Rằm tháng Giêng (15 tháng 1 Âm lịch) là ngày rằm quan trọng bậc nhất trong năm. Theo quan niệm dân gian,

“Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”,

lễ cúng rằm đầu tiên trong năm được chuẩn bị rất chu đáo, long trọng.

Vào dịp này, các dòng họ thường tổ chức lễ cúng tổ, các thành viên ở xa cũng về đoàn tụ. Các gia đình soạn lễ cúng tổ tiên.

Cúng rằm tháng Giêng trong nhà hay ngoài trời?

Theo chuyên gia phong thủy Song Hà trả lời trên báo

Giáo dục Thời đại,

lễ cúng rằm tháng Giêng nên được tiến hành ở cả trong nhà và ngoài trời để tỏ lòng thành kính với thần, Phật, gia tiên.

Cúng rằm tháng Giêng ngoài trời là cách để tri ân và thể hiện sự tôn kính với các vị thần linh. Đây là nơi phù hợp để đặt mâm cúng quan thần. Việc thờ cúng ngoài trời được coi là hành động mở ra không gian cho sự giao thoa giữa con người và thần linh, tạo điều kiện cho những mong ước của gia chủ đến được với các đấng bề trên.

Bên cạnh việc cúng ngoài trời, các gia đình cũng nên có mâm lễ cúng rằm tháng Giêng trong nhà để tưởng nhớ và tri ân tổ tiên. Mâm cúng này thể hiện tấm lòng đối với những người thân đã khuất, và tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình tụ họp, ôn lại kỷ niệm và gắn kết tình cảm.

Lễ cúng rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (từ 11h đến 13h) ngày chính rằm 15/1 Âm lịch. Đây được coi là khoảng thời gian linh thiêng, thuận lợi cho việc giao tiếp với các đấng thần linh và tổ tiên. Gia chủ nên thực hiện việc cúng bái ngoài trời trước khi tiến hành lễ cúng trong nhà để đảm bảo đúng quy trình.

Tuy nhiên, việc nên cúng rằm tháng Giêng trong nhà hay ngoài trời cũng phụ thuộc vào quan niệm và điều kiện của mỗi gia đình. Nếu có điều kiện và không gian, có thể tổ chức cúng cả ngoài trời và trong nhà. Nếu không gian nhỏ hẹp, không tiện cho việc cúng ngoài trời, hoặc gia đình ít người, không có điều kiện làm nhiều mâm cỗ thì chỉ cần cúng trong nhà vẫn được coi là đủ thành kính và phù hợp.

Dù chọn cúng ở đâu, điều quan trọng nhất là lòng thành và sự kính trọng đối với tổ tiên, thần linh.

Cúng rằm tháng Giêng nên được tiến hành ở cả trong nhà và ngoài trời. (Ảnh: Pinterest)

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng ngoài trời

Lễ cúng ngoài trời nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với trời đất, thần tiên, Phật thánh và các vị anh hùng dân tộc. Đối với những gia đình không có sân rộng, lễ cúng có thể được thực hiện ở gian giữa trong nhà hoặc trên sân thượng. Một số gia đình có điều kiện về không gian thậm chí còn chuẩn bị bốn bàn lễ ở bốn hướng khác nhau: Hướng bắc thờ Thượng đế, hướng nam thờ các vị thần, hướng tây thờ Phật và hướng đông thờ các vị anh hùng có công với dân với nước.

Mâm cỗ cúng ngoài trời thường được chuẩn bị kỹ lưỡng gồm:

– Mâm ngũ quả: Thể hiện cho ngũ hành và mang ý nghĩa cầu chúc phúc lộc, an khang.

– Hương: Thường là 3 cây nhang to, tượng trưng cho tâm linh và lòng thành kính dâng lên các đấng tối cao.

– 12 đĩa hoa: Tượng trưng cho 12 tháng trong năm, mang ý nghĩa cầu mong sự tươi đẹp và thịnh vượng xuyên suốt năm mới.

– Đèn/nến: 24 hũ nến sáp vàng hoặc đỏ biểu trưng cho 24 tiết khí trong năm.

– Trầu cau, muối gạo, trà rượu: Là những lễ vật truyền thống, mang ý nghĩa gắn kết tình cảm và cầu chúc sự hòa thuận, may mắn.

– Quần áo mũ thần nông giấy, lưỡi liềm giấy: Thể hiện lòng biết ơn và cầu mong một năm mùa màng bội thu.

–  Gà luộc: Tượng trưng cho sự no đủ và cũng là món lễ vật không thể thiếu trong các dịp cúng kính.

– Xôi hoặc bánh chưng: Mang ý nghĩa cầu mong sự tròn đầy, thịnh vượng.

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng trong nhà

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng trong nhà ngoài những lễ vật cơ bản còn có một mâm cỗ chay hoặc mâm cỗ mặn, hoặc cả hai – gồm cỗ mặn cúng gia tiên và cỗ chay để cúng thần linh.



Mâm cỗ mặn cúng gia tiên


Cỗ mặn dâng lên tổ tiên trong ngày rằm tháng Giêng thường gồm 4 bát và 6 đĩa, tượng trưng cho sự đủ đầy và giàu có. Các món ăn trong mâm cỗ mặn thường bao gồm những món truyền thống:

– Bát canh: Có thể là canh măng hầm xương hoặc canh mọc, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trọn vẹn và đủ đầy.

– Xôi hoặc cơm: Xôi gấc, xôi lạc hay cơm tẻ đều thường có mặt trên mâm cỗ, thể hiện sự no đủ và sung túc.

– Thịt gà: Gà luộc hoặc gà hấp lá chanh, gà xào sả ớt… là món không thể thiếu, thể hiện lòng hiếu thảo.

– Nem rán: Giòn rụm và thơm lừng, món ăn này thể hiện sự ấm áp và gắn kết gia đình.

– Chả lụa hoặc giò thủ: Tượng trưng cho sự bảo vệ và bình an

– Rau xanh: Những món rau luộc hoặc xào không chỉ bổ sung dinh dưỡng mà còn mang ý nghĩa cho sự tươi mới và sinh sôi.

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng. (Ảnh: Vũ Thu Hươg)


Mâm cỗ chay cúng thần linh

Dâng mâm cỗ chay trong ngày rằm tháng Giêng được coi là cách để các gia đình thể hiện lòng tôn kính với thần linh, đồng thời hướng con người đến những điều thiện lành và từ bi. Mâm cỗ chay thường có những món đơn giản nhưng đầy đủ và trang nhã, như:

– Đậu phụ: Biểu tượng cho sự thanh khiết và giản dị, có thể chế biến thành nhiều món như đậu sốt cà chua hoặc chiên giòn.

– Rau củ luộc: Đa dạng với các loại rau củ theo mùa, tượng trưng cho sự hoà hợp với thiên nhiên.

– Nem chay: Chế biến từ nấm, miến, và rau củ, món ăn này thể hiện sự sáng tạo và lòng thành kính.

– Canh nấm chay: Mang lại sự thanh mát, nhẹ nhàng, và tốt cho sức khỏe.

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng không chỉ đơn thuần là nghi lễ truyền thống mà còn là dịp để mọi người sum họp, đoàn viên, cùng hướng về những giá trị tốt đẹp và bày tỏ lòng thành kính tới tổ tiên và các đấng thần linh.



Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *