Gà là một loài vật có mặt trong 12 con giáp nên mang nhiều ý nghĩa và được mọi người xem trọng. Vì thế nên trong các ngày Tết hay những ngày giỗ không thể thiếu một con gà trên bàn thờ tổ tiên để thể hiện lòng tri ân cũng như kính trọng ông bà mình.
Theo quan niệm dân gian truyền lại, tiếng gà gáy có thể xua đuổi được ma quỷ vì tiếng gà gáy tượng trưng cho trời sáng, báo hiệu một ngày mới lại đến nên ma quỷ vì thế cũng sợ mà biến đi mất. Ngày Tết mà thiếu gà cũng như cá thiếu nước, bất cứ gia đình nào dù giàu hay nghèo thì đều phải có một con gà để dâng lên cúng bàn thờ.
Tinh thần “văn, vũ, dũng, nhân, tín”
Theo như những bức tranh dân gian ngày xưa, các họa sĩ thể hiện hình ảnh những con gà theo 5 đức tính “văn, vũ, dũng, nhân, tín”. Mỗi đức tính đều có những nét riêng thể hiện tinh thần dân tộc và càng làm sâu sắc hơn ý nghĩa trong tục cúng gà ngày Tết. Mào đỏ uy nghi của gà được ví như chiếc mũ quan triều nên mang ý nghĩa đầu tiên là “văn”. “Vũ” là là phong thái, là dáng đi bằng 2 bộ cựa của gà, tượng trưng cho 2 đôi song kiếm với dáng đi như vũ bão.
Tiếp đến là “dũng”, người ta hay dùng gá để đá với nhau vì tính cách của gà rất háo thắng, rất dũng mãnh. Vì vậy, “dũng” ở đây thể hiện một tinh thần hiên ngang, sẵn sàng đối đầu với đối thủ đến cùng. “Nhân” ở đây thể hiện tình thương, lòng nhân ái của gà mẹ dành cho gà con, khi kiếm được mồi lúc nào cũng chia sẻ cho con, luôn bên cạnh chăm sóc đàn con của mình. Cuối cùng là “tín”, là canh đúng thời khắc trong ngày để gáy sáng, đánh thức mọi người dậy. Chỉ một hình ảnh con gà mà họa sĩ đã khắc họa được những nét tinh thần dân tộc mang đậm tính cách Việt Nam.
Một chú gà trống ngậm hoa hồng đỏ từ lâu đã là thứ không thể thiếu trên mâm cúng ngày Tết của mỗi gia đình người Việt. Không giống như các vật cúng tế có ý nghĩa về hình ảnh hoặc âm thanh qua tên gọi, như xôi gấc đỏ để tượng trưng cho may mắn, chân giò (tiếng Hán Việt là “trư túc” đồng âm với “chư”: mọi thứ và “túc”: sung túc, no đủ) tượng trưng cho sự ấm no đủ đầy, hình ảnh con gà trống còn mang một ý nghĩa sâu sắc về ngũ đức của người quân tử.
Cái đức Tín nổi bật của gà trống. Bất kể trời đông giá rét, hay trời hạ dông dài, bất kể ngày nắng oi nồng hay ngày mưa gió bão bùng, cứ đúng giờ, đúng canh, gà trống lại cất tiếng gáy báo hiệu cho mọi người thức dậy làm ăn. Gà trống cúng thường có thêm bông hoa hồng đỏ gắn ở mỏ cũng có thể là mô phỏng hình ảnh gà gọi mặt trời, báo hiệu một thời kỳ tươi sáng đang đến.
Cách bày trí trong tục cúng gà ngày Tết
Khi dâng cỗ cúng tổ tiên trong ngày Tết, phải biết cách bày trí và thể hiện hết tấm lòng của con cháu dành cho ông bà. Đối với những cỗ nhỏ trong gia đình, cần phải dâng cả con gà với đầu gà hướng về phía Tổ tiên, để thể hiện tinh thần đầy đủ và tôn trọng ông bà. Hơn nữa, cần phải đặt những bộ phân liên quan đến gà ở bên cạnh con gà như bộ lòng, bộ chân để tất cả lên trên một dĩa cúng. Còn đối với tục cúng gà ngày Tết ở ngoài, nên đặt con gà hướng ra phía ngoài đường để cầu chúc một năm bình yên, nhiều may mắn, xua tà ma quỷ cho gia chủ.
Chỉ cần hiểu rõ về ý nghĩa và những phong tục cúng gà của dân tộc ta từ xưa đến nay là bạn đã chuẩn bị được cho gia đình mình mâm cỗ thật sự thịnh soạn. Tục cúng gà ngày Tết không chỉ thể hiện sự tin tưởng, lòng tri ân mà còn giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trong mâm cơm sum vầy ngày Tết của người dân miền Bắc, ngoài bánh chưng xanh, dưa hành, thịt mỡ thì món thịt gà là một món ăn không thể thiếu. Ngoài giá trị dinh dưỡng, đây còn là món ăn có giá trị văn hóa tâm linh rất lớn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Xuân Đính, tục cúng gà là tục rất cổ xưa của các các cư dân nông nghiệp.
“Sở dĩ người ta dùng gà sống bởi gà sống thể hiện tư duy lưỡng hợp của cư dân nông nghiệp, thể hiện cho tầm cao, cho ánh sáng ban ngày, sự sống”, ông nói.
Cúng thịt gà trống trong những ngày lễ Tết trở thành phong tục của người dân Việt Nam từ nhiều năm nay. Sau khi dâng cúng tổ tiên, cả gia đình sum vầy cùng thụ lộc và thưởng thức bữa cơm ngày Tết.
“Khi dâng cúng tổ tiên, việc dâng cả con gà, cả bộ chân, bộ lòng đề cao tấm lòng trọn vẹn của con cháu với tổ tiên. Khi con cháu hưởng lộc, đó cũng là lộc từ tổ tiên trực tiếp ban xuống”, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Xuân Đính nói.
Cúng thịt gà trống trong những ngày lễ Tết cũng trở thành phong tục, thói quen của người dân Việt Nam từ nhiều năm nay. Hoạt động này không chỉ ẩn chứa nét văn hóa mà còn mang giá trị dinh dưỡng trong những ngày này.
Ông Đính lý giải: “Các cụ xưa có câu ‘Lợn thì chầu ra, gà thì chầu vào’. Cúng mâm cỗ trong ban thờ gia đình thì việc bày con gà quay đầu về hướng bàn thờ, bát hương tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Cúng gà ngoài trời thì ngược lại, phải bày gà sao cho đầu hướng ra phía ngoài đường”.
Con gà là một vật tế lễ, là một trong lục súc và là một trong 12 con giáp. Con gà cũng hội tụ đủ 5 đức của tướng tài đó là văn, vũ, dũng, nhân, tín.