Đi lễ chùa, một nét đẹp văn hóa
Đi lễ chùa trong những ngày đầu tiên của một năm mới âm lịch không biết tự bao giờ đã trở thành điểm chung trong sinh hoạt được nhiều người lựa chọn, bất kể họ là ai, ở vùng miền nào, khung cảnh kinh tế ra sao. Dường như cái Tết Nguyên đán là cơ hội mang tính công bằng nhất cho tất cả mọi người để được thể hiện mình, được thỏa nguyện những nhu cầu mà thường ngày bị khỏa lấp.
Đó có thể là khoảng thời gian hiếm hoi trong một vòng quay thời gian có thể giúp con người ta hình thành những thói quen lành mạnh, điều chỉnh hành vi, và hiểu được những cảm xúc của bản thân – tất cả những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng lên sức khỏe, tâm lý, hành vi cho cả một năm mới đang được mong đợi và hành động.
Ở góc độ cá nhân, khi đi lễ là khoảnh khắc mà có lẽ con người sống thực, sống đúng nhất với bản thân mình, gia đình mình, dòng họ mình khi mong muốn những điều từ bình dị nhất đến cao sang nhất về sức khỏe, tiền tài, công danh, hạnh phúc. Cũng có thể có chút hối lỗi về những gì đã làm để không còn mắc phải, để tránh đi vào những điểm thấp trong vĩ độ của tâm hồn những mong kéo lại sự thanh thản, thanh sạch của tâm hồn.
Cũng lại là để tìm đến trả lại sự cân bằng cho tâm trí sau bao xáo trộn, rắc rối, phức tạp cho dù đã ở lại phía sau lưng nhưng vẫn còn đó những bóng dáng, tiếng vọng, thậm chí còn là những vết sẹo chưa liền miệng. Không ai muốn mang chúng trong hành trang tâm hồn cho một năm mới đến.
Người viết bài này được nghe các cụ cao niên kể chuyện, những ngày đầu năm mới, người quê luôn trân trọng đến từng phút giây để được giao hòa cùng trời đất. Thậm chí có cả những người còn tắm rửa sạch sẽ, chay tịnh bản thân để vào những đêm thời tiết đẹp nhất của mùa xuân, khô ráo mắc võng ngủ ngoài sân vườn để cảm thụ được những linh khí thiêng liêng, nhất là vào đêm rạng ngày rằm tháng Giêng,
Ở góc độ xã hội, khi con người ta đi lễ chùa vô hình trung đã đi từ mong muốn, chia sẻ những điều tốt đẹp nhất, như ý nhất cho mình, gia đình mình đến với cả cộng đồng, xã hội. Để mong cho quốc thái dân an, nhà nhà bình yên, người người bình yên. Đó cũng còn là sự gắn kết sâu sắc hơn, thấm đẫm hơn với truyền thống, văn hóa dân tộc.
Như vậy dù ít hay nhiều việc đi lễ chùa đầu năm đều trở nên một hành trình trọn vẹn của tâm hồn con người ta. Để từ đó mở ra hy vọng, tự tin ở bản thân mình để biến tiềm năng thành hiện thực. Cũng là để sáng suốt hơn, thông tuệ hơn cho các giải pháp phía trước, nhìn ra được lực cản để khắc phục và vượt qua. Đó cũng là minh triết cao nhất của nhà Phật, của đạo Phật mà trong hàng nghìn năm qua mong muốn thấy ở con người.
Những hành vi khiến hiểu sai triết lý nhà Phật
Tiếc thay không ít người đã vô tình bỏ lỡ cơ hội tạo dựng cho mình, cho gia đình mình, dòng họ mình một hành trình trọn vẹn cho tâm hồn rất đáng nên có ở những thời khắc ý nghĩa nhất của cả một năm. Không những thế còn làm méo mó một cách vô thức hành trình ấy.
Đơn cử như những hành vi nhỏ như đốt mã, nhét tiền, sờ mó các tượng thờ trong khuôn viên các ngôi chùa. Rồi thắp hương, cắm hương khắp mọi chỗ trong nơi thờ tự. Đó là những hành vi rất không nên có ở những nơi tôn nghiêm, không chỉ làm giảm không khí thư thái tĩnh lặng trầm mặc mà còn làm ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Điều đáng mừng là những hành vi như vậy đang có xu hướng giảm dần tuy chưa thực sự rõ nét. Không phải dâng nhiều cỗ, nhiều tiền, đốt nhiều vàng mã là khắc ứng nghiệm. Những hành vi đó hoàn toàn xa lạ với với triết lý nhà Phật bởi nhà Phật luôn mong muốn một tâm thế từ bi hỉ xả, hoan hỉ cho tất cả những ai đến hành lễ, đảnh lễ.
Rồi còn một thực tế đáng ngại đang tồn tại cũng trong không ít người là tồn tại một tâm lý thiên vị vô hình giữa chùa này và chùa khác cùng thờ Đức Phật, có chùa lại “thiêng” hơn chùa kia (?). Đặc biệt dịp đầu năm là dịp nhiều người mặc định là thời điểm cho những cuộc chạy đua đi lễ với tâm lý lễ càng nhiều càng được phước báu, càng giảm rủi ro.
Cửa Phật không phải là nơi ban phát
Ở đây một triết lý được mặc định một cách rất rõ ràng ngay từ khi Đức Phật còn tại thế là không thể ban phúc, giáng họa cho ai mà phải tự mình tu tâm tích đức để cải thiện số phận của mình… Lại càng không thể xem nơi cửa Phật là nơi cầu xin, từ đó đi ngược lại minh triết Phật giáo là dùng trí tuệ để tự mình cải hoán trước hết cho bản thân, sau đó là cho cộng đồng. Để từ đó có những phương pháp chuyển hóa hoàn cảnh bằng trí tuệ và sự tỉnh thức, chứ không phải bằng cầu xin, nuôi tham vọng.
Cũng còn một thực tế đáng quan tâm khác là dùng niềm tin Phật giáo để thu hút, đưa đẩy với một bộ phận người dân, kể cả Phật tử vốn còn chưa thực hiểu rõ về ý nghĩa cao đẹp của việc đi chùa lễ Phật.
Biểu hiện rõ nhất của nó là cùng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, công nghệ để kích hoạt, đẩy cao tâm lý đám đông trong việc thần thánh hóa Đức Phật hoặc giả một vị chư tăng nào đó mang vai trò “tối cao” được quyền thưởng – phạt hay ban phát. Để rồi khiến không ít người tìm đến Phật để cầu xin những giá trị đầy hư ảo như tiền tài, địa vị, danh vọng vốn hoàn toàn xa lạ với triết lý nhà Phật. Hoặc thậm chí có cả việc xin cải vận đổi mệnh thông qua các khóa lễ mà lý ra ở đó những hiểu biết về triết lý Phật giáo phải được soi tỏ, giác ngộ.
Rõ ràng để việc đi chùa lễ Phật đầu năm mang ý nghĩa một hành trình trọn vẹn cho tâm hồn, việc nâng cao kiến thức, hiểu biết từ việc đi lễ cho đến những triết lý nhà Phật là việc rất nên làm, rất cần làm với bản thân mỗi người. Để từ đó tạo đánh thức và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất, thánh thiện nhất, nhân bản trong mỗi con người ra đến với cộng đồng. Đó là sự nhân văn cao cả của mỗi con người rất cần có ở kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, của đất nước.