Ngày 9/12, AstraZeneca đã công bố những dữ liệu quan trọng trong lĩnh vực điều trị ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tiêu hóa tại Hội nghị Thường niên ESMO Asia 2024 – một sự kiện tập trung vào lĩnh vực ung thư học đa chuyên ngành tại khu vực Châu Á.
Việc công bố này hướng đến trọng tâm là chuyển đổi kết quả điều trị ung thư ở Châu Á, nơi mà ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và nhấn mạnh cam kết của công ty trong việc cung cấp các liệu pháp tiên tiến giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư.
Theo thống kê, Châu Á hiện chiếm tới 58% số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu. Các loại ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất trong khu vực bao gồm ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư gan và ung thư dạ dày. Dự báo rằng khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2050, gánh nặng ung thư ở các nước Châu Á sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ
Trước đó tại phiên thảo luận vào ngày 05/12, một loạt các dữ liệu nghiên cứu quan trọng từ các nền tảng phức hợp kháng thể thuốc (ADC) và miễn dịch học ung thư (IO) đã được giới thiệu. Các dữ liệu này phản ánh khả năng ứng dụng các nền tảng khoa học tiên tiến để nghiên cứu điều trị ung thư từ mọi góc độ, với mục tiêu chuyển đổi kết quả điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa và ung thư vú.
Cụ thể, AstraZeneca đã trình bày về các tiến bộ trong điều trị ung thư phổi đột biến gen EGFR tại Châu Á, nơi có tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư phổi cao. Ngoài ra, liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch kết hợp cũng hứa hẹn mang đến những lựa chọn điều trị mới cho các loại ung thư khó chữa. Đặc biệt, sự phát triển của các phác đồ điều trị sử dụng ADC – nhóm thuốc kết hợp giữa khả năng nhận diện chính xác tế bào ung thư của kháng thể và tác dụng tiêu diệt mạnh mẽ của hóa trị – đã mở ra hy vọng mới trong điều trị ung thư vú. Một trong những điểm nhấn quan trọng khác là tầm quan trọng của phát hiện sớm trong cuộc chiến chống ung thư, điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân.
Tham gia vào Hội nghị, TS. BS. Trần Công Duy Long, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật & ghép gan, Phó Trưởng Khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy BV ĐH Y Dược TP.HCM, cũng nhận định về những nghiên cứu tại hội nghị: “Tìm tòi phương pháp điều trị ung thư hiệu quả mới, đặc biệt là đối với các bệnh ung thư ác tính, là nhu cầu cấp thiết. Các dữ liệu tại ESMO Asia 2024 rất đáng mong đợi và sẽ thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức trong cách chúng ta điều trị các loại ung thư khó chữa bằng các phương pháp điều trị mới. Đây là bước tiến lớn trong lĩnh vực ung thư, hứa hẹn cải thiện đáng kể kết quả điều trị cho bệnh nhân.”
Đã có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường tỷ lệ sàng lọc và chẩn đoán sớm, cũng như cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho bệnh nhân ung thư tại khu vực. Một trong những ví dụ điển hình là nghiên cứu INTEGRATE-TB tại Việt Nam, nghiên cứu tận dụng X-quang có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện khả năng phát hiện tổn thương nghi ngờ ung thư phổi trong các chương trình sàng lọc lao hiện có. Kết quả ban đầu của nghiên cứu này cho thấy tiềm năng to lớn của các phương pháp tiếp cận mới trong việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia có nguồn lực y tế hạn chế, góp phần cải thiện việc phát hiện ung thư phổi và nâng cao kết quả điều trị cho bệnh nhân.
Những bước tiến trong điều trị ung thư sẽ mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân trong khu vực, đặc biệt khi những phương pháp điều trị này ngày càng được tiếp cận rộng rãi hơn, mang lại cơ hội sống sót cho hàng triệu người.