Ngôi nhà số 7 Bến Ngự được xem là ngôi nhà cổ nhất TP Nam Định (tỉnh Nam Định) với tuổi đời 175 năm. Đây cũng chính là nơi Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San đã sinh ra và lớn lên.
Trần Bích San (1840 – 1877), người ở làng Vị Xuyên, tổng Đông Mạc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là phường Vị Xuyên, TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Ông nổi tiếng là người học rộng, tài cao. Năm 1864, ông đỗ Giải nguyên, năm 1865 thi đậu Hội nguyên và Đình nguyên nên được người đời xưng tụng là “Tam nguyên Vị Xuyên”.
Ngôi nhà số 7 Bến Ngự (nay là số 75 phố Bến Ngự, phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định) do cụ Trần Đình Lâm (ông nội của Tam nguyên Trần Bích San) xây dựng năm 1849. Đây cũng chính là nơi Tam nguyên Trần Bích San đã lớn lên.
Trải qua 175 năm, ngôi nhà cổ vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn và hậu thế của Tam nguyên Trần Bích San vẫn đang sinh sống tại đây, gìn giữ di sản của cha ông.
Ông Trần Văn Đức, cháu đời thứ 5 của Tam nguyên Trần Bích San chia sẻ: Xưa kia khu đất của gia đình rộng 6 sào Bắc Bộ, phía trước ngôi nhà là vườn mai cổ thụ nên còn được gọi là “Cổ mai trang”. Hiện tại, chỉ còn lại khoảng 200m2, trong đó diện tích ngôi nhà 5 gian cổ là 97,6m2.
slideslideTrướcSau
Ảnh trước đây và hiện tại của ngôi nhà
Xưa kia, ngôi nhà gồm từ đường và một số gian phụ. Phía trước có khoảng sân, vườn rộng nay chỉ còn lại một lối đi nhỏ.
Ông Đức kể, trước nhà còn có bậc tam cấp nhưng sân thấp hơn mặt đường, cứ mưa là ngập. Do đó, gia đình đã tôn cao phần sân, làm mất bậc tam cấp.
Chính giữa là nhà ngói 5 gian hướng Đông Nam mang đậm nét kiến trúc xưa
Cửa ra vào ba gian giữa ngôi nhà có hình chữ triệu
Ông Đức kể: “Năm 1951 khi gia đình tản cư sang Thái Bình, ngôi nhà bị người ta vào lấy hết đồ đạc, kể cả cửa cũng bị tháo đi. Nhưng khi biết đây là nhà cụ Trần Bích San, người ta đã đưa cửa về chùa Cả. Sau này gia đình quay về, người làng đã chỉ lên chùa để nhận lại”.
Câu đầu, xà nhà đều được làm bằng gỗ lim chắc chắn với những nét đục chạm đơn giản nhưng rất tinh tế
Phía trong gian chính giữa có một bệ thờ bằng gạch. Phía trên bệ thờ treo bức đại tự: Dịch thế tải đức (tạm dịch: Cõi trần đẹp đẽ ghi nhớ công đức)
Tường nhà được xây bằng gạch thất, mái lợp ngói nam. Trải qua 2 lần đảo ngói, đến năm 2018, ngôi nhà đã được lợp ngói mới
Khu vực thờ cúng trang nghiêm. Hai đôi câu đối ở hai bên cột trụ với ý nghĩa ca ngợi Tam nguyên Trần Bích San.
Giai đoạn 1930 – 1935, ngôi nhà này là cơ sở nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Nam Định.
Với giá trị nhiều mặt, ngôi nhà số 7 Bến Ngự đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1991.
Theo Vietnamnet
Xem link gốc
Ẩn link gốc
https://vietnamnet.vn/chiem-nguong-ngoi-nha-175-nam-tuoi-cua-tam-nguyen-noi-tieng-nam-dinh-2336329.html