Những ngày này, làng nghề gốm Bàu Trúc – một điểm du lịch khá nổi tiếng tại xã Ninh Phước (tỉnh Khánh Hòa) thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm mỗi ngày. Đây là tín hiệu tích cực, tạo thêm cơ hội việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Dịp hè này, chị Nguyễn Hương Thu Vân (TP. Hồ Chí Minh) cùng các thành viên trong gia đình đến làng gốm Bàu Trúc để tham quan, trải nghiệm. Được chiêm ngưỡng và tận tay nặn thử sản phẩm gốm nên con gái chị rất thích thú. Chị Thu Vân cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến tham quan, trải nghiệm tại làng nghề gốm Bàu Trúc. Trước khi đến đây, tôi đã tìm hiểu và biết đến làng gốm thông qua mạng internet. Tôi thấy sản phẩm của làng gốm đa dạng, màu sắc mang tính dân dã và có tính nghệ thuật độc đáo. Con gái tôi được tìm hiểu, tự tay nặn chậu hoa bằng gốm nên rất thích thú”.
Nghệ nhân Trượng Thị Gạch trình diễn kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Châu – du khách đến từ tỉnh An Giang chia sẻ: “Tôi đến làng gốm Bàu Trúc lần đầu. Đến đây, tôi thấy các sản phẩm gốm đa dạng, màu sắc của gốm giống như màu của gỗ rất đẹp. Với tôi, đây là trải nghiệm thú vị. Tôi thấy thích nhất bộ gốm 12 con giáp của làng nghề”.
Anh Phú Hữu Minh Thuần – Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: “Từ đầu tháng 6 đến nay, làng nghề gốm Bàu Trúc bước vào mùa cao điểm du lịch. Hiện nay, trung bình mỗi ngày hợp tác xã đón khoảng 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm… Để thu hút du khách, đi đôi với đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng sản phẩm các mặt hàng gốm gia dụng, mỹ nghệ và tâm linh, chúng tôi chú trọng tổ chức các dịch vụ như: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống của người Chăm, trải nghiệm quá trình làm gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, giới thiệu về văn hóa Chăm… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng chương trình du lịch, bố trí không gian bài bản, ấn tượng hơn để phục vụ tốt nhu cầu của du khách”.
Hiện nay, làng nghề gốm Bàu Trúc có 2 hợp tác xã, 1 công ty, 22 cơ sở sản xuất kinh doanh và khoảng 300 hộ dân làm gốm. Khác với đa số làng gốm ở Việt Nam và thế giới, người làm gốm ở Bàu Trúc làm gốm hoàn toàn bằng tay, không cần dùng bàn xoay khi tạo hình khối cho sản phẩm. Khi làm gốm, các nghệ nhân vừa đi giật lùi vòng quanh khối đất sét, vừa đều tay xoa, vuốt để tạo hình sản phẩm. Sau khi tạo hình khối, hoa văn, gốm được đem phơi và nung ngoài trời bằng củi hoặc rơm. Quá trình nung kéo dài vài giờ đến một ngày tùy vào kích cỡ sản phẩm. Mỗi sản phẩm gốm ở Bàu Trúc là một tác phẩm nghệ thuật độc bản, không trùng lặp, đơn điệu.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Hợp tác xã Gốm Chăm Bàu Trúc.
Với những nét đặc trưng riêng biệt, nhất là việc đổi mới, chuyên nghiệp hơn từng ngày trong cách làm du lịch, làng nghề gốm Bàu Trúc là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong dịp hè này và cả thời gian tới.