Khác hẳn với vẻ nghiêm nghị, đĩnh đạc và tập trung cao độ khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, Dr. Ngô Hải Sơn, thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức, ở bên ngoài phòng làm việc là một người trẻ tràn đầy năng lượng và luôn sẵn sàng “tăng độ khó cho game”. Ngay từ khi còn rất trẻ, Dr. Sơn đã ghi dấu ấn sâu sắc với nhiều đóng góp và nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực y tế, khoa học – công nghệ.
Không chỉ thành công trong nghề nghiệp với những ca phẫu thuật “trên thế giới chỉ có vài trường hợp”, Dr. Ngô Hải Sơn còn được biết đến với những hoạt động xã hội ý nghĩa. Anh đã tham gia vào nhiều dự án thiện nguyện, trong đó có việc đóng góp cho “Thư viện tóc giả cho bệnh nhân ung thư” và chinh phục đỉnh Manaslu (8.163m) tại Nepal để gây quỹ cho Blue Dragon Children’s Foundation. Gần đây, anh đã trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ khi là người Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh K2 của Pakistan, đỉnh núi cao thứ hai thế giới, được biết đến với độ khó vượt trội so với Everest.
Gặp Dr. Sơn trong một chiều cuối năm, anh chọn cho mình một cốc cacao nóng để giữ sự tỉnh táo sau ca trực đêm và bắt đầu câu chuyện. Say sưa với những kế hoạch, Dr. Sơn như đang xếp lại những mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh đầy hoài bão của mình, mà mục tiêu lớn nhất là được đóng góp, được kiến tạo và được hạnh phúc!
Điều gì đã khiến anh lựa chọn trở thành một bác sĩ? Tình yêu với nghề y của anh là một “định mệnh” hay là điều được rèn luyện, vun đắp qua năm tháng?
Từ thời học cấp 2, tôi đã rất yêu thích môn sinh học. Còn nhớ, có lần thực hành mổ cá chép, khi thấy quả tim cá vẫn đập nhịp nhàng, tôi đã rất thích thú, tò mò. Trong những lần thực hành sinh học, tôi cũng được cô giáo khen, cô nói là “chưa thấy học sinh nào mổ đẹp như thế”. Thời tôi còn đi học, trường Y cũng được biết đến là “top đầu” với điểm số rất cao và thi vào rất khó, điều đó càng kích thích đam mê của tôi.
Khi thi đỗ Đại học Y, rồi bước ra làm việc, tôi mới thấy thích thôi là chưa đủ. Tình yêu với nghề y sẽ phải được vun đắp dần dần, qua những đêm trực dài, những ca bệnh khó và cả những cảm xúc đối với bệnh nhân… Có thể nói rằng, định mệnh đưa ta đến với những lựa chọn, nhưng điều giữ chân mình lại với nghề lại chính là nỗ lực của bản thân qua năm tháng. Cá nhân tôi thấy rằng mình khá hợp với công việc này bởi tôi thích được học hỏi và luôn đặt ra mục tiêu “làm tốt hơn”. Tôi nghĩ rằng trong bất kì công việc gì cũng vậy, bạn có tư duy, có khả năng khai phá những tiềm năng của bản thân, có tinh thần cầu tiến, chắc chắn sẽ thành công.
Là một bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương như bệnh viện Việt Đức là một công việc rất áp lực, anh đã làm thế nào để cân bằng cuộc sống và dành thời gian cho những đam mê khác của mình?
Trên trang cá nhân của mình, tôi đã có lần chia sẻ về “chi phí cơ hội” – không có bữa ăn nào là miễn phí cả. Nếu bạn được mời đi ăn trong vòng 1h, bạn sẽ mất đi 1h để làm những việc khác, ví dụ như nghỉ ngơi, đọc sách hay chơi với con… Chúng ta thường hay ngưỡng mộ những thành công lớn, nhưng lại không hay để ý đến những cái giá phải trả để đạt được thành công đó. Có những người thành đạt đã làm việc tới 120 tiếng/tuần, họ không có thời gian dành cho gia đình và phải chịu áp lực cực kì lớn từ chính những thành công đó, nhưng chúng ta thường chỉ nhìn thấy hào quang, chứ không thấu hiểu bóng tối phía sau.
Trong cuộc sống hiện đại, “chi phí cơ hội” càng trở nên lớn hơn, làm người ta khó có thể tập trung vào một thứ gì đó mà không bị các cơ hội khác gây ra cảm giác tiếc nuối: “đáng lẽ ra tôi có thể…”. Bởi vậy, sự cân bằng là một câu chuyện không có hồi kết, và thực tế là chẳng bao giờ cân bằng được cuộc sống. Mấu chốt vấn đề chỉ là bạn chọn làm gì, và bằng lòng với “chi phí” mà mình phải trả.
Về bản chất, mỗi người chỉ có một quỹ thời gian nhất định và bạn phải tự quyết định điều gì là cần thiết, là quan trọng. Có thể trong thời gian này, tôi chọn tập trung cho công việc, thời gian sau đó thì tập trung cho gia đình, chứ không thể có chuyện có tất cả mọi thứ cùng một lúc. Nếu bạn vừa muốn thành công trong sự nghiệp, gia đình hạnh phúc, đạt được thành tích trong thể thao nghệ thuật… thì thực ra ko có gì quan trọng trong cuộc đời của bạn cả, mọi thứ đều “làng nhàng” như nhau.
Trực đêm đối với bác sĩ là công việc thường ngày. Với cường độ làm việc căng thẳng như vậy, anh làm thế nào để giữ được một tinh thần minh mẫn, đặc biệt là với vai trò bác sĩ xử lý những ca mổ vi phẫu phức tạp?
Ví dụ một đêm trực ở bệnh viện Việt Đức thì bác sĩ phải đảm đương rất nhiều vị trí: xử lý bệnh nhân cấp cứu, hội chẩn bệnh nhân ở các khoa khác, xử lý bệnh nhân trong khoa của mình, kèm thêm khám bệnh theo lịch, thực hiện mổ cấp cứu trong khi vẫn phải xử lý tất cả những việc trên qua điện thoại… Nếu đối mặt với khối lượng công việc đó, dần dần bạn sẽ phải tìm cách tối ưu hoá, phát triển lối tư duy rõ ràng, rành mạch và hiệu quả để chất lượng công việc được đảm bảo, hiệu suất công việc cao hơn và quan trọng là không bị “ngập ngụa” trong đó.
Mổ vi phẫu là một phương pháp cần thực hiện qua kính hiển vi, yêu cầu sự tập trung cao độ, liên tục. Các ca vi phẫu rất phức tạp, chỉ cần sai sót nhỏ như một mũi chỉ không đúng kĩ thuật có thể gây tắc mạch và hỏng kết quả của cả ca phẫu thuật. Để giữ được sự tỉnh táo, khả năng chịu áp lực là cả một quá trình rèn luyện trong thời gian dài. Ngay từ thời sinh viên, tôi đã rèn cho mình thói quen làm việc 40 – 60 tiếng liên tục: đi học, đi trực đêm rồi sáng hôm sau lại đi học bình thường. Tất nhiên, khi trở thành bác sĩ chịu trách nhiệm chính thì chất lượng công việc rất khác, nhưng qua thời gian, tinh thần và bản lĩnh ngày càng được trui rèn tốt hơn.
Điều khác biệt ở đây là trách nhiệm. Khi đứng trước sự đau đớn, đứng trước tính mạng của bệnh nhân, họ cần giúp đỡ thì mình sẽ luôn tỉnh táo, dù mệt mỏi đến thế nào. Khi đứng trước những bệnh nhân đặt niềm tin, sức khoẻ vào tay mình, bạn sẽ cảm thấy có một động lực lớn lao, đó chính là liều “doping” khiến tôi có sức mạnh để làm việc trong những hoàn cảnh khó khăn.
Là một bác sĩ phẫu thuật tạo hình, trong hành trình nghề nghiệp của mình, anh có kỉ niệm nào đáng nhớ nhất?
Tôi tập trung chuyên sâu vào mảng phẫu thuật giới tính, cụ thể là chuyển giới và xác định lại giới tính. Cách đây vài năm, trong ca trực của mình, tôi tiếp nhận một bệnh nhân mổ cấp cứu. Do vấn đề về thần kinh, nghe thấy “thần phật” mách bảo rằng nếu là phụ nữ thì cuộc sống sẽ bớt khổ cực hơn, anh này đã tự dùng dao cắt dương vật và tinh hoàn thành 3 phần. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất phương án sẽ nối lại và tạo hình các bộ phận để đảm bảo sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đó là ca phẫu thuật rất khó, trên thế giới cũng chỉ có khoảng 2-3 trường hợp như vậy được ghi nhận, thường là trong những vụ tai nạn khá nghiêm trọng. Ca mổ kéo dài 12 tiếng.
Cũng có trường hợp ca mổ kéo dài 16 tiếng, như là mổ nối 4 ngón tay đứt rời. Khi đó, ekip điều dưỡng dụng cụ thay 3 tiếng/lần. Sau khi thay đến ekip thứ 5, sáng hôm sau, một bạn ở ekip đầu tiên đi qua phòng mổ và ngạc nhiên hỏi tôi: “Ơ, anh vẫn ngồi ở đây à?”. Lúc đó, tôi mới nhận ra mình đã làm việc suốt 16 tiếng liên tục, và đó là ca nối vi phẫu mạch máu qua kính hiển vi.
Được biết, ngoài vai trò là một bác sĩ, anh còn được biết tới với vai trò là một người leo núi đạt rất nhiều thành tích cao, như gần đây nhất là việc chinh phục ngọn K2 của Pakistan, đỉnh núi cao thứ hai thế giới, được biết đến với độ khó vượt trội so với Everest. Tại sao song rất nhiều môn thể thao, anh lại lựa chọn leo núi?
Tôi đã từng chơi rất nhiều môn thể thao và cũng có khả năng chơi giỏi ở nhiều bộ môn, nhưng leo núi lại là bộ môn còn khá mới ở Việt Nam. Đối với tôi, môn này cũng không tốn quá nhiều thời gian để luyện tập. Tôi luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ “trở thành số một” trong lĩnh vực của mình, nên leo núi là con đường ngắn nhất để khẳng định bản thân. Leo núi cũng là môn thể thao không bị phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố và bạn có thể kiểm soát được kết quả, thành tích của mình.
Nếu tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này, bạn sẽ thấy rằng thật ra ra thể lực chỉ chiếm 30 – 35% trong thành công của việc chinh phục một ngọn núi, còn lại là vấn đề của tinh thần và kĩ năng. Kĩ năng đó bao gồm: thể chất, ra quyết định, quan sát tình huống… và những điều đó có vẻ rất hợp với tôi.
Leo núi cũng là một cách để đặt mình vào những tình huống mà trong cuộc sống hàng ngày mình hầu như sẽ không gặp. Điều đó giúp tôi nhìn nhận những kĩ năng của mình ở góc độ cao hơn. Khi leo núi, đôi khi sẽ phải đối diện với các tình huống mà nếu không đưa ra quyết định đúng, sẽ đe doạ tới tính mạng, đó cũng là cách để rèn giũa phản xạ sắc bén hơn.
Leo núi luôn đòi hỏi một chút liều lĩnh, nhưng đồng thời cũng phải quản trị tốt sự liều lĩnh của mình để không gặp nguy hiểm. Với anh, điều này có mâu thuẫn không?
Có chứ! Nhưng mâu thuẫn tạo nên cuộc sống. Khi nhìn nhận vấn đề theo đúng bản chất, gạt bỏ những rườm rà bề ngoài để biết đúng mong muốn của mình, khi đó sẽ rất dễ ra quyết định, và không còn quá mâu thuẫn nữa. Khi đứng trước những quyết định mang tính bước ngoặt hay liên quan mật thiết tới tính mạng, cuộc sống, tôi sẽ nghĩ đơn giản là mình chọn cái nào. Liều lĩnh thường mô tả tình huống không nắm rõ tình hình mà vẫn làm thì gọi là liều, nhưng tôi ít khi để mình rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Để quản trị tốt rủi ro, trong việc leo núi hay trong vai trò là bác sĩ, đòi hỏi người ta phải rất cẩn thận, tỉ mỉ. Thật may rằng công việc trong ngành y đã rèn luyện cho tôi một sự cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết, luôn chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống có thể xảy ra; nên khi đi leo núi, áp dụng cho chính bản thân mình, dù có “rơi rụng” đỉ 50% sự cẩn thận, thì vẫn… đủ dùng.
Chinh phục ngọn núi chỉ là một trong các mục tiêu lớn, nhưng lớn hơn là phải an toàn trở về. Khi lên đến đỉnh, bạn phải còn ít nhất 50% sức khoẻ để an toàn khi trở xuống vì quá trình đi xuống sẽ thường khó khăn hơn. Trước khi bắt đầu hành trình, tôi luôn xác định rõ ràng mình có đủ khả năng lên đỉnh và an toàn trở xuống hay không, nếu ko thì tốt nhất quay về, vì núi vẫn ở đó, mình vẫn còn cơ hội nếu mình còn sống.
Dù chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng vẫn sẽ có những lúc thất bại. Anh đã đối diện với thất bại như thế nào và làm sao để vực mình dậy sau những thất bại đó?
Tôi đã thất bại trong lần đầu tiên leo đỉnh Manaslu, dù đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian, nhưng vẫn phải quay về khi chưa chinh phục được đỉnh núi. Nhưng tôi chấp nhận điều đó và hiểu rằng cuộc sống là như vậy. Còn trong công việc thì thất bại là chuyện thường gặp. Khi thực hiện điều trị cho bệnh nhân, không bao giờ có thể khẳng định 100% thành công, dù đó là thủ thuật đơn giản nhất vẫn có khả năng xảy ra rủi ro, không đạt kết quả như mình mong muốn. Tuy nhiên, điều đó nhắc nhở tôi rằng phải luôn cẩn trọng, chuẩn bị tốt nhất có thể, từ những thứ nhỏ nhặt nhất, để đảm bảo khả năng thành công là tối ưu. Khi làm công việc liên quan tới sức khoẻ người khác, áp lực sẽ cực kì lớn. Và khi thất bại, tôi phải học cách đứng dậy nhanh hơn, nếu không sẽ ảnh hưởng tới các bệnh nhân đang cần mình điều trị.
Trong thời gian này, được biết anh đang khởi động một số ý tưởng kinh doanh, anh có thể chia sẻ thêm về những dự định này?
Tôi đang thực hiện song song hai dự án của riêng mình đó là thực hiện các bước chuẩn bị để cung cấp dịch vụ cho người chuyển giới, bao gồm tư vấn, chăm sóc sức khoẻ, các phẫu thuật, sử dụng hoocmon, tránh những trường hợp thiếu kiến thức dẫn đến biến chứng nặng nề… Hiện nay, luật chuyển giới ở nước ta vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhưng là một bác sĩ chuyên sâu về lĩnh vực này, tôi đang khởi động những bước chuẩn bị, để sẵn sàng cho việc đưa các hoạt động vào chuyên nghiệp, bài bản khi Luật được ban hành.
Dự án thứ hai của tôi là khởi nghiệp với một công ty leo núi. Khi leo núi nhiều, có kinh nghiệm, có kĩ năng, tôi nhận ra rằng hầu như việc leo núi ở Việt Nam là tự phát. Người tham gia không có đủ kiến thức, kĩ năng, dẫn đến rất nhiều nguy cơ mất an toàn. Các vụ tai nạn xảy ra hầu hết là do bản thân người leo núi có quyết định không đúng, tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm, không phải tai nạn do thiên tai. Bởi vậy, công ty leo núi được thành lập nhằm từng bước đưa môn leo núi trở nên chuyên nghiệp, phổ biến hơn với mục tiêu đào tạo kỹ năng leo núi, kỹ năng sơ cứu y tế, kiến thức cần biết, vấn đề dinh dưỡng…
Dù công ty mới thành lập được 1 tháng, nhưng đã giúp nâng cao thành tích và đồng hành cùng một vận động viên là người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Amadaplan (Nepal). Trong tương lai, tôi dự định sẽ tổ chức các khoá học bài bản hơn và tổ chức các tour leo núi chinh phục 7 đỉnh núi cao nhất của 7 châu lục, từng bước đưa Việt Nam lên bản đồ leo núi thế giới.
Cảm xúc của anh thế nào khi bắt tay vào kinh doanh? Anh có nghĩ đây là một thử thách không?
Chắc chắn đây là một thử thách. Thậm chí còn là một thử thách rất khó khăn. Nếu chỉ đơn thuần làm chuyên môn thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng khi thành lập công ty, khởi nghiệp kinh doanh, tôi sẽ phải làm rất nhiều thứ, như quản trị doanh nghiệp, chiến lược phát triển, quản trị nhân lực, marketing… đó là những kiến thức rất mới mẻ mà tôi phải học từ đầu.
Bắt tay vào kinh doanh tôi mới thấy đây là một lĩnh vực rất khó, nhưng cũng rất thú vị. Tôi cảm thấy làm chuyên gia đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần giỏi lĩnh vực của mình, không cần quá quan tâm đến những việc khác, nhưng kinh doanh dường như là một “bộ môn tổng hợp”, trong đó cần có cả những điều gọi là “nghệ thuật”. Khi làm một bác sĩ, các vấn đề được nhìn nhận rất rõ ràng, còn khi là một doanh nhân, có rất nhiều “phần chìm của tảng băng” mà tôi cần tìm hiểu. Trong kinh doanh, tôi cũng không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, mà muốn tạo một môi trường lành mạnh, chuyên nghiệp và làm những điều ý nghĩa cho cộng đồng. Nhưng tất nhiên, tiền vẫn là một vấn đề, vì kinh doanh cần cả một bộ máy, và cần có tiền để bộ máy đó hoạt động tốt.
Với những trải nghiệm rất phong phú của mình, anh có điều gì muốn nhắn gửi tới giới trẻ – những người cũng đang ôm trong lòng rất nhiều hoài bão lẫn mộng tưởng?
Tôi đã mất rất nhiều thời gian để trải nghiệm, thể nghiệm, mới có thể nhận ra mình yêu thích điều gì, phù hợp với công việc gì. Nên nếu có điều muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, thì đó là hãy biết cách tập trung để xác định mục tiêu của mình càng sớm càng tốt, sau đó hãy dốc sức để đạt được nó. Khi còn trẻ, hãy nghĩ rằng bạn làm việc là để học tập, chứ không phải là để kiếm tiền. Tiền bạc sẽ đến khi bạn tích luỹ đủ kĩ năng và trở thành “dân chuyên” trong lĩnh vực của mình.
Hãy cố gắng, nỗ lực và đừng trông mong nhiều vào may mắn. Bởi may mắn cũng là một loại thực lực. May mắn thực sự chỉ xảy ra khi bạn đã đạt đến một tầm năng lực nhất định, đó là điều bạn đạt được khi bạn đã có những bước tiến rõ ràng.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng: bạn có thể làm bất kì điều gì, nhưng không phải là tất cả mọi thứ. Vì thời gian của con người là hữu hạn, bạn không có đủ thời gian và tâm sức dành cho tất cả, nên hãy tập trung vào điều thật sự quan trọng, tạo ra nhiều giá trị, nhiều lợi ích cho nhiều người.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!