Đó là trường hợp bệnh nhân N.V.N. (40 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi TPHCM ) vừa được tiếp nhận cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Theo bệnh sử, 30 phút trước đó thì bệnh nhân đột ngột ho ra máu đỏ tươi ào ạt (ho ra máu sét đánh) với khối lượng khoảng 200ml. Theo bệnh nhân, trước đó anh không hề có vấn đề gì về bệnh lý hô hấp hay tiêu hóa nhưng có tiền căn nghiện thuốc lá đã nhiều năm.
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ chỉ định chụp CT lồng ngực ghi nhận có tổn thương vùng đỉnh phổi hai bên, có hình ảnh xuất huyết nhu mô kèm tăng sinh động mạch phế quản thùy trên phổi phải. Người bệnh nội soi phế quản – can thiệp cầm máu. Trong quá trình nội soi phế quản, ê kíp bác sĩ ghi nhận có chảy máu từ thùy trên bên phải và được cầm máu qua nội soi ống mềm. Tuy nhiên, sau nội soi phế quản cầm máu, bệnh nhân vẫn còn ho khạc ra máu đỏ tươi, việc cầm máu qua nội soi không giải quyết triệt để.
BS Phạm Khắc Tường, Trưởng khoa Nội Hô hấp của bệnh viện cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân N. là tình trạng ho ra máu lượng nhiều, chưa có tiền căn bệnh phổi nhưng người bệnh hút thuốc lá khá nhiều khiến khí phế thủng rải rác ở thùy vùng trên phổi hai bên, tổn thương phổi bên phải”.
Qua hội chẩn, các bác sĩ xác định đây là tình trạng ho ra máu nặng kèm tăng sinh động mạch phế quản bên phải. Các bác sĩ đã chỉ định nút động mạch phế quản phải dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, giúp kiểm soát và chấm dứt hoàn toàn tình trạng ho ra máu. Sau can thiệp, sức khỏe của người bệnh đang bình phục tốt.
Từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, khi một người có tình trạng ho ra máu thì nên đến ngay bệnh viện có chuyên khoa để thăm khám nhằm đánh giá mức độ ho ra máu và lựa chọn phương pháp can thiệp, điều trị kịp thời. Trong một số trường hợp, ho ra máu nặng sẽ khiến người bệnh có nguy cơ tử vong lên đến 50%.