôi bật dậy, làm vệ sinh cá nhân rồi khoác vội chiếc áo mỏng tang lên người. Tôi muốn mình vùng vẫy thật mạnh, xé toạc những thứ kinh khủng đang ôm trọn lấy thân thể tôi những ngày qua, cách tôi chọn là chạy đến quán cafe quen thuộc, tìm một chỗ ngồi bên cửa sổ rồi lặng lẽ để nhìn dòng đời xô đẩy. Tôi chạy trốn bản ngã, chạy trốn chính ngôi nhà của mình để nhìn lại chính bản thân mình.
Gọi cho mình một tách trà hoa cúc nóng, tôi bắt đầu chìm vào những giấc mộng bên khung cửa sổ thơ mộng và bản nhạc tình ca của quán quen.
Sài Gòn năm nay lạ quá, mưa vào mùa đông, nhìn những giọt nước mưa rơi đì độp trên lá, tôi lại tưởng hè về. Hàng nghìn kí ức ùa về trong đầu tôi, vùng vẫy đến phát ngộp. Ngoài cửa sổ là những tán lá xanh mơn mởn của loài cây bò cạp vàng, loài cây mà người đời thường ví von chúng là đế vương của các loài hoa bởi mang trong mình một màu vàng vương giả. Chúng kiêu hãnh đến thế, ấy vậy mà ngày trước, bọn trẻ con chúng tôi nỡ lòng nào hái hoa về, đập nát ra và chế biến những món ăn kinh dị cho lũ kiến và sâu bọ. Thứ làm tôi nhớ đến khi nói đến bò cạp vàng nhiều nhất đó là những con bướm nhỏ. Mãi đến sau này khi lớn lên, nhờ vào google, tôi mới biết chúng có tên là bướm bắp cải. Đó là một loài bướm nhỏ được phủ lên mình màu trắng xanh nhẹ nhàng như những chiếc lá non mới nhú, chẳng cần chút họa tiết hay sắc màu rực rỡ nào điểm xuyến trên đôi cánh ấy, chúng đơn giản, ngây thơ và mỏng manh đến lạ. Vào những ngày nắng, chúng thường bay rất nhiều trên những cây bò cạp vàng tạo nên một khung cảnh rất nên thơ, hình ảnh đó đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh tôi khi nhớ về kí ức của một thời thơ dại.
Cô bé ngồi sau cất giọng rất nhỏ nhẹ: “Chị ơi, chị có khăn giấy không, cho em xin một tờ”
Tôi xoay người lại nhìn em, một cô bé cỡ 8 tuổi mặc chiếc áo đầm màu trắng đang nhoẻn cười chờ đợi câu trả lời, trên tay em là một chiếc máy ảnh canon cũ.
“ Không, chị không có” – Tôi đáp rồi quay mặt lên tiếp tục thả hồn theo những hạt mưa rơi bên cửa sổ
Chỉ trong phút giây ngắn ngủi, tôi nhận ra cô bé có nụ cười thật tươi với hàm răng đều như bắp , mái tóc ngắn của em bồng bềnh như những đám mây lững lờ trôi vào một ngày nắng đẹp. Cô bé lại gần cửa sổ chỗ tôi ngồi,em đưa máy ảnh ngang tầm mắt, hướng ống kính về phía cảnh vật bên ngoài qua khung cửa, bất giác, em quay sang tôi và chụp.
Ánh đèn flash bất ngờ làm tôi chói mắt đến độ khó chịu
– “Em làm gì vậy?” – Tôi phát cáu
– “Chụp ảnh chị ” – Em nói rồi cười hì hì như chưa có chuyện gì xảy ra. Em lại gần và đưa tôi xem tấm ảnh em vừa chụp được
– “ Chị đẹp không này?”
Tôi nhìn vào màn hình máy ảnh, những chiếc ghế trơ trọi trong quán thật tẻ nhạt, trên mặt bàn vẫn là ly trà tôi đang uống dở, thế nhưng… tôi đâu?
Tôi ngước lên nhìn em, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng thì em trả lại cho tôi một nụ cười thật hiền, đáy mắt em trong vắt như những vũng nước đọng ngoài kia, cả bầu trời, cả những tán lá bò cạp vàng đung đưa trong cơn mưa tiết đông lạnh lẽo.
Tôi đâu? Tôi hét toáng lên trong suy nghĩ của chính mình.
Em chạy về bàn của mình bỏ mặc tôi trong nỗi ngỡ ngàng đến run sợ, có phải đôi mắt tôi đã vùi chôn vào những giấc mộng quá lâu, lâu đến nỗi không còn tìm thấy bản thân mình? Quái lạ, tôi gặp ma hay tôi đã không còn tồn tại trên cõi đời này nữa? Không thể nào, tôi tự trấn an mình. Chiếc máy ảnh canon cũ mèm được em đeo tòn ten tren cổ trông như một nhà báo, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Nhưng khoan đã, em chỉ tầm 8 tuổi thôi mà. Em… em là ai?
Tôi xoay người lại đế tìm kiếm câu trả lời nhưng không thấy em đâu nữa, chỗ em ngồi, tôi chỉ thấy con bướm bắp cải vươn đôi cánh thanh khiết của mình bay ra cửa sổ khi cơn mưa còn chưa dứt.
Tôi ở đâu trong tấm ảnh đấy? Tôi ở đâu giữa quán cafe vắng tanh này, giữa cuộc đời này. Và em là ai? Có phải em là cánh bướm thuần khiết ấy đang cư ngụ nơi bầu trời bao la đấy không?
Tiếng nhạc du dương trong quán cafe bỗng được thay bằng tiếng kinh cầu nghe não nề, buồn đến vô tận…
Tú Quỳnh