Mụ Diễm dùng bàn tay tát ten tét vào miệng cụ Cẩm quát to:

– Mở miệng ra, đã bảo mở miệng ra để tôi đút cháo.

Nhưng cụ Cẩm lắc đầu nguây nguẩy xua tay. Lúc còn chắp tay van nài. Mụ Diễm vẫn không tha, trợn mắt nói:

– Bà mà không mở mồm ra ăn cho tử tế, đừng trách tôi đổ cả bát cháo này lên đầu bà.

Cụ Cẩm rơm rớm nước mắt:

– Mẹ đã nói mẹ không ăn được. Con để đấy rồi lát nữa mẹ tự ăn.

Mụ Diễm đặt bát cháo đến rầm một cái lên cái bàn gần đó. Hằm hè nói:

– Bà là cục nợ của tôi đấy. Sao bà không chết quách đi cho rồi!

***

Cụ Cẩm khóc hu hu. Cố gượng cầm bát cháo đưa lên miệng để húp ít nước. Dẫu vậy, dường như bát cháo tanh quá, cụ không ăn nổi. Cụ quay mặt đi, lại đặt bát cháo xuống bàn nấc lên từng tiếng. Nhưng cụ khóc cứ nhỏ dần, vì chừng mụ Diễm vẫn còn đang trợn mắt nhìn cụ. Cụ lại liếc về phía bát cháo. Bát cháo ấy tanh tưởi còn mùi hôi của thịt lợn đã hơi thiu. Chắc mụ Diễm mua phải thịt ôi, không ăn được nên nấu cháo đem cho cụ ăn.

Cụ nghĩ ngợi một hồi thế nào rồi lại nôn ra nên đất. Mụ Diễm gầm lên:

– Trời ơi là trời! Đã không ăn được lại còn nôn ra, khổ cái thân tôi không. Sao mà bà ngu thế hả bà, ngu như lợn ấy!

Rồi mụ sấn sổ lồng lộn lao tới túm đầu cụ Cẩm, dùng tay bóp miệng cụ và đổ bát cháo đó vào miệng cụ. Vừa đổ mụ vừa quát:

– Đây ăn đi! Ăn nhanh không tôi giết bà…

Bát cháo chảy đến đâu, cái mùi tanh thiu lại xộc lên đến đấy khiến cụ Cẩm giãy đành đạch. Nước cháo vung ra bắn toe toét vào tay mụ Diễm. Mụ càng tức giận, đem cái thìa sắt chọc chọc vào miệng cụ Cẩm hòng ép cụ ăn cho nhanh. Đổ xong bát cháo, cụ Cẩm đã ngất ra nên không còn nôn nữa.

con-quy-ao-do

Mụ Diễm lườm cụ Cẩm một cái rồi đi ra vại nước rửa tay. Xong lại đem cụ cho nằm lên giường. Nước cháo vương vãi khắp nơi bốc mùi trong phòng cụ mụ cũng chẳng thèm dọn. Đã từ lâu căn phòng của cụ Cẩm luôn bốc mùi thum thủm, giống như một cái buồng đi cầu. Cái mùi ấy ám cả vào quần áo của cụ, cả vào đầu tóc mặt mũi không chỗ nào không có mùi. Cái mùi ấy khiến cho mụ Diễm coi cụ Cẩm như một con mèo bệnh mà thành ra mụ càng có ác cảm nên cũng lười chăm sóc.

Kể từ khi ông Cố chết, không ai có thể kiềm giữ mụ Diễm. Sinh thời ông Cố khỏe mạnh, tính tình vũ phu nên thường hay đem mụ đánh đập để trị cái tật chua ngoa. Giờ ông Cố đã mất, chẳng còn ai có thể trấn áp được mụ.

Mụ Diễm đi rồi, vài giờ sau cụ Cẩm tỉnh lại. Nước cháo dính nhơp nhớp trên miệng cụ. Cụ cố gượng dậy, xua tay đuổi mấy con ruồi đậu trên mặt, gần bãi nước cháo tanh thiu.

Cụ mò ra vại nước định rửa tay. Nhưng mở vòi nước mà chẳng có giọt nước nào cả. Chắc đã đến giờ nhà máy cắt nước. Hồi chiều chẳng biết mụ Diễm làm gì mà quên mở van nên giờ này trong bể chẳng còn giọt nước nào. Thứ nước cháo bẩn thỉu tanh thiu, trải qua mấy tiếng cụ ngất càng có mùi ôi. Khiến cho chính cụ dù đã quen với cái mùi trên cơ thể mình cũng không sao chịu nổi. Cụ nhớ vườn sau còn cái giếng cũ của nhà. Lúc ông Cố còn sống thì nhà này vẫn hay dùng nước giếng. Chỉ có mấy năm nay mới chuyển sang dùng nước máy. Cụ Cẩm mon men ra vườn sau, thả gầu nước xuống giếng để lấy nước lên rửa ráy.

Duẩn dắt chiếc xe đạp, dựng tạm ở bờ dậu, sau đó vác bao gạo khi nãy mua ở chợ huyện từ trên xe vào nhà.

Trong gian bếp ẩm mốc, có một ít tro tàn quẩn quanh trên nóc bếp dội xuống. Duẩn lấy chân đạp mạnh vào cây cột mấy lượt để đỡ bụi. Rồi anh lại đem túi gạo giấu ở góc bếp.

Hôm nay Duẩn chỉ dám mua chục cân gạo, vì sợ bà Diễm chẳng may tìm được số gạo này lại đem qua nhà ông Lực cho thằng Bá. Thằng Bá là con riêng của bà Diễm với ông Lực. Bà Diễm qua lại dấm dúi với ông Lực rồi có thai thằng Bá từ hồi ông Cố còn sống. Hồi ấy ông Cố đi làm ăn xa đến tận ba năm. Khi về bà Diễm giấu nhẹm đi việc mình có tư tình sinh con riêng. Lúc cuối đời mọi chuyện bị người làng bàn tán vỡ lở. Ông Cố vì biết chuyện nên tức đến mức sùi bọt mép mà chết.

Duẩn chạy ù ra ngoài vại nước định rửa mặt thì chợt phát hiện nước trong bể đã hết. Duẩn mở van nước dự phòng ở đầu kênh, cho nước chảy vào trong bể. Thường ngày Duẩn vắng nhà, bà Diễm không hay để ý chuyện nước nôi. Hễ khi có nước từ trạm bơm xả xuống mà không có người ở nhà là nước sạch tràn bể ra lênh láng rất lãng phí. Bởi vậy nên thông thường trước khi ra khỏi nhà, Duẩn đều khóa cái van nước tổng lại. Hễ về nhà thấy hết nước thì mới mở.

Trong lúc chờ nước đổ vào bể để có thể tắm rửa. Duẩn chạy vô buồng trong hỏi thăm bà nội. Cái cửa buồng khép hờ, xộc ra thứ mùi tanh tưởi ôi thiu. Duẩn hơi nhăn mũi nhưng cũng đẩy cửa vào. Vừa đẩy cửa vào thì Duẩn đã thấy bà Cẩm ngồi móm mém nhai trầu. Miệng toe toét nhìn anh cười rồi hỏi:

– Hôm nay cháu trai bà đi làm về sớm thế?

Duẩn há miệng cười đến mang tai. Hôm nay cụ nội lại khỏe đến lạ thường. Đã lâu lắm rồi Duẩn không thấy cụ Diễm ngồi nhai trầu. Duẩn ngồi xuống gần cụ, tự têm cho mình một miếng rồi nhét vào miệng. Vừa nhai vừa nhăn mặt hỏi cụ Cẩm:

– Thứ này thì có gì ngon mà sao cháu thấy cụ cứ nhai mãi thế. Cay chết đi được…

Cụ Cẩm chỉ cười không nói gì. Duẩn nhổ toẹt miếng trầu xuống cái chậu bô gần đầu giường của cụ, sau đó lấy tay lau lau miệng, rồi chạy ra ngoài vại nước định tắm rửa.

Đúng lúc bà Diễm về, nom thấy quanh miệng Duẩn đỏ choe đỏ choét thì liền nguýt dài:

– Úi trời, lại vừa đi hú hí với con nào ở ngoài đồng đấy.

Mụ dừng một lúc rồi hất cằm hỏi:

– Có mang gạo về cho tao không? Mang về nhiều không?

Duẩn cúi đầu không nói câu gì, chỉ chạy ra vại nước dội ù gáo nước lạnh lên đầu bắt đầu kì cọ. Mụ Diễm thấy Duẩn không nói liền hằm hằm xông vào gian bếp. Nhưng mụ không tìm thấy gạo, chắc hôm nay Duẩn giấu kĩ quá. Nét mặt mụ tối sầm lại vì cảm giác khó chịu. Dự tính có chuyện chẳng lành, Duẩn thay vội cái quần đùi định chạy ra ngoài quanh quẩn cho mụ Diễm hết cơn tam bành rồi mới về. Nào ngờ Duẩn chỉ vừa kịp thay xong cái quần thì mụ Diễm đã lăm lăm cây roi bằng gỗ dâu xông vào người Duẩn quất tới tấp. Duẩn ngã chúi xuống đất, mặt bê bết máu vì má quệt vào miểng ngói vỡ. Khắp người Duẩn bị bùn đất quấn quanh. Mụ Diễm rít lên:

– Tao đã nói mày mua hai yến gạo để tao đem qua lo cho em trai mày mà sao mày không nghe lời tao. Mày coi lời tao nói là không khí có phải không?

Duẩn cắn răng không nói câu nào. Không phải vì anh sợ mụ Diễm nên không dám cãi lại. Mà là vì anh sợ cái chữ hiếu treo trên đầu.

Mụ Diễm càng được thể làm tới túm tóc bứt tai, tát bôm bốp vào mặt Duẩn nói:

– Em mày đang tuổi ăn tuổi học. Mày không lo cho nó thì mai sau ai gồng gánh cái gia đình này. Mày ngu một đời rồi mày lại muốn em mày ngu theo mày, khổ sở đi làm đày tớ ở đợ giống như mày hay sao?

Duẩn cứ cúi gằm mặt nín nhịn không nói câu nào. Mụ Diễm đánh một lúc đã tay rồi lại phải quay đầu đi vào nhà. Mụ vẫn không quên để lại một câu nói văng vẳng:

– Lần này mày trái lời tao thì chớ có lần sau nghe chưa. Nếu còn có lần sau tao sẽ không chỉ đánh mày qua quít thế này thôi đâu.

Mụ đã vào nhà rồi, im được một lúc lại nói vọng ra:

– Lát tao ra mụ Hớn lấy chịu hai chục cân gạo. Mày đi làm lĩnh tiền công về thì đem tiền qua đó mà trả.

Thì ra mụ Diễm đã nghĩ ra cách để lấy cho bằng được số gạo mà Duẩn không chịu mua. Nếu sớm biết trước thế này thì Duẩn đã chẳng bằng mua quách hai yến gạo cho mụ, đỡ phải chịu một trận đòn đau. Duẩn uất ức lắm nhưng không biết làm sao. Anh chạy tới vại nước dội mấy gáo nước lạnh lên đầu như để trút giận, cũng là để xua tan hết bùn đất dính ở trên người.

Mụ Diễm đi đâu vào buổi tối hôm đó, đến nửa khuya thì mới hớn hở quay về. Thấy Duẩn đang ngồi soi mặt trước thau nước lau vết rách trên mặt, mụ hòa hoãn nói:

– Lấy muối mà sát vào, kẻo nhiễm trùng rồi toét ra lại tốn tiền đi chạy chữa.

Duẩn thấy lạ vì mụ Diễm tự dưng lại thay đổi thái độ quan tâm anh như vậy, nhưng câu nói tiếp theo của mụ khiến thâm tâm anh chết lặng:

– Tao với ông Lực sắp làm đám cưới, thằng Bá cũng sẽ dọn về nhà ở chung. Nay mai nó về đây thì bay đừng làm phiền nó học hành nghe chưa.

Nói xong mụ tủm tỉm quay đầu bước vào trong buồng. Hình như mụ sung sướng lắm, vì cái ước nguyện bấy lâu nay của mụ cuối cùng đã được thành sự thật.

Chiều nay đi qua đình làng, Duẩn có nghe phong phanh tin ông Lực bán nhà vì thua số đề. Chắc vì vậy nên ông Lực không còn cách nào nên mới đành phải lấy mụ Diễm. Hơn nữa từ trước tới nay mụ Diễm qua lại bên ấy lo ăn ở, ông Lực sớm đã ỷ lại nên chẳng thèm lo làm ăn gì cả chỉ suốt ngày rượu chè. Dịp này ông Lực sa cơ lỡ vận, mụ Diễm hẳn đã bơm thêm để ông ta về quách bên này.

Duẩn tức giận khiến vết máu trên má đã dịn chảy thế mà lại trào ra. Lông mày anh giật giật, nắm đấm tì xuống đất nổi cả gân xanh. Mụ Diễm ngày càng quá quắt. Ông Lực về đây, gánh nặng năm miệng ăn sẽ đè lên đầu anh. Cả cơ nghiệp ông Cố để lại từ lúc sinh thời, cũng chẳng biết sẽ tồn tại được bao lâu.

Mụ Diễm cứ quẩn quanh trong buồng, trả biết mò mẫm cái gì mà ồn cả khắp nhà. Được một lúc mụ lại chạy ra cố tình làu bàu để cho Duẩn nghe thấy:

– Sắp làm đám cưới tới nơi rồi mà chẳng có gì để mặc trong đêm tân hôn cả.

Sắc mặt mụ đỏ lựng tỏ vẻ thẹn thùng khi nghĩ tới ông Lực. Mụ năm nay đã ngoài bốn mươi, đúng tuổi hồi xuân mơn mởn. Ông Lực lại vóc người cường tráng đẫy đà càng khiến lòng mụ nóng như lửa đốt.

Vẻ mặt mụ bỗng như sực nhớ ra điều gì đó, mụ chạy vào buồng cụ Cầm bắt đầu hạnh họe cụ:

– Cái áo đỏ của bà đâu rồi? Đưa đây để cho tôi lấy mặc nay mai chuẩn bị lễ cưới.

Duẩn tức đến tím mặt xông vào buồng cụ Cẩm định ngăn cản mụ Diễm. Thế nhưng cũng không kịp. Cái áo đỏ mấy hôm nay cụ Cẩm mặc trên người đã bị mụ Diễm lột ra, để cụ trần như nhộng. Duẩn quát toáng lên:

– Mẹ làm cái gì thế? Sao mẹ lại lột áo của bà?

Mụ Diễm trừng mắt tát Duẩn một cái rồi nói:

– Câm mồm! Hay mày có tiền mua áo cho tao? Thứ nghèo kiết xác ngu dốt như mày mà cũng đòi lo cho người khác à? Lo cho ấm cái thân mày đi…

Mụ lột được xong cái áo đỏ của cụ Cẩm thì hơi nhăn mặt vì chiếc áo có mùi hôi khó ngửi. Nhưng mụ cũng nhanh chóng cười toe toét rồi cầm chiếc áo ra ngoài vại nước giặt lại cho sạch.

Duẩn nhìn thấy cụ Cẩm trần như nhộng, cụ chẳng khóc cũng chẳng buồn mà còn cười toe toét móm mém nhai trầu, tự dưng chảy nước mắt, chắc cụ già quá rồi nên lẫn chăng. Hay cụ đã bị mụ Diễm hành hạ tới phát điên rồi. Anh bùi ngùi lục tủ lấy một tấm áo cũ khoác lên người cụ rồi dặn dò:

– Bà mặc áo vào đi kẻo lạnh lại cảm. Nay mai có tiền cháu sẽ mua cho bà một cái áo khác.

Mụ Diễm nghe thấy thế liền từ bên ngoài quát the thé vọng vào:

– Cụ thiếu gì áo mặc mà mày phải mua. Tiền ấy để lo cho thằng Bá ăn học. Tao cấm mày được động vào.

Duẩn giận quá đấm rầm vào vách tường, bụi đất từ trên tường rơi xuống lả tả. Duẩn khó chịu đến độ cảm thấy thở cũng ngột ngạt. Bèn ra ngoài lấy xe đạp chạy ra đình.

Mụ Diễm thấy Duẩn phóng xe đi liền gọi với theo:

– Ngày mai nhà làm cỗ mày phải về sớm mà phụ giúp. Đừng có la cà linh tinh đi đâu…

Duẩn bỏ ngoài tai lời mụ Diễm. Mụ có thể đánh đập, chửi mắng hành hạ anh. Nhưng rước ông Lực về nhà này là một trong những điều cấm kị. Duẩn sẽ tuyệt đối không dung thứ cho hành động của mụ. Nếu ngày mai ông Lực có mặt ở đây và quả như làm lễ cưới với mụ Diễm, anh sẽ lôi thằng Bá ra đánh một trận cho bõ tức.

Hôm nay ở ngoài đình có buổi tập văn nghệ của đội văn nghệ trong thôn. Đội văn nghệ có một cô gái Duẩn rất thích và để ý từ lâu. Đó là Trang. Trang tuy không xinh đẹp, nhưng lại rất có duyên. Cái duyên của Trang là ở cặp mi, cặp mi lá liễu rủ xuống cạnh khóe mắt. Cặp mi nhìn qua tuy u buồn nhưng lại khiến người ta xao lòng thầm thương.

Ở đội văn nghệ cũng có mấy tay để ý đến Trang. Nhưng mấy tay đó toàn là phường sở khanh lắm điều tiếng. Trong đó có Công là người Duẩn ghét nhất. Trước đây Công có tiếng xấu trong đội văn nghệ huyện về chuyện trai gái, sau cũng vì chính chuyện ấy vô độ nên bị người trên huyện đuổi cổ về làng. Làng lại thiếu người lắm mới mời Công ra để tập văn nghệ chỉ bảo đàn em. Từ ngày vào đội văn nghệ làng, Công bao lần ve vãn Trang nhưng không thành. Duẩn thường ngày cứ hay quanh quẩn bắt chuyện với Trang nên lần nào thấy Duẩn xuất hiện Công cũng hò mấy gã trong đội văn nghệ lao ra đánh.

Trang biết Công không phải hạng tốt lành gì nên thường ngày cũng có ý muốn tránh xa. Công thấy vậy càng cho là vì Duẩn nên Trang mới phớt lờ mình. Gã tức điên lên và lần nào đánh Duẩn cũng rất thậm tệ.

Vừa đạp xe đến đầu đình, Duẩn đã thấy tiếng trống mõ inh ỏi. Đám nam thanh niên trong đội văn nghệ đang diễn vở Quan Âm Thị Kính. Thấy Duẩn đến liền ném cả mũ áo lao ra cổng đình chặn xe đạp của Duẩn. Công bô bô cái miệng quát:

– Mày quanh quẩn ở đây làm gì? Định trêu ghẹo con gái nhà lành à? Đánh nó…

Công vừa dứt lời đã xông tới đấm túi bụi vào mặt Duẩn. Đám thanh niên được thể ăn hôi, thi nhau bồi thêm tới tấp. Nay cú cùi trỏ mai cú đấm, chẳng mấy mà Duẩn đã phải xây xẩm mặt mày. Ông trưởng thôn vội vã chạy lại quát:

– Chúng mày làm cái gì thế! Tập văn nghệ thì thằng nào cũng kêu mệt, mà giờ có sức đánh nhau hăng hái quá nhỉ?

Thấy ông Trưởng thôn đã ra mặt, đám Công mới dừng tay cười toe toét nói:

– Dạ chúng cháu tưởng mấy thằng làng bên nên ra tẩn cho một trận. Ai ngờ…

Công đỡ Duẩn dậy rồi giả giọng tỉnh bơ nói:

– Cậu Duẩn đấy à? Chết! Đến sao không ới lên một câu để cho bọn anh biết. Ai lại để thế bao giờ…

Ông trưởng thôn mắt mũi kèm nhèm, lại nghĩ lũ thanh niên nói có lý. Xung quanh đây mấy làng đấu đá nhau. Thi thoảng cũng có chuyện thanh niên làng bên sang chọc phá nên bị trai làng này đánh cho bõ ghét. Việc bọn Công viện cớ ấy đánh Duẩn, ông trưởng thôn thấy cũng không có gì là lạ. Ông chạy tới vỗ vai Duẩn rồi cười hề hề nói:

– Thanh niên trai tráng, ngày xưa đi đánh trận bom đạn rơi lả tả còn chẳng sao. Không việc gì chứ hả?

Duẩn gượng cười, phủi bụi đất trên quần áo vì khi nãy bị đám Công quần đả một trận ngã xuống đất nên đã nhuốm bẩn. Duẩn liếc vào bên trong thấy Trang vẫn đang luyện tập vài lời thoại, bèn hỏi ông trưởng thôn:

– Đội văn nghệ mình tập đến đâu rồi hả chú? Sắp nghỉ giải lao chưa ạ?

Ông trưởng thôn bỗng ưỡn ngực nghiệm mặt nói:

– Nghỉ là nghỉ thế nào, mấy hôm nữa là đến hội làng rồi mà còn chưa tập xong được nửa vở đây này.

Rồi ông trì triết đám thanh niên:

– Cũng tại lũ chúng mày cứ chây lười chứ không thì xong lâu rồi!

Duẩn tiếc rẻ lại lững thững dắt xe đạp đi. Anh ngoái đầu lại định nhìn Trang một cái rồi về. Đúng lúc Trang quay đầu nhìn ra thấy Duẩn liền mừng rỡ chạy tới:

– Anh Duẩn! Anh đến lâu chưa?

Công sợ Trang quấn lấy Duẩn nên liền tối mặt nói:

– Thôi muộn lắm rồi, tập nhanh nhanh lên còn về! Trang vào đây theo anh nào…

Trang ngần ngừ như chưa muốn đi, cô nói nhỏ với Duẩn một câu:

– Lát nữa tập xong em có đi qua miếu thành hoàng. Anh gặp em ở đó nhé!

Trang dúi vào tay Duẩn một mảnh giấy nhỏ. Duẩn vội vã cất vào trong túi áo rồi đỏ mặt lên xe đạp phóng về nhà. Trang thấy Duẩn đi đã khuất mới cúi đầu e lệ bước vào trong đình.

Duẩn về đến nhà thì đèn đóm đã tắt. Chắc có lẽ mụ Diễm đã đi ngủ. Ngó sang buồng cụ Cẩm, Duẩn thấy cụ vẫn đang thức. Cây đèn bão le lói ở đầu giường cụ chưa bao giờ tắt lửa vì buồng cụ khuất trong xó nhà tối tăm quanh năm. Duẩn thấy cụ Cẩm trần như nhộng, cái áo lúc trước anh khoác cho cụ không biết đã mất tiêu đi đâu.

Anh bèn lựa trong tủ tấm áo khác khoác lên người cụ rồi hỏi han:

– Sao bà không mặc áo vào lại cứ ở trần như thế cảm lạnh thì sao? Cái áo lúc nãy cháu khoác cho bà đâu rồi?

Cụ Cẩm cứ nhe nhởn cười, một lúc bỗng nói:

– Trả áo đỏ cho bà đi con, phải áo đỏ thì bà mới mặc.

Nói cụ Cẩm thốt ra, giống như một cơn gió lạnh buốt thổi qua người Duẩn. Duẩn bỗng cảm thấy rùng mình, nhưng cũng ứa nước mắt. Duẩn khẽ nịnh cụ:

– Nay mai con mua cho bà cái áo đỏ mới đẹp hơn xịn hơn được không ạ.

Duẩn nói tới cái áo đỏ cố ý nói to để ra chiều xem mụ Diễm đang ngủ có lồng lộn thức dậy chửi bới hay không. Nhưng chẳng có âm thanh nào đáp lại. Chắc mụ Diễm đã ngủ say lắm rồi.

Duẩn cầm tay cụ trò chuyện với cụ để chờ qua cái đêm dài tới giờ ra miếu thành hoàng gặp Trang. Duẩn nói chuyện với cụ Cẩm mà như nói một mình. Còn cụ Cẩm thì cứ móm mém nhai trầu. Quanh miệng cụ cứ trào ra thứ nước đỏ lòm. Cứ chốc chốc Duẩn lại phải lấy khăn lau miệng cho cụ để bớt bẩn. Thấy mùi nước trầu tanh nồng, Duẩn bèn nói:

– Để mai con ra sau vườn chặt buồng cau mới cho cụ. Cau này để lâu mùi tanh lắm rồi!

Ước chừng đã đến giờ Trang tập văn nghệ xong, Duẩn hồ hởi đứng dậy chào cụ Cẩm:

– Thôi con có việc lại phải đi! Bà ngủ sớm kẻo mệt…

Nói xong Duẩn ra ngoài khép cửa cài then cho buồng cụ bớt gió lùa. Rồi mới lấy xe đạp đi ra miếu thành hoàng làng để gặp Trang.

Ở trong buồng, cụ Cẩm bỗng đứng dậy mở hé cái cửa nhìn theo bóng Duẩn. Cụ ngừng cười, bất ngờ thứ bã nhầy màu đỏ trong miệng cụ rớt ra ngoài. Hỡi ôi, đó nào đâu phải miếng trầu cau mà cụ hay nhai. Mà không ngờ nó lại là một con mắt, một con mắt đã bị nhai nát bét lẫn cả cái đường dây máu thịt dài ngoằng dính vào nó.

Cụ Cẩm như vừa lỡ rơi mất của báu, vội vàng xồ tới nhặt cái con mắt nhét vô miệng nhai ngấu nghiến như sợ ai tranh dành mất. Cụ lại ngồi xuống thành giường cười thất thần như lúc trước. Căn phòng trở về im lìm, chỉ còn âm thanh lộp rộp phát ra từ miệng cụ.

Duẩn phi xe tới đầu đường làng, đã thấy Trang thấp thoáng ở cửa miếu thành hoàng. Nhưng Duẩn không vui vì phát hiện ra ở đó không chỉ có Trang mà còn có cả Công nữa. Anh thấy Công sấn sổ cọ vào người Trang. Vội hộc tốc đạp xe tới trước cửa miếu. Vứt phịch cái xe đạp qua một bên rồi lao vào trong miếu.

Công đang cười toe toét thấy Duẩn hùng hổ lao tới thì liền xanh mặt. Xung quanh Công lúc này chẳng có gã thanh niên nào ngoài gã để gã ỷ thế. Khi thường Công hay bắt nạt Duẩn cũng chỉ vì cậy ở chỗ đông người. Nay một mình thân cô thế cô, sức Công lại không bằng sức Duẩn. Bởi Duẩn cao to vạm vỡ, người đầy chai sạn, vai u thịt bắp. Công chỉ là một tay nghệ sĩ quèn gầy yếu suốt ngày tập tuồng chèo thì gã không bì được. Thấy Duẩn nổi máu điên, Trang lại ra sức kháng cự mình nên Công liền nói lái cho đỡ ngượng:

– Cậu Duẩn ra miếu chơi đấy à? Anh vừa phổ biến đoạn kịch cho Trang cũng xong rồi nên anh về đây…

Thấy Trang sợ hãi, lại còn rơm rớm nước mắt. Duẩn vung nắm đấm vào giữa mặt Công:

– Biến này!

Công hộc máu mồm ngã lăn xuống đất. Vội vã ôm miệng chạy trối chết. Vừa đi vừa nói vọng lại lải nhải:

– Thằng khốn! Mày nhớ mặt ông đây này!

Thấy Công đã chạy mất dép, Duẩn thở phào một hơi rồi tới gần Trang lắp bắp hỏi:

– Em… em có sao không?

Trang đỏ chín cả mặt cúi đầu không nói câu gì. Cô ngồi xuống gốc cây cổ thụ gần miếu, vẫy tay ra hiệu cho Duẩn lại ngồi gần mình.

Duẩn sượng sùng tới gần, nhưng vẫn ngồi cách Trang một đoạn. Hai người chẳng nói với nhau câu nào. Duẩn đang sợ toát mồ hôi vì nghĩ mình đã làm sai chuyện gì nên khiến Trang giận dỗi. Anh định mở lời thì Trang liền cất giọng:

– Tờ giấy em đưa cho anh, anh đọc chưa?

Công sực nhớ ra mảnh giấy trong túi áo ngực, vội thò tay vào túi gãi gãi đầu định mở ra đọc thì Trang chộp lấy nói:

– Thôi đừng đọc, em ngại lắm!

Giọng nói của Trang êm dịu, Duẩn tê nhừ cả người. Một lúc mới lắp bắp giải thích:

– Lúc… về nhà anh hồi hộp quá, định để dành ra đây thì đọc. Mà lại quên khuấy đi mất!

Trang đẩy nhẹ Duẩn một cái rồi nói:

– Sao anh người to mà nhát như cáy thế. Lúc nãy còn quát lớn lắm kia mà…

Duẩn gãi đầu gãi tai, miệng lắp bắp:

– Anh… anh…

Thấy Duẩn đuối giọng, Trang thích thú và cười rất tươi. Cô nhét lại miếng giấy vào tay Duẩn rồi dặn:

– Đây… đọc đi… nhưng cấm có được nói với ai nửa lời đấy nghe chưa…

Trang dứt lời, Duẩn vội đón lấy mảnh giấy, chừng căng mắt ra đọc chữ dưới ánh trăng. Ai ngờ chưa kịp đọc được câu nào thì xung quanh bỗng vang lên tiếng hô hào:

– Ối trời ơi giết người… Nó giết người rồi… Bắt lấy thằng giết người…

Duẩn đứng phắt dậy, dúi vội mảnh giấy vào trong túi áo rồi kéo tay Trang nói:

– Để anh đưa em về, rồi anh chạy ra xem. Giờ này ở đây em một mình con gái nguy hiểm lắm.

Trang nghe lời theo Duẩn leo lên xe định để Duẩn đèo về. Nhưng vừa mới ra đến cửa miếu thì từ đường làng cả một đoàn người nam nữ già trẻ đều đang đốt đuốc chạy về phía này. Dẫn đầu là Công đang kích động hô hoán dân làng.

Công vừa nhìn thấy Duẩn chạy xe ra cửa miếu liền chỉ tay thẳng vào mặt Duẩn quát to:

– Chính nó là thằng giết người, quân sát nhân! Loại vô ơn báo phước…

Người làng trợn mắt trợn mũi xông tới kéo Duẩn xuống xe đạp rồi đè nghiến anh ghì xuống đất. Không biết bao nhiêu người xông vào đánh Duẩn túi bụi. Duẩn vừa ôm chỗ miệng đau vừa xúi giục:

– Đánh chết nó đi, thằng phản phúc bất hiếu!

Trang thấy Duẩn bị người làng đánh vô cớ như vậy liền xông ra can ngăn nói:

– Mọi người dừng lại đi, anh Duẩn đâu có làm lên tội tình gì mà mọi người đánh anh ấy như thế?

Công chạy tới lôi Trang kéo về phía mình rồi nói như ra lệnh:

– Em tránh xa nó ra, nó là thằng giết người. Đừng đứng cạnh nó nguy hiểm lắm!

Trang giật tay khỏi người Công rồi giận run lên chỉ vào mặt Công nói:

– Anh là kẻ gắp lửa bỏ tay người. Anh bị anh Duẩn đánh nên mới đổ oan cho anh ấy có đúng không? Sao anh ác đức thế?

Tình hình trở nên hỗn loạn, Duẩn bị dân làng bu đánh không biết sống chết ra sao. Phải một lúc sau thì ông trưởng thôn mới dẫn dân quân chạy tới ngăn cản mọi người hành hung Duẩn. Nhưng chung quy lại kết cục của Duẩn vẫn không thay đổi. Anh bị dân quân trói gô cổ lôi lên trụ sở thôn.

Khi Duẩn đã thoát khỏi cảnh bị đánh đập bởi dân làng thì lại tới lượt đám dân quân lồng lộn tra hỏi gắt gao:

– Mày thành khẩn khai thật ra nhanh còn được hưởng khoan hồng. Bằng không dính tội lớn ghim cột gỗ lĩnh mười phát đạn như chơi.

Duẩn ú ớ nói:

– Dạ thưa các anh có lẽ đã lầm! Tôi nào đâu có giết ai đâu…

Đám dân quân vỗ bàn nói:

– Đến nước này rồi mà mày vẫn còn chối tội quanh co à?

Duẩn ngơ ngác vẫn chưa hiểu nguyên cớ làm sao mà đương dưng mình lại bị người làng quần đả đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Lên tới trụ sở thôn còn chưa hết đường túng quẫn lại bị tới nước cậy mồm tra hỏi khẩu cung thế này.

Mãi một lúc sau Duẩn mới biết chuyện gì xảy ra. Mụ Diễm đã chết. Bà mẹ ruột thịt thường ngày cay nghiến Duẩn như súc vật đã chết. Và hiển nhiên tiếng xấu của mụ Diễm quanh đây thôn cùng ngõ hẻm đều đã rõ. Nay mụ chết đau khổ như vậy, nghi can số một chắc chắn là Duẩn. Chẳng cần Công phải kích bác thì mọi tội ác cũng đã nghiễm nhiên được đổ lên đầu Duẩn.

Mụ Diễm chết trong phòng ngủ, chết do bị người ta thắt cổ. Không những vậy hai mắt lại còn bị móc lộ ra cái hốc mắt đen sâu hoăm hoắm. Ở hiện trường người ta thấy đồ đạc văng tung tóe, có dấu hiệu chống cự của mụ. Vậy là hẳn có người đã giết mụ chứ không phải tự tử, mọi động cơ gây án trong làng không ai khác ngoài Duẩn.

Không chỉ vậy, sự đay nghiến của mụ Diễm cũng được một số dân làng đào bới với nhau để luận tội Duẩn:

– Nghe nói á! Ngày ông Cố còn sống có tòm tem với con em họ xa nào đấy bị bà Diễm phát hiện. Mà hồi ấy bà Diễm đang mang bầu thằng Duẩn. Từ khi thằng Duẩn sinh ra bà Diễm nhớ đến chuyện ấy nên thù ghét nó lắm.

– Bà Diễm này cũng vì trả thù ông Cố nên mới ngủ với ông Lực sinh ra thằng Bá. Chuyện ấy khiến ông Cố tức hộc máu mồm mà chết. Kể từ ngày ông Cố chết bà ấy đâm ra càng hành hạ thằng Duẩn tợn. Tức nước thì vỡ bờ thôi, thảo nào mà nó lại chẳng thắt cổ giết mẹ nó. Nhưng mà móc mắt thì tàn độc thất đức quá… Dẫu gì cũng là mẹ ruột sinh ra mình mà lại…

– Ai bảo ông Cố lúc còn sống đánh đập bà Diễm cho lắm vào, để đến lúc chết rồi bà Diễm lại hành hạ thằng Duẩn… Quanh co cũng chỉ vì chuyện nhà mà đem nhau ra giết, thế có khổ không.

Người làng nói những lời ấy lọt vào tai Duẩn. Khiến anh vỡ lẽ nhận ra vì sao người ta cứ khăng khăng khẳng định anh là kẻ giết người.

Ông trưởng thôn gõ bàn cho Duẩn tập trung rồi nói:

– Nghe nói mẹ cậu chuẩn bị định rước ông Lực với đứa con rơi là thằng Bá về nhà. Có phải vì chuyện này nên cậu mới đâm ra tức giận mà giết chết bà ấy không?

Duẩn lắc đầu ú ớ:

– Dạ thưa chú cháu nào có ạ…

Ông trưởng thôn vỗ bàn quát to:

– Thế lúc xảy ra án mạng thì cậu ở đâu. Cậu có bằng chứng gì để chối tội?

Duẩn tức đến chảy nước mắt nói:

– Dạ thưa cháu ra miếu thành hoàng làng. Chính chú còn bắt cháu ở ngoài đấy còn gì ạ.

Duẩn vừa dứt lời, Công bỗng từ đám người làng ngoài trụ sở xông vào quát:

– Thằng đấy nói láo đấy chú ạ! Nó ra đình hồi tối xong về nhà giết mẹ nó… Sau đấy còn chưa hết máu điên lại chạy ra miếu đánh cháu một cái, mồm còn xưng vêu đây này. Không nó thì ai…

Công vừa nói vừa chỉ vào cạnh mép đã xưng to như quả ổi, chìa ra cái bằng chứng rành rành về sự hung hãn của Duẩn. Gã chẳng biết làm sao để trả thù, chuyện xảy ra khiến gã nhân cơ hội trút hết cả tâm can bực dọc đổ lên đầu Duẩn. Gã quyết phải dùng cái bằng chứng rành rành này để ép Duẩn nhận tội giết người thì mới cam lòng.

Duẩn giở khóc giở cười, chỉ vì một cú đấm của mình mà nay bị Công đem ra làm bằng chứng khép tội mình.

Một số người làng nghe xong càng cho rằng lý luận của Công là đúng, rằng sau khi Duẩn giết mụ Diễm vẫn chưa hết máu sát nhân nên mới ra đình đánh cho Công một cú vêu cả mồm như thế kia. Xung quanh bàn tán râm ran, có người thưa cơ nhặt đá lên chọi về phía Duẩn chửi bới:

– Quân thất đức, lại còn già mồm chối tội… Cho mày chết này!

Viên đá như một thứ to lớn ném xuống mặt sông phẳng lặng khiến sóng nước cuộn sôi trào. Dòng người làng xông vào trụ sở thôn hành hung Duẩn. Tình hình hỗn loạn tới mức ông trưởng thôn cũng bị đè nghiến dí mặt xuống đất. Ông trưởng thôn sợ hãi quát to:

– Dân quân tự vệ thôn đâu! Bảo vệ hung thủ áp giải lên trụ sở xã nhanh lên không người làng đánh chết nó bây giờ.

Cũng may thân mình Duẩn nồi đồng cối đá đánh mãi vẫn không ăn thua gì. Cả đống cùi trỏ dồn vào mặt mà Duẩn vẫn tỉnh bơ, chỉ hơi choáng một lúc rồi lại bị dân quân kéo vội chạy loạn.

Duẩn bị bắt đi rồi, Công ở lại cạnh Trang nhân thể bơm thêm:

– Thằng này giết mẹ móc mắt, tội ác cùng cực. Đứa nào phận rủi lấy phải nó khéo coi như đi tong cả một đời người.

Trang thất thần, coi lời Công nói như ong vò vẽ bên tai. Cô thương cảm cho số phận của Duẩn có một bà mẹ tính tình cay nghiệt. Lại thương cảm cho anh vì sao rơi vào tình cảnh đọa đày như thế này.

Ông Hơn bố của Trang nghe tin, lại được Công bơm thêm chuyện Trang có tình ý với Duẩn nên rất tức giận và cấm Trang không bao giờ được gặp Duẩn nữa. Bằng không thì ông sẽ từ mặt không coi cô là con gái.

Duẩn bị nhốt trên trụ sở xã một hôm thì bị đưa lên công an huyện để điều tra. Chẳng biết chuyện sau đó xảy ra như thế nào, nhưng đến khi vãn tang sự của mụ Diễm. Duẩn lại được người ta thả về. Ông trưởng thôn bắc loa phóng thanh ở đầu đình nêu rõ kết quả điều tra đã kết luận Duẩn không hề phạm tội.

– Mọi người chú ý, công an huyện đã có kết quả điều tra rõ ràng. Hiện vẫn chưa hề xác định được hung thủ thực sự đã giết bà Diễm. Nhưng có một điều công an điều tra đã khẳng định rằng cậu Duẩn không phải là hung thủ. Chính vì vậy chính quyền rất mong bà con không nghi ngờ vô cớ mà làm ảnh hưởng tới cuộc sống của cậu Duẩn.

Thông tin ấy được đưa ra, người làng lắng xuống. Thay vì ghét cay ghét đắng Duẩn thì người ta lại chuyển sang thương cảm, cũng có người mừng thay cho Duẩn vì thoát khỏi bà mẹ cay nghiệt. Những tưởng cuộc sống của Duẩn sau đó sẽ được giải thoát và bước sang trang mới. Nhưng không ngờ những chuỗi ngày sau đó lại là hố sâu bùn lầy, khiến cuộc đời anh trở nên ngày càng tối tăm hơn.

Cái chết của mụ Diễm đã trở thành một ẩn số rất lớn, trở thành chủ đề bàn tán. Ai đã ra tay giết mụ? Mụ tính tình cay nghiệt nhưng chỉ đối với Duẩn, còn với người xung quanh thì mụ cũng khá đon đả lại nhiệt tình.

Việc hung thủ chưa được xác định khiến nhiều người hết sức bất an. Kẻ đó vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và chưa bị bắt. Liệu có khi nào hắn ta sẽ giết thêm một người nữa, và nạn nhân đó là ai. Người ta có cảm giác sợ hãi vì nguy hiểm rình rập xung quanh. Bất cứ ai cũng có thể trở thành con mồi của một kẻ giết người.

Từ khi từ thị trấn trở về, Duẩn đi ngang qua đình làng. Gặp Trang vẫn đang tập văn nghệ. Đôi mắt Trang nhìn Duẩn có vẻ khác lạ. Có lẽ sau khi xảy ra chuyện hôm trước, Trang đã gặp phải biến cố gì đó. Nghe nói ông Hơn cấm cô không được qua lại với anh. Sực nhớ còn mảnh giấy chưa kịp đọc, Duẩn mở vội ra đọc ngấu nghiến. Đọc xong những dòng chữ trong mảnh giấy. Duẩn rơm rớm nước mắt. Trang đã tỏ tình với anh, nhưng biến cố xảy ra đã ngăn cách hai người.

Trang khẽ liếc nhìn Duẩn rồi vội vã quay mặt. Công thấy Duẩn liền cố ý cắt ngang, dẫn đám thanh niên qua sinh sự:

– Mày ra đây làm gì? Cút! Ở đây không có chỗ cho mày ngó…

Duẩn cúi mặt thất vọng và buồn rầu. Anh buồn rầu không phải vì bị đám người Công sinh sự, mà buồn rầu vì tình cảm của Trang dường như đã thay đổi.

Nhưng anh đâu biết rằng kỳ thực tình cảm của Trang không chút nào giảm sút. Có chăng chỉ là vì lời ngăn cấm của ông Hơn, khiến cô buộc phải làm ngơ với Duẩn trước mặt mọi người. Cô định bụng sau khi kết thúc buổi tập văn công sẽ tới tìm Duẩn và giải thích.

Duẩn về tới nhà, đã thấy ông Lực dẫn thằng Bá qua. Vác tay nải hành trang ngồi bệt ở ngoài cổng. Ông Lực ngồi nhai cỏ, thằng Bá mặt mũi hốc hác.

Duẩn ngạc nhiên và giận dữ hỏi:

– Sao ông lại ở đây?

Ông Lực cười đều nói:

– Nhà tao bị chủ nợ xích rồi! Giờ tao về nhà vợ tao ở. Mày định cấm tao à?

Duẩn chỉ tay ra ngoài đồng rồi nói:

– Ông ra đồng mà ở, nhà nào là nhà vợ ông! Vớ vẩn…

Ông Lực đứng thẳng dậy, bộ ngược lực lưỡng chìa ra sấn xổ vào người Duẩn dọa dẫm:

– Tao với con Diễm sắp làm đám cưới thì chẳng may nó chết, nó là vợ của tao một nửa rồi. Mà con của tao với nó ngồi đây, con của tao phải được về nhà mẹ nó.

Ông Lực chỉ vào thằng Bá sẵng giọng như thế.

– Nhà của ông này!

Duẩn bỗng trợn mắt rồi đấm thẳng vào mặt của ông Lực. Thấy có đánh nhau, hàng xóm láng giềng bắt đầu thò con mắt qua để hóng chuyện.

Ông Lực biết có động, nom Duẩn còn đang nóng nên xuống nước:

– Tao thấy mày vừa ở trại về nên không dây với mày. Mai tao lại qua, không cho tao vào ở thì đừng có mà trách!

Nói xong ông Lực lại kéo thằng Bá đi. Thằng Bá ngơ ngác kêu:

– Ở thế mình không vào nhà hả bố?

Ông Lực vùng vằng:

– Hỏi thằng anh điên dở của mày ấy!

Rồi hai bố con ông Lực đi khuất bóng. Duẩn mệt nhọc đẩy cửa cổng vào sân. Chợt nhớ tới cụ Diễm, anh chạy tới phòng cụ trước tiên để hỏi thăm cụ. Nhưng khi mở cửa phòng ra thì chẳng thấy cụ Diễm đâu. Cụ đã đi đâu mất rồi. Duẩn sực nghĩ tới mình đã ra khỏi nhà mấy hôm. Hẳn là cô gì chú bác biết tin nên đón cụ Cẩm về tạm ít bữa để chăm nom. Anh ngồi bệt xuống giường nằm thiếp đi. Cũng chẳng biết trời đã tối từ lúc nào. Duẩn thức dậy trong lòng buồn mang mác, không thiết tha chuyện cơm nước. Anh nhớ tới Trang, cả người rầu rĩ rồi ôm mặt khóc.

con-quy-sao-doi-1

Duẩn vung nắm đấm thùm thụp xuống giường gằn giọng, đem Công ra chửi bới để trút giận:

– Thằng Công, tao với mày đâu có thù oán gì mà mày cứ khăng khăng làm khó tao. Trang ơi…

Duẩn đang ôm mặt khóc thì bỗng thấy một bàn tay vỗ vỗ vào lưng anh và hỏi han:

– Sao cháu trai bà lại khóc thế này?

Duẩn ngẩng đầu lên thì thấy cụ Cẩm. Cụ đang nhai trầu ôn tồn cười móm mém.

Duẩn vội gạt đi giọt nước mắt trên má. Anh nói chuyện giấu lấp liếm:

– Dạ có hạt bụi bay vào mắt chứ con đâu có khóc đâu bà. Bà đã cơm nước gì chưa?

Bà cụ chỉ gật gù rồi lại ngồi xuống cười thất thần.

Duẩn nghĩ cụ lẫn nên chẳng biết là cụ đã ăn cơm hay chưa. Anh vẫn chạy xuống bếp cơm nước như bình thường bưng lên cho cụ. Thường ngày mụ Diễm ép cụ Cẩm ăn cơm, cụ nào có chịu ăn. Thế mà cơm do chính thằng cháu trai nấu mang lên. Bữa nào cụ cũng ăn. Thậm chí có bữa còn ăn hai lưng, uống thêm cả ngụm canh. Có phải là cụ không ăn được đâu. Chỉ là vì cụ bị mụ Diễm bạc đãi quá đấy thôi.

Duẩn nhớ tới chuyện ông Lực, lại nghĩ tới thằng Bá. Bèn thở dài. Thôi thì ông Lực là người chẳng ra gì, nhưng thằng Bá lại được tiếng ngoan ngoãn học giỏi. Dù sao nó cũng là em trai cùng mẹ khác cha với Duẩn. Ngẫm nghĩ tới số phận của thằng Bá sau này, nếu đi theo ông Lực thì có lẽ sẽ chẳng ra gì. Anh bèn đánh tiếng với cụ Cẩm:

– Mấy bữa nữa, chắc ông Lực với thằng Bá sẽ qua đây ở. Mình phải cắt cho họ một gian buồng trong cụ ạ.

Cụ Cẩm bỗng hỏi:

– Cháu có thích ở với chúng nó không?

Duẩn thật thà đáp:

– Lúc mẹ cháu còn sống, đòi làm đám cưới với ông Lực, cháu giận lắm! Cháu cũng ghét cả ông ta nữa, nhưng giờ ông ta bết bát như thế, mà thằng Bá thì cũng là em cháu… Không cho họ ở thì không xong đâu cụ ạ.

Cụ Cẩm móm mém nhai trầu nói:

– Không cho chúng nó ở…

Cụ chỉ nói một câu như thế rồi im bặt. Duẩn chẳng hiểu ý cụ ra sao. Ăn cơm xong Duẩn dọn mâm bát bưng xuống. Đôi mắt cụ Cẩm dõi theo bóng lưng thằng cháu rồi hiện lên vẻ ngoan độc.

Khi bóng trăng trắng ngà treo trên ngọn tre, tiếng ve vãn của bầy ễnh ương đã dần ngắt quãng. Đội văn nghệ tan tác mỗi người một ngả trở về nhà. Công thấy Trang đi một mình, định tí tởn ve vãn. Thế nhưng đột nhiên có một đôi bàn tay rất nặng ghì chặt Công xuống rồi lôi gã vào bụi rậm. Gã không hề nhìn thấy người ở sau lưng mình, nhưng có cảm giác người đó tuy gầy mà rất khỏe. Gã rú lên:

– Ai đấy! Ai lôi tôi đấy?

Nhưng không có tiếng đạp lại, bàn tay kia biến mất. Gã ngơ ngác nhổm dậy thì không thấy có ai. Nhìn về phía cuối con đường làng, Trang đã dần khuất bóng ở cuối đồng, có lẽ Công muốn cố đuổi theo cũng không kịp. Gã dậm chân chửi đổng một cái rồi ra về, trong lòng còn không ngừng có cảm giác khó hiểu.

Ở đầu làng, Trang vừa đạp xe qua quán nước chè của bà Hớn. Ông lực đang nằm vắt chéo chân ở trên võng thở dài nhìn ra đường làng, thấy cô đi qua. Lão bèn bật phắt dậy chạy ra chặn đường. Trang thấy ông Lực chặn đường mình thì liền sửng sốt hỏi:

– Chú Lực, chú làm cái gì đấy?

Ông Lực trợn mắt nói:

– Cô bảo với thằng Duẩn, nếu không cho bố con tôi vào ở. Thì hôm nào cô đi qua đây, cũng không xong với tôi đâu.

Lão Lực sợ mình dọa Duẩn không ăn thua, nên khi nghe nói chuyện Duẩn với trang có tình cảm với nhau. Lão liền có ý muốn đem Trang ra làm tấm mồi để dọa Duẩn. Lão hằm hè một lúc rồi thả Trang đi. Trang thở phập phồng sợ hãi không dám nán lại lâu.

Cô sực nhớ tới việc mình phải qua gặp Duẩn để giải thích, sẵn tiện đem chuyện của lão Lực sinh sự với mình nói cho anh biết.

Từ đầu đường làng rẽ trái qua một cái nghĩa trang, rồi qua một cái ao bèo là tới nhà Duẩn. Nhà Trang thì ở hướng đối điện với nhà Duẩn. Làng này có ba cái đường nối liền với nhau. Hội tụ của ba đường làng chính là chỗ quán nước của mụ Hớn.

Khi tới trước cửa nhà Duẩn, đột nhiên một con chim lợn không biết từ đâu xà xuống. Đậu trước cửa nhà Duẩn. Nó nhìn Trang chằm chằm, không cất tiếng cũng không động đậy. Dường như nó có ý muốn canh gác ngôi nhà này chứ không phải là có ý muốn sinh sự. Một bóng đen nữa xà qua, lại một con chim lợn khác xuất hiện. Ở móng vuốt của nó cắp một con chuột cống rất to, to cỡ con mèo. Con chuột cống kêu lên eng éc như tiếng lợn kêu. Tiếng kêu của nó khiến Trang bủn rủn chân tay. Bất ngờ con chim lợn xà vào buồng cụ Cẩm rồi ném con chuột cống vào đó. Tiếng kêu của con chuột cống lập tức ngừng bặt. Con chịm lợn thì loạng choạng hoảng sợ bay ra ngoài, đậu ở cạnh cái bờ rào rồi nhìn Trang với vẻ tò mò.

Trang lắc đầu một lúc rồi xua tan ý nghĩ trong đầu về hình ảnh vừa rồi mình nhìn thấy. Cô cất giọng kêu lên:

– Anh Duẩn. Anh Duẩn ơi. Có nhà không? Em Trang đây…

Trang gọi hai lượt, cửa nhà mở ra, đèn điện bật lên. Duẩn gấp gáp lao từ trong nhà ra nhanh như tên lửa. Thấy Trang đỗ xe ngoài cổng. Duẩn nói:

– Trang à? Sao em lại tới đây giờ này?

Trang phụng phịu:

– Còn hỏi em câu ấy nữa à. Thế có định mời em chén nước không đấy?

Duẩn bừng tỉnh, vội vàng mở cửa cổng mời Trang vào nhà. Trang dắt xe đạp vào sân, dựng chân trống, rồi đi qua cái sạp tre châm ấm trà tự nhiên như nhà mình. Trang vừa pha trà vừa nói:

– Hồi nãy em thấy có con chim lợn cắp con chuột cống to lắm. Nó cắp ném vào buồng bà, anh chạy vào xem nhanh lên không khéo con chuột phá tung đồ đạc trong ấy bây giờ.

Duẩn nghe xong, liền hoảng hốt chạy vào xem xét buồng cụ Cẩm. Nhưng có vẻ như cụ đã ngủ, cụ quay lưng vào trong tường hơi thở êm dịu. Trang cũng ngó vào xem qua, thấy không có chuyện gì liền thở phào nói:

– Chắc con chuột ấy nó chạy ra ngoài rồi. Vừa rồi em nhìn con chim lợn nó ném vào mà sợ quá, cứ lo cụ có chuyện gì thôi. Nhìn con chuột cống ấy đến em cũng hãi vỡ mật.

Thấy Duẩn thẫn thờ, mắt vẫn còn vương nỗi buồn. Trang liền nhéo tay Duẩn khiến anh kêu la oai oái:

– Ai đau! Sao em véo tay anh?

Trang trợn mắt yêu nói:

– Sao lúc sẩm tối qua nhìn em rồi lại bỏ về, lại hiểu lầm em rồi có đúng không?

Duẩn cười mừng rỡ hỏi:

– Hóa ra là em trêu anh à, làm anh cứ tưởng.

Trang kéo tay Duẩn ra dấu im lặng để cho cụ Cẩm tiếp tục ngủ. Cô nói lơ đãng:

– Bố em không muốn em gặp anh, nên ở chỗ đông người em phải làm như không chú ý đó.

Trang đột ngột chuyển chủ đề sang hỏi chuyện về cụ Cẩm:

– Mà bà có vẻ thích mặc áo đỏ nhỉ? Tối nào em đạp xe qua đây cũng thấy bà mặc áo đỏ.

– Em hay đạp xe qua đây lắm à?

Duẩn ngạc nhiên hỏi. Trang gật đầu:

– Từ hôm anh bị bắt lên huyện, hôm nào em cũng mang cơm nước qua mà lại. Nhưng cũng chỉ được có hai hôm. Vì em mang cơm qua lần nào bà cũng không ăn. Cơm để thiu mốc từ tối hôm trước còn không động đũa. Thế là từ hôm sau em không mang qua nữa, vì nghĩ là có người mang cơm cho bà rồi. Sau đó lúc rảnh em chỉ qua xem tình hình cụ thế nào thôi.

Duẩn dưng dưng nước mắt nghẹn ngào vì đột nhiên thấy Trang lại tốt với mình đến thế. Trang thấy Duẩn cứ nhìn mình chằm chằm bèn thoáng đỏ mặt. Dưới không gian tĩnh lặng, hai người dần dần tiến sát lại gần nhau. Duẩn rón rén nắm tay Trang. Trang giả vờ như không biết chuyện để mặc Duẩn. Hai người sắc mặt đỏ bừng bừng, bầu không khí thẹn thùng bao trùm khiến cả hai đều im lặng.

Bỗng Trang sực nhớ trời đã muộn, cô không thể nán lại quá lâu. Bèn cắt ngang nhắc nhở Duẩn:

– Vừa nãy em đi qua đầu làng. Ông Lực chặn đường em, dọa em một trận. Ông ấy nói nếu anh không cho ông ấy vào ở thì sẽ gây chuyện đó. Nghe chừng ông Lực muốn sinh sự, anh phải cẩn thận. Từ mai em sẽ đi đường sau để tránh quán nước của cô Hớn. Không gặp ông Lực nữa…

Duẩn nghe thấy thế giận dữ tới tái mặt. Trang cảm giác bàn tay Duẩn đang nắm chặt lại, bấu cả vào tay mình. Cô kêu lên:

– Anh nắm tay em đau quá…

Duẩn vội vã buông tay, miệng lắp bắp:

– Anh xin lỗi… tại anh giận lão Lực quá…

Trang cúi đầu nói:

– Thôi muộn rồi, em phải về đây. Kẻo bố em lại mắng…

Trang dắt xe ra ngoài cổng đã khuất bóng. Duẩn mới thở dài đi vào trong nhà tắt đèn đi ngủ. Trước khi đi ngủ, Duẩn còn phải ngó qua buồng của cụ Cẩm xem cụ có ổn không.

Màn đêm trở lại ìm lìm, cụ Cẩm xoay mình nằm nghiêng ra hướng cửa. Trong miệng cụ, con chuột cống vẫn đang giãy giụa, nó vẫn còn sống. Chỉ có điều nó đã bị cụ Cẩm cắn chặt vào yết hầu khiến nó không thể phát ra nổi âm thanh.

Ở đầu làng, lão Lực đem cái quạt mo phe phẩy. Chợt đưa tay lên bưng cổ kêu ú ớ. Giờ này mụ Hớn đã về nhà. Tại căn quán nước đầu đường làng chỉ còn hai bố con lão Lực. Quán nước đã được lão hỏi mượn của mụ Hớn để xin tá túc tạm qua một đêm. Thằng Bá thấy lão Lực giãy giụa liền lay lay cánh tay lão hỏi:

– Bố! Bố làm sao thế?

Ông Lực cố dặn ra từng tiếng:

– Chẳng hiểu sao, cứ như có đứa nào châm dao vào cổ tao. Đầu tao như muốn nổ tung, cái cổ này như muốn cắt lìa hỏi thân.

Lão Lực vừa nói xong, nào ngờ cái đầu của lão lập tức rụng xuống đất. Cột máu từ cái cổ phun lên trời. Thằng Bá thét lên những âm thanh đầy hoảng sợ rồi ngất lịm. Lão Lực chết trước mặt nó, một cái chết hết sức đáng sợ. Một thứ gì đó đã nghiến mạnh qua cổ lão khiến lão trở tay không kịp mà chết liền tại chỗ.

Trong buồng của cụ Cẩm, đầu con chuột cống rụng xuống đất. Đôi mắt cụ Cẩm lạnh lùng nhìn xa xăm, dường như muốn nhìn xuyên qua cánh cửa gỗ. Dưới mặt đất máu văng tứ tung, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. Ruột gan của con chuột cống lòi cả ra ngoài.

Giữa không gian im ắng lạ thường. Tiếng thét của thằng Bá như một thứ âm thanh rét buốt cả cõi lòng. Khiến người ta rùng mình thức giấc. Có người châm đuốc chạy về hướng phát ra tiếng kêu, khi phát hiện ra lão Lực đầu với thân mỗi thứ một ngả liền bủn rủn chân tay. Càng ngày càng có nhiều người xuất hiện tụ tập. Họ phải lấy tạm mảnh chiếu manh che người lão Lực với cái đầu lại cho đỡ kinh. Thằng Bá được xốc nách cho nằm trên chõng rồi nhấn huyệt nhân trung. Day day huyệt ấy một lúc thì thằng Bá tỉnh lại. Nó rưng rưng nước mắt lạy lục cầu xin người làng như người điên:

– Các bác ơi, cháu xin các bác cứu bố cháu với, cứu bố cháu với…

Nghe chừng thằng Bá hoảng loạn lắm, cứ nói không ngừng. Người ta khuyên răn mãi mà không được. Nó cứ lẩm bẩm đầu bố nó tự dưng bị đứt phăng ra, bố nó kêu đau rồi tự nhiên rụng đầu. Mới đầu ai nấy còn không tin, nhưng sau có người to gan mở phăng mảnh chiếu nhìn dấu vết trên cổ của ông Lực thì mới tin lời thằng Bá nói là sự thực. Làng này yên ổn đã lâu, cũng không phải là thâm sơn cùng cốc gì nên không thể nào có dã thú. Mà cổ của ông Lực bị xé toạc ra cứ như có một thứ gì đó dựt phăng đi vậy. Giống như khi người ta cắn một miếng thịt rồi xé toạc nó. Dao rựa cũng không thể tạo nên dấu vết kinh khủng đến thế. Mọi người bàn tán râm ran, có người nghe chuyện lạ tứ phương đem ra kể:

– Tôi nghe ở làng nọ có con quỷ xuất hiện giết người như ngóe. Người làng ấy không dám đi ra ngoài vào ban đêm. Thay vào lẽ đó con quỷ ăn sống những loài động vật. Người ta phải tìm ra chỗ nó trốn rồi giết đi thì mới hết nạn đấy!

– Đấy là con quỷ nhập tràng. Làng này đâu có ai mới chết đâu, làm sao mà có quỷ nhập tràng được. Mà quỷ nhập tràng là loài nhân lúc người đi ngủ mới sát hại họ. Chứ như đằng này theo lời thằng cu kia kể thì cái đầu của bố nó tự dưng đứt lìa ra cơ.

– Hay là có người bỏ bùa ngải?

– Vớ vẩn! Làng mình có phải là vùng núi đâu mà có ngải. Mà kể cả có ngải thì cũng làm gì có thầy bùa thầy ngải để làm phép. Hơn nữa bố con ông Lực có thù oán với ai đến mức mà để người ta bỏ ngải giết hại dã man thế đâu. Có độc cái nhà thua số đề bị người ta bắt nợ thì cũng hết rồi.

Không biết bao nhiêu lời bàn tán, suy luận về cái chết của lão Lực. Nhưng phần nhiều người ta lại đề cập tới chuyện ma quái nhiều hơn vì cái chết của ông Lực quả thực hết sức lạ thường.

Xác lão Lực được người ta thương tình đem ra đồng chôn. Xong tang sự của lão Lực, chỉ còn một mình thằng Bá bơ vơ. Thằng Bá chẳng có nơi nương tựa, nó cứ đi lẩn thẩn trong làng. Nó cũng đã bỏ học, nó chẳng còn người thân nào ngoài Duẩn. Nó nhớ tới người anh cùng mẹ khác cha, bèn tới nhà Duẩn để định xin vào ở.

Khi nó đến nơi Duẩn không có nhà. Nó đói bụng quá, đánh liều mò vào nhà để tìm đồ ăn vụng. Nó không quen thuộc căn nhà này nên cứ đi bừa, không ngờ lại đi nhầm vào buồng của cụ Cẩm. Trong buồng của cụ Cẩm không hề có ai. Không biết cụ Cẩm đã đi đâu. Thằng Bá lục tung khắp nơi, từ cái tủ gỗ nơi cụ Cẩm để quần áo, cho đến gầm giường, gầm bàn. Rồi bất ngờ phát hiện ra một cái hòm màu đỏ, trên đó có dán một chữ hỉ màu vàng. Ở nhà quê có một số nơi người ta thường có một cái hòm để đồ lễ cưới của hai vợ chồng sau ngày cưới, lưu giữ đã nhiều năm. Có lẽ đây là cái hòm đồ cưới được lưu giữ từ hồi cụ Cẩm còn trẻ. Bá tò mò quá, lại đói ăn nên cái gì cũng muốn lục soát, bèn mở toang cái hòm ra. Trong hòm là một tấm áo đỏ, chắc là tấm áo cưới ngày xưa của cụ Cẩm. Kỳ lạ ở chỗ tấm áo dù đã qua rất nhiều năm nhưng màu sắc vẫn rất tươi sáng. Chắc cụ cẩm phải cất giữ nó rất cẩn thận.

Tiếp đến bên dưới tấm áo đỏ, có một cái gì đó tròn lẳn nhô lên. Bá vén tấm áo đỏ, nào ngờ phát hiện một sự kinh khủng. Nó đưa tay che miệng rồi hãi hùng chạy ra ngoài cửa. Vừa tới mép cửa, bỗng một bàn tay từ cái gầm giường thò ra túm lấy chân thằng Bá khiến nó ngã dụi xuống đất.

Thằng Bá kêu lên:

– Cứu! Cứu…

Nó bị lôi xềnh xệch vào giữa căn phòng. Bầu trời hoàng hôn muộn đã vội xa dần, bóng đêm đang trải xuống vùng đất này, báo hiệu sự xuất hiện của loài quỷ dữ.

Thằng Bá hoảng loạn giãy giụa, nó nhìn xung quanh không hề thấy có ai, nhưng rõ ràng cái chân của nó bị một đôi tay vô hình túm chặt. Cả thân người nó bị lôi về phía chiếc hòm, nó hiểu rằng nếu nó không thể chạy thoát thì kết quả cũng sẽ rất giống với những thứ ở bên trong chiếc hòm đỏ kia.

Bầu trời càng tối chiếc đèn bão trong căn phòng càng sáng. Thằng Bá bị lôi vào gầm giường. Nó nhìn thấy một đôi chân gầy guộc thò xuống từ bên trên chiếc giường. Qua ánh sáng nhá nhem của chiếc đèn bão, cái đôi chân kia không hề có bóng. Người ta thường đồn đại với nhau rằng, ma quỷ sẽ không hề có bóng. Nếu nghi ngờ ai là ma quỷ, chỉ cần nhìn người đó có bóng hay không là biết. Bá bỗng sực nhớ tới lời lũ trẻ cùng học với mình rỉ tai nhau. Người ta có trò cúi đầu qua nhìn xuyên qua háng. Khi đó nếu có ma ở sau lưng nhất định sẽ nhận ra nó.

Thằng Bá run run, lập cập dạng háng ra rồi từ từ thò đôi mắt nhìn qua. Đũng quần nó đã ẩm ẩm rỉ ra thứ nước lỏng. Nó há hốc miệc khi nhận ra người đang túm lấy chân nó lại chính lại cụ Cẩm. Cụ Cẩm chỉ có đôi tay dính liền với cái đầu trông hết sức quái dị, cụ Cẩm tủm tỉm cười và nhìn chòng chọc vào mắt của Bá. Bá méo xệch cả miệng chới với kêu cứu.

Đúng lúc này ngoài cổng có tiếng xích xe đạp vang lên, Duẩn đã về. Trên tay còn cầm một con cá. Duẩn nhìn ngang nhìn dọc thấy cổng hôm nay mở, mà buồng cụ Cẩm hình như bị ai đó lục phá đồ đạc tứ tung. Duẩn liền chạy vào buồng cụ Cẩm. Anh thấy cụ Cẩm vẫn như mọi khi đang ngồi móm mém nhai trầu cười tủm tỉm, hình như cụ vui hơn mọi hôm. Chưa chờ Duẩn hỏi chuyện, cụ Cẩm đã cất giọng:

– Bố con nhà nó chết hết, cũng sắp chết hết!

Nghe cụ Cẩm nói vậy, Duẩn liền thở dài ngồi xuống giường nói chuyện với cụ:

– Phải cụ ạ, lão Lực chết rồi. Thằng Bá đi lang thang ở đâu cả ngày nay, tối hết giờ làm con về tìm nó mà không thấy đâu. Khổ thân, không biết giờ này nó đã cơm nước gì chưa.

Bá nghe thấy tiếng của Duẩn, nhưng không thể nói được. Miệng nó bị một bàn tay túm chặt, khiến nó không thể phát ra âm thanh kêu cứu. Nó với tay định lay chân của Duẩn, nhưng chân của Duẩn ở đầu giường, còn tay nó lại ở cuối giường nên không thể với tới. Nó liền nghĩ ra cách, nó viết chữ trên nền đất ở dưới ánh đèn bão. Duẩn có thể tạm thời không nhìn thấy, nhưng nhất định sẽ có lúc trông thấy chữ trên nền đất. Khi Duẩn vừa kết thúc cuộc nói chuyện độc thoại với cụ Cẩm. Anh đứng lên và chuẩn bị đi ra ngoài thì đột nhiên nét mặt anh tỏ vẻ sửng sốt. Trên nền đất có mấy chữ: “Em là Bá, em đang bị nhốt ở dưới gầm giường. Bà Cẩm là quỷ, cứu em…”

Thấy Duẩn cứ đứng ngây ra, cụ Cẩm bỗng nói:

– Chúng nó chết hết, sớm muộn cũng chết hết. Làm cháu bà khổ thì phải chết hết…

Duẩn nghe lời này của cụ Cẩm, bỗng nhớ đễn những chuyện đã xảy ra liền lành lạnh sống lưng. Cái chết của mụ Diễm, cái chết của ông Lực. Hai người đều liên quan đến nỗi uất hận của Duẩn, và đều có những cái chết hết sức kinh khủng. Duẩn không tin những gì mà chữ viết kia nhắc tới, nhưng cũng muốn biết xem dưới gầm giường kia thật sự có ai không.

Anh đánh lạc hướng cụ Cẩm nói:

– Bà ơi, cháu nấu cơm nhanh lắm! Bà đi tắm xong đi rồi hai bà cháu mình ăn cơm cho ngon.

Cụ Cẩm móm mém gật đầu, lững thững bước đi. Chờ cụ Cẩm vừa đi khuất, Duẩn cúi đầu xuống thì đã thấy Bá bò ra từ gầm giường. Bá hét lên túm lấy tay Duẩn:

– Chạy đi anh! Không chết bây giờ…

Thằng Bá nằng nặc lôi tay Duẩn, nó sợ đi cổng chính sẽ bị phát hiện nên lôi Duẩn đi vòng đường sau vườn nhà. Nào ngờ nó đã khiến Duẩn chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng. Cụ Cẩm tới trước cái mép giếng cũ, đột nhiên lao đầu xuống giếng. Duẩn định lao tới cứu cụ Cẩm nhưng bị Bá lôi tay chạy đi ngay. Bá nói:

– Anh đừng tới đó, bà là quỷ thật đấy. Anh có thấy người nào rơi xuống giếng mà không phát ra tiếng gì chưa?

Duẩn vẫn không tin, giật tay Bá ra định tới miệng giếng để xem xét. Nhưng ngay khi Duẩn định làm việc ấy thì anh sững sờ vì nhìn thấy cụ Cẩm đang đứng ở đầu nhà nhìn anh chằm chằm. Cụ nói:

– Bà tắm xong rồi. Ăn cơm được chưa cháu.

Duẩn rùng mình. Lại thấy cụ Cẩm quay mặt nhìn về phía Bá. Cụ bỗng lạnh lùng trỏ tay vào mặt Bá rồi nói:

– Mày sẽ phải chết!

Bá lập tức lôi tay Duẩn chạy đi, mặt xanh đến mức cắt không còn giọt máu. Duẩn thất thần cứ để mặc Bá lôi tay. Chẳng biết chạy đã bao lâu, Bá dừng lại rồi nói:

– Chắc em không thoát khỏi số phải chết rồi.

Duẩn hỏi:

– Sao em lại nói như vậy?

– Bà cụ ở gần lắm, em cảm thấy thế. Em thấy cổ em đau lắm. Lúc trước khi bố em chết cũng bảo cổ ông ấy đau, rồi cái đầu ông ấy lìa ra khỏi cổ.

Bá rơm rớm nước mắt, kể lại hết mọi việc cho Duẩn nghe.

Duẩn ngẫm lại, cái chết của mụ Diễm hẳn là do mụ đã bạc đãi cụ Cẩm, và hành hạ anh. Cái chết của ông Lực cũng là vì đã tới sinh sự và dọa dẫm anh khiến cho cụ Cẩm biết được. Kỳ thực cụ Cẩm đã chết từ lâu mà anh không hề hay biết. Cụ đã chết ở cái giếng ở sau nhà. Nhớ lại từ khi cụ Cẩm bắt đầu hành vi kỳ lạ, chắc chính là hôm mụ Diễm lột cái áo đỏ trên người cụ Cẩm. Chắc cụ đã chết từ lúc đó. Duẩn không biết vì sao cụ lại chết ở cái giếng sau vườn nhà. Nhưng hẳn là nó có liên quan tới mụ Diễm. Linh hồn cụ chết khi đang mặc áo đỏ, lại giận dữ và oan khuất nên hóa thành quỷ dữ. Ngay sau khi mụ chết, mụ Diễm đã phải nhận lấy sự trừng phạt từ linh hồn của cụ.

Thằng Bá khóc lóc kể lể nói:

– Bà Cẩm chết rồi hóa thành quỷ, nếu có ai gây sự với anh. Bà ấy sẽ không tha đâu. Anh đừng để ai tới gần nhà mình, đừng để bà nghe thấy anh có xích mích với họ, dù là xích mích nhỏ nhất. Bà cụ là quỷ nên bà sẽ chẳng thể hiểu được những thứ ấy đâu. Bà sẽ giết hết những ai mà bà cảm thấy họ có ý nghĩ chống đối với anh. Còn nữa, trong phòng bà có cái hòm màu đỏ, trong đấy có…

Thằng Bá lau nước mắt, đang định nói tiếp thì nét mặt bỗng chuyển sang hoảng sợ. Duẩn trợn mắt nhìn về phía sau lưng thì đã thấy cụ Cẩm ở đó. Cụ trừng trừng nhìn về phía thằng Bá rồi trỏ tay đầy hung dữ:

– Mày phải chết!

Thằng Bá muốn chạy trốn, nhưng khi nó quay đầu lại thì liền đụng ngay vô một tảng đá. Cái đầu nó bị đầu nhọn của tảng đá xuyên qua. Thằng Bá chết phun cả óc ra ngoài.

Duẩn hãi tới mức ngộp thở, ôm cổ và rùng mình trước hình ảnh cái chết của Bá. Duẩn quay đầu lại thì chỉ thấy cụ Cẩm móm mém nhai trầu nhìn anh cười. Chẳng hiểu vì sao cái nụ cười hiền hậu của cụ hàng ngày luôn làm anh ấm lòng, hôm nay lại khiến anh lạnh buốt tâm can. Cụ Cẩm lại lững thững quay đầu đi vào màn đêm.

Duẩn thất thần, nắm chân tay Bá cứ lạnh dần hơi ấm. Đầu đường chợt có tiếng xe đạp lách cách. Duẩn vội vàng hôm xác Bá trốn vào bụi rậm. Nếu để người ta phát hiện ra Bá đã chết, cái chết của Bá nhất định sẽ bị đổ lên đầu Duẩn. Ôm trong mình đứa em trai cùng mẹ khác cha. Duẩn bỗng mủi lòng ứa nước mắt.

Người đạp xe tới không ngờ lại là ông Hơn. Ông Hơn chở bao cám lợn đi qua, thấy ven đường đỏ lòe đỏ loẹt vương vãi khắp nơi, lại có thứ bã trắng nhởn thì liền nói:

– Khiếp chửa! Đứa nào mổ trâu mổ bò ở đây mà để vương vãi linh tinh bã óc với tiết thế này. Phải đi hỏi xem nhà nào làm thịt trâu bò hỏi mua cái nầm mới được, nhấm rượu ngon phải biết.

Ông Hơn xưa nay hay nát rượu, lại hoa mắt nên lầm tưởng máu ở trên đường là do người ta giết thịt trâu bò chứ không nghĩ được sâu xa.

Đang chuẩn bị đạp xe tiếp thì ông Hơn bị tiếng gọi giật lại:

– Chú Hơn… chú Hơn… chú có rảnh không, con mời chú qua nhà nhắm rượu.

Người gọi đằng xa là Công, ông Hơn nghe xong liền chạy xe về phía Công để trò chuyện. Ông hỏi:

– Công đấy hả? Ôi trời gọi bố vợ đi còn gì nữa, mai qua tao gả con gái cho mày. Bố con mình lại ngày nào cũng được nhắm rượu với nhau.

Công gãi đầu gãi tai:

– Thôi chú đừng đùa con nữa. Trang có thích con đâu mà…

Ông Hơn trợn mắt:

– Mày lại lo tới chuyện thằng Duẩn phải không? Thằng khố rách áo ôm ấy thì làm sao mà xứng với con gái tao. Để mai tao qua nhà dằn mặt nó một trận, nó còn dám bén mảng tới con Trang. Tao xiên chết…

Công sướng lắm, nhưng giả vờ không tin:

– Ôi dào, nay mai chú tỉnh rượu là lại quên ngay thôi.

Ông Hơn khẳng định:

– Tao có đôi vòng tay vàng mới mua về cho con mẹ ở nhà đây. Mày cầm lấy làm tin, nếu mai tao không qua chửi thằng Duẩn, mày cứ lấy mà tiêu xài…

Công lúc này mới phá lên cười cầm lấy đôi vòng vàng. Rồi kéo ông Hơn về nhà mình ăn nhậu. Duẩn nghe xong giận lắm, nhưng sực nhớ tới việc Bá nhắc trước khi chết. Bất cứ ai xuất hiện ở gần nhà Duẩn mà xích mích với anh, người đó sẽ bị cụ Cẩm hại. Nếu ông Hơn quả thật đến nhà Duẩn vào ngày mai, tính mạng ông cầm chắc nguy hiểm. Duẩn liền nghĩ tới chuyện làm sao để ngăn cản ông Hơn.

Sau khi an táng cho Bá xong, Duẩn liền tới nhà Trang. Anh muốn nói cho Trang rõ đầu đuôi ngọn ngành. Nhưng khi tới trước cửa nhà Trang rồi anh liền dừng lại ngập ngừng. Bởi vì những chuyện anh định nói ra liệu rằng có quá mức hoang đường. Liệu rằng Trang có tin lời anh, hay sẽ coi anh là một kẻ thần kinh.

Anh bèn chuyển hướng tới nhà Công, và nghĩ ra một cách khác.

Khi tới nhà Công, công đang khò khè chén chú chén anh với ông Hơn thì Duẩn xông vào. Công thấy Duẩn tới thì liền đứng bật dậy hỏi:

– Mày tới đây làm gì?

Gã vẫn còn nhớ nhát đánh của Duẩn hôm trước nên rất e dè. Gã nghĩ rằng Duẩn tới đây tìm mình để sinh sự.

Ngược lại với suy nghĩ của Công, Duẩn hạ giọng nhìn ông Hơn rồi nói:

– Dạ thưa chú Hơn, hôm nay con muốn tới đây xin thưa với chú một chuyện. Chuyện con với Trang…

Ông Hơn ném cái chén xuống đất vỡ toang rồi giận dữ nói:

– Thứ đầu voi đuôi chuột như mày mà cũng xứng với con gái tao sao?

Duẩn cố kìm nén nỗi bức xúc trong lòng, anh nói:

– Con cũng biết thế, nên hôm nay con cũng muốn thông báo với chú. Con sẽ không bao giờ gặp Trang nữa, con chỉ cần xin chú đừng tới nhà làm phiền con, con sợ người làng dị nghị. Bà con già rồi, sợ không chịu nổi chuyện thị phi.

Ông Hơn gật gù hài lòng:

– Nếu mày đã nói thế thì tao còn làm khó mày làm gì.

Duẩn nói:

– Vậy con cảm ơn chú, làm phiền chú uống rượu rồi.

Duẩn quay đầu đi thẳng. Ông Hơn vỗ vai Công nói:

– Vậy là mai tao không phải qua nhà nó chửi bới rồi nữa nhé, trả đôi vòng vàng lại đây cho chú đi mày.

Ông Hơn chìa tay ra đòi, miệng còn tấm tắc khen:

– Thằng đó đầu óc ngu như bò nhưng lại biết thức thời.

Công hai mắt đảo láo liên, gã thù Duẩn nắm, thù Duẩn vì đã cướp đi tình cảm của Trang, cướp Trang khỏi tay gã. Gã nào muốn mọi chuyện kết thúc dễ dàng như vậy. Gã phải làm cho Duẩn bẽ mặt thì mới hả lòng hả dạ. Nếu cần thì để cho cụ Cẩm nghe được tin này, nhỡ đâu lăn đùng ra chết. Duẩn sẽ phải nhận lấy một kết cục cay đắng. Công nghĩ tới việc trả thù Duẩn sảng khoái như thế nên đã không hề đáp ứng việc đòi lại đôi vòng vàng của ông Hơn. Gã nói:

– Không được, chú đã hứa là hứa rồi. Nào có thể nuốt lời, nay nó nói ngọt một câu mà chú đã tha nó thế. Mai nó nịnh hót thêm tí nữa thì chú định gả Trang cho nó hay sao. Mà biết đâu lời nó nói là thật, nhỡ nó lừa chú rồi vẫn lén gặp Trang, rồi gạo nấu thành cơm. Lúc đấy con biết đi tìm ai để bắt đền đây. Chú cứ qua nhà nó đi, chửi cho nó phải xấu hổ. Rồi nó không dám gặp con gái chú nữa, như thế mới chắc ăn…

Ông Hơn tấm tắc, cho là lời của Công đúng.

Ngày hôm sau, ông cùng với Công qua nhà Duẩn từ sáng sớm. Ông Hơn xông vào nhà Duẩn rồi bắt đầu đay nghiến chuyện Duẩn vụng trộm gặp gỡ con gái mình, rồi chửi đổng. Công cười tấm tắc đắc ý. Nào ngờ ông Hơn chửi chưa dứt câu thì gió từ đâu nổi lên ầm ầm. Sắc trời đương giữa ban ngày mà tối sầm lại. Cụ Cẩm ngồi vắt vẻo trên cái cây nhãn, nhìn xuống dưới cười khúc khích. Công sợ tới xanh mặt vì nhìn thấy cụ Cẩm quá quỷ dị. Gã vội kéo tay ông Hơn muốn ra khỏi nhà Duẩn. Nào ngờ ông Hơn bước chưa được hai bước thì vấp chân vào tảng đá, đập đầu xuống nền gạch, vỡ đầu chết. Công cứ nhắm mắt nhắm mũi chạy tịt, thấy ông Hơn ngã chết cũng không dám quay lại. Duẩn từ đầu đến cuối chứng kiến hết, nhưng anh không kịp ngăn cản ông Hơn vì ông chết quá nhanh. Anh chỉ vừa mới từ trong nhà chạy ra thì đã chứng kiến cái chết của ông hơn trong sân nhà mình và vẻ mặt hoảng sợ của Công.

Công hoảng loạn tới mức điên rồ. Gã loạng choạng chạy ở đường đồng. Miệng liên tục lẩm bẩm:

– Ma… ma… ma giữa ban ngày!

Gã chạy tới nhà Trang muốn thông báo cho cô và bà Nhàn về cái chết của ông Hơn. Gã gặp Trang đang phơi thóc, gã túm tay cô rồi nói:

– Trang… bố em chết rồi!

Trang tát Công một cái rồi giận dữ quát:

– Anh thôi đi… trò đùa của anh lố quá rồi đấy!

Thường ngày Công rất hay cợt nhả, nên Trang không hề tin những lời Công nói. Nhưng Công ứa nước mắt thề thốt:

– Anh xin thề, anh với ông cụ qua nhà thằng Duẩn. Ông ấy chết rồi…

Thái độ của Công dường như là thật, Trang bỗng cảm thấy bầu trời như sập xuống. Cô loạng choạng muốn ngã quỵ xuống đất. Cô hỏi:

– Tại sao? Tại bố tôi lại chết được?

Công đang định kể lại mọi chuyện thì suy nghĩ lanh ác bỗng lóe lên, gã ngẫm tới một việc có thể khiến gã lấy được Trang và sẽ là kết thúc đối với Duẩn. Gã nói:

– Bố em giận chuyện em gặp Duẩn, nên hôm nay gọi anh qua đấy để định khuyên răn Duẩn. Nào ngờ thằng Duẩn láo quá, nó chửi bố em giận đến tím mặt. Anh phải ngăn ông to tiếng, rồi khuyên Duẩn. Nhưng nào ngờ nó không buông tha, nó tiếp tục đay nghiến. Ông cụ không chịu nổi, đi không vững nên trượt chân đâm đầm vào đá chết rồi… Tất cả là tại thằng Duẩn…

Trang nghe xong liền tát Công thêm một nhát nữa:

– Nhất định là tại anh, anh đã lôi bố tôi tới gặp anh Duẩn. Đồ mặt người dạ thú…

Trang nói xong liền đẩy Công ngã xuống đất rồi chạy thẳng tới nhà Duẩn. Dọc đường đi nước mắt của cô rơi lã chã. Trong cuộc đời này chuyện cô không mong muốn nhất là việc hai người cô yêu thương xảy ra vấn đề với nhau.

Tới nơi, cô tận mắt trông thấy ông Hơn đã chết. Duẩn đang ôm xác ông ngây người ở đất. Trang lao tới ôm xác ông Hơn rồi gào lên:

– Bố ơi, sao bố lại chết thế này…

Duẩn run giọng kéo tay Trang, anh cố gắng giải thích:

– Bố em bị ngã, anh định tới ngăn ông nhưng không kịp…

Nào ngờ chưa để Duẩn giải thích xong. Trang đã gạt tay Duẩn, nhìn anh căm thù rồi nói:

– Tôi hận anh! Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh…

Trang ôm lấy xác ông Hơn rồi vất vả kéo lê ông về. Duẩn lao ra định giúp đỡ cô nhưng khi vừa chạm tay vào xác ông Hơn thì Trang tát anh một cái rồi chỉ vào mặt anh rồi nói:

– Bỏ đôi bàn tay bẩn thỉu của anh ra khỏi người bố tôi. Đồ cầm thú…

Nói xong Trang lại tiếp tục kéo lê xác ông Hơn để đem ông về nhà. Duẩn đứng như trời chồng tại chỗ. Anh không ngờ sự việc lại diễn biến tới mức độ này. Cái chết của ông đến quá nhanh. Duẩn cứ ngỡ mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng ông Hơn vẫn không hề nghe lời anh. Và vẫn tìm tới đây để sinh sự với anh. Duẩn không hề biết rằng Công đã xúi giục ông Hơn và khiến mọi chuyện tồi tệ đến nhường này. Mọi chuyện với Trang coi như đã chấm dứt.

Đám tang ông Hơn được tổ chức ngay sau đó. Công tỏ ra rất biết điều và chăm lo hậu sự cho ông Hơn như người trong nhà. Trang cảm thấy mình đã sai khi đối xử với Công khi gã báo tin cho cô về cái chết của bố mình. Cô luôn cảm thấy có lỗi với gã. Sau đám tang, cô đã nhìn Công bằng một con mắt khác. Khi cô thấy Công chu toàn trong việc đám tang của ông Hơn, cô lại cho rằng những gì mình nghĩ trước đây về Công hẳn cũng đã lầm. Công không xấu như vậy.

Mấy ngày sau cái chết của ông Hơn. Trang chẳng thiết ăn uống, cứ buồn bã. Chỉ có Công thường xuyên lui tới hỏi han, lại rất ân cần.

Một hôm Công tới gặp Trang và đem đôi vòng vàng đưa cho cô. Công nói:

– Trước lúc chết bố em có để lại cho anh đôi vòng vàng này làm tín vật, ông bảo là ước nguyện của ông cả đời này chỉ là để cho anh lấy em. Nếu chừng nào chưa thực hiện được việc ấy thì ông cụ sẽ để lại đôi vòng vàng ở chỗ anh, coi như để làm tin. Nay ông cụ đã mất rồi, anh cũng chỉ vì nể cụ lúc trước nên mới giữ. Giờ anh trả lại cho em. Anh sắp đi rồi, sắp rời khỏi đây rồi…

Lời Công nói khiến Trang bỗng nhiên cảm thấy hoảng sợ. Cô cảm thấy việc Công sắp đi sẽ khiến mình mất mát một thứ gì đó to lớn lắm. Lại nhớ tới ước nguyện của ông Hơn hồi còn sống, cô ôm mặt khóc. Công thấy kế hoạch mình đã thành, Trang đã xiêu lòng. Gã liền giả vờ đặt đồi vòng vàng xuống bàn rồi định quay mặt đi. Gã cố bước thật chậm để chờ đợi xem liệu rằng Trang có mắc mưu gã không.

Quả nhiên Trang đã không thể nào thoát khỏi trò lừa gạt của Công. Khi bàn chân Công vừa mới chớm bước ra khỏi cửa. Một bàn tay mềm mại đã nắm lấy tay gã. Giọng nói êm dịu yếu ớt của Trang vang lên:

– Lấy em nhé…

Và thế là đám cưới của Công với Trang được ấn định. Sau mọi mưu kế, Công đã hoàn toàn chiếm lấy được Trang kể cả về thể xác lẫn tinh thần.

Tin tức đám cưới của Công với Trang được loan ra khắp làng. Duẩn nghe tin ngã quỵ xuống đất đổ bệnh. Cụ Cẩm đã ngồi ở mép giường, mắt lơ đãng. Cụ hỏi:

– Cháu thích nó lắm à?

Duẩn rơm rớm nước mắt, quay mặt vào tường lặng lẽ gật đầu. Duẩn đau đến độ không không thể nói được. Không phải đau ở thể xác, mà đau ở tâm can. Cảm giác đêm trường lạnh lẽo dài ngùn ngụt, thiếu Trang cuộc đời của Duẩn như mất dần đi sức sống.

Ngày Trang đám cưới với Công. Trong buồng cô dâu chỉ còn một mình Trang lặng lẽ ngồi trước gương. Cô nhớ lại những hồi ức với Duẩn trong ngày trọng đại này. Có lẽ cô không quên được Duẩn vì coi anh là mối tình đầu. Cho đến giờ cô vẫn phân vân không biết liệu rằng tình cảm của mình là đúng hay sai. Nhưng hình ảnh cái chết của ông Hơn lại thoáng qua, khiến cho Trang nắm chặt tay và không hối tiếc nữa.

Ngay khi Trang chuẩn bị bước ra khỏi lễ đường. Duẩn đã xuất hiện sau lưng cô. Trang giật mình khi thấy Duẩn. Duẩn mặc một bộ đồ chú rể giống như Công đang mặc. Trang ngạc nhiên hỏi:

– Sao… sao anh lại ở đây?

Duẩn lặng người, cười thiếu sức sống, nét mặt buồn vời vợi. Rồi anh đem hết mọi chuyện cũng như gốc gác mọi hiểu lầm giải thích cho Trang. Trang giật mình hiểu ra tất cả, và ngay cả trò lừa của Công cũng nhanh chóng được cô phát giác. Cô cảm thấy ghê tởm và sợ hãi khi biết rằng mình cuộc đời mình sắp rơi vào tay một kẻ tâm ngoan thủ lạt như Công. Nhưng cô chưa kịp thoát ra khỏi suy nghĩ đi thì Duẩn đã đứng ở cửa, nói một câu:

– Kiếp sau anh lại chờ em… Đêm nay ngày em cưới, cũng là ngày anh chết! Nếu còn thương anh thì đêm nay hãy đến nhà anh…

Nói xong Duẩn đi lẫn vào dòng người rồi biến mất. Trang sợ hãi chạy theo gọi Duẩn:

– Anh Duẩn…

Nhưng không có Duẩn ở đó. Trang nào biết rằng, từ trong dòng người. Duẩn cao lớn bỗng biến dạng thành khuôn mặt một bà già nhăn nheo. Thì ra đó nào đâu phải Duẩn, mà đó lại chính là linh hồn quỷ dữ của cụ Cẩm hóa thành để lừa gạt cô tới căn nhà đó.

Trong lúc đó, Công lại đích thân tới nhà Duẩn. Trên mình mặc bộ đồ cưới. Công nghe nói Duẩn vì thất tình nên sinh bệnh. Gã liền muốn cho Duẩn một cú đả kích, có thể khiến Duẩn từ đó hóa điên cũng nên chăng. Gã ngồi gẫn cái mép giường, nhếch mép dúi vào tay Duẩn một cái thiệp cưới rồi nói:

– Hôm nay là ngày tao lấy Trang, thiếu mày mất vui. Nhớ đến uống rượu mừng…

Gã cười sảng khoái rồi rời khỏi đó. Bỏ mặc lại Duẩn với nỗi uất ức tận cùng, chắc Duẩn đã đau tới mức muốn chết đi sống lại.

Duẩn cố gượng dậy, và hồi sinh sau lời kích bác của Công. Anh không muốn đầu hàng. Ít ra anh có thể nhìn Trang hạnh phúc trong ngày cưới. Duẩn lấy xe đạp rồi đạp xe vòng ra đường làng phía sau. Anh muốn tham dự lễ cưới của Trang một cách lặng lẽ nên không đi đường chính.

Nào ngờ quyết định đó của Duẩn lại khiến âm dương cách biệt. Trang từ con đường chính của làng chạy tới nhà Duẩn, hai người khác xa hai con đường nhưng cùng chung một tâm nguyện. Tới nơi, Trang không thấy Duẩn đâu, chỉ thấy nhà cửa mở tan hoang. Cô thấy cụ Cẩm ngồi trong phòng. Liền chạy tới nắm tay cụ rồi gặng hỏi:

– Bà ơi, anh Duẩn đâu rồi? Bà cho con gặp anh ấy, nếu không gặp được anh ấy con chết mất!

Cụ Cẩm nhìn Trang nhoẻn miệng cười, trừu mến nói:

– Đi theo bà…

Cụ Cẩm vẫy vẫy Trang đi theo mình. Trang đi theo thì thấy cụ dẫn mình ra vườn sau. Cụ Cẩm chỉ tay vào mặt giếng nói:

– Nó đang vét đáy giếng, đáy giếng lâu không dùng nên phải vét lại rác rơi. Cháu gọi nó đi…

Trang bị con tim che mờ đi lý trí. Cô tưởng thật thò đầu qua cái miệng giếng. Mắt cụ Cẩm sắc lạnh, đôi mắt ngoan độc dần. Cụ lẩm bẩm nói:

– Cháu ngoan của bà, bà sẽ cho cháu một cô dâu trẻ đẹp mãi mãi. Một cô dâu quỷ…

Duẩn đạp xe được nửa đường, bỗng sực nhớ ra mình nên có một lễ vật để tặng Trang trong ngày cưới. Anh bèn quay xe đạp ngược trở về nhà. Đường làng sau nhìn ra vườn sau, cũng nhìn thấy cái giếng rõ ràng. Đúng lúc Duẩn nhìn thấy Trang đang mấp mé ở miệng giếng. Cụ Cẩm lại đang lầm lũi tiến gần về phía cô. Duẩn sợ hãi quăng cái xe đạp qua một bên rồi chạy tới. Miệng hét lên:

– Trang ơi đừng… Chạy đi…

Trang nghe thấy tiếng của Duẩn, cô quay đầu lại thì đã thấy sắc mặt xanh lét của cụ Cẩm. Cụ đã lộ nguyên hình là một con quỷ. Miệng Trang há hốc, tim như muốn ngừng đập. Cả người cô ngã bổ nhào lộn cổ xuống giếng. Duẩn lao tới túm được chân của Trang. Miệng giếng trơn tuột toàn rêu xanh, khiến anh bổ nhào cũng ngã theo Trang.

Bầu trời sấm chớp nổ lên đùng đoàng, bên mặt giếng phẳng lặng trở lại im lìm. Tình chàng ý thiếp đã đưa người về cõi quỷ, sống chết bên nhau nhân duyên cũng chỉ đành ở bên kia thế giới. Duẩn và Trang đã chết, hai người có thể không có được kết thúc tốt đẹp với nhau. Nhưng lại có thể chết vì nhau, và chết bên nhau. Cũng như lời thề nguyền của đôi lứa vì gặp chuyện mà chia lìa bao đời không bao giờ thực hiện được, nhưng họ lại có thể làm được. Đó là oan nghiệt, cũng là một món quà.

Đám cưới mất cô dâu, Công xốn xang đi tìm. Tin tức như trời đánh truyền về, người ta phát hiện ra xác của Trang với Duẩn ở dưới giếng. Không ngờ lại còn phát hiện ra một cái xác của cụ Cẩm đã phân hủy từ lâu. Cũng vì chuyện Trang mất tích, nên cái chết của cụ Cẩm mới được phát giác. Người làng bàng hoàng khi nhận ra, cụ Cẩm họ vẫn trông thấy đêm đêm. Hóa ra lại chỉ là hồn ma hiện về.

Công cũng hóa điên khi biết tin Trang chết. Gã ngây dại như một kẻ mất hồn. Vậy ra đây là sự trừng phạt cho gã, trở thành một kẻ điên không còn biết đến sự đời. Từ đó người ta cứ thấy Công lang thang khắp làng này qua làng khác, bới rác ăn đồ thừa như động vật. Có người thương tình thi thoảng cũng cho ăn. Nhưng Công sống khổ lắm. Rồi cũng đến ngày người ta phát hiện ra Công chết bờ chết bụi, không được ai chôn cất. Thương tình người ta đắp cho mảnh chiếu manh, tiễn Công về cõi hoàng tuyền trở thành một con ma chết đường chết chợ không được thờ cúng.

Còn căn nhà nơi cụ Cẩm và hai người Duẩn và Trang, bắt đầu được đồn đại thành nơi cư ngụ của ma quỷ. Hễ ai tới gần căn nhà đó, đều sẽ bị tai bay vạ gió, thậm chí còn bị bắt đi giữa đêm khuya. Có người đang đêm đi ngang qua đấy, hôm sau người ta phát hiện đã chết dưới giếng rồi. Lại có người thì đi qua không sao, kể rằng có đôi nam nữ dẫn đường bảo vệ họ.

Bởi vậy đã có bài vè lại rằng:

Lạy trời cho con gặp gái trai

Để được thoát kiếp nằm quan tài

Chớ gặp quỷ đỏ già nanh ác

Rồi xuống giếng sâu hóa cô hồn

 Ngạ Quỷ

 

 





Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *