Thịt vịt rất thơm ngon nhưng cũng có thể trở nên dở tệ và có mùi khó chịu. Cho dù bạn mua được con vịt ngọt thịt, mùi hôi đặc trưng của nó vẫn khiến món ăn bạn mất công chế biến bị mọi người từ chối.
Cách khử mùi hôi thịt vịt hiệu quả
Muốn có món thịt vịt thơm ngon, trước tiên bạn phải lựa được những con vịt chắc thịt, không quá to, cũng không quá gầy. Nếu là vịt thịt sẵn, nên chọn những con còn tươi, sờ vào có độ đàn hồi tốt. Không mua những con vịt có bề mặt thịt căng bóng, thớ thịt quá dày hay bị biến dạng khi bạn cầm dốc lên (đó là vịt bị bơm nước).
Muốn khử mùi hôi thịt vịt, sau khi làm lông, bạn cần loại bỏ triệt để tuyến nhờn ở đuôi – nguyên nhân chính gây ra mùi hôi khó chịu đặc trưng của vịt. Tuyến nhờn của vịt rất lớn, chiếm gần như toàn bộ phao câu, do đó tốt nhất bạn nên cắt bỏ hết phao câu vịt. Mùi hôi của tuyến nhờn vịt nặng hơn gà rất nhiều nên chỉ cần sót lại một chút, món thịt vịt cũng có mùi khó chịu.
Sau khi đã làm sạch vịt, bạn cho nó vào chậu, bóp kỹ với muối, tiêu, gừng đập dập và chút rượu trắng, ướp khoảng 30 phút, sau đó mới rửa sạch và để ráo nước. Đây là cách khử mùi hôi thịt vịt rất hiệu quả bổ sung cho khâu cắt bỏ phao câu kể trên. Khi luộc, bạn chỉ cần cho thêm mẩu gừng đập dập vào là yên tâm đã loại bỏ hoàn toàn mùi hôi, món ăn sẽ tỏa hương thơm hấp dẫn.
Nếu thích hương thơm của sả, bạn cũng có thể cho vào nồi nước luộc vài củ sả đập dập.
Một cách khử mùi hôi thịt vịt khác mà bạn có thể áp dụng ở khâu sơ chế, đó là trộn giấm và muối theo tỷ lệ 1:1, chà xát lên con vịt (nếu không có giấm thì có thể dùng chanh).
Lợi ích của thịt vịt
Bài đăng trên website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chỉ ra một số lợi ích của thịt vịt như sau:
– Giảm cholesterol: Chất béo không bão hòa đơn trong mỡ vịt có thể giúp duy trì mức cholesterol HDL “tốt” mong muốn. Ngoài ra, nó có thể đóng một vai trò trong việc giảm mức độ cholesterol LDL “xấu”. Tuy nhiên, thịt vịt cũng có cả chất béo xấu, do đó bạn chỉ nên ăn với lượng vừa phải, hoặc hạn chế ăn phần da.
– Tăng cường năng lượng: Thịt vịt có hàm lượng cao các axit amin thiết yếu, giúp cơ thể sản xuất năng lượng cho các hoạt động hằng ngày.
– Tăng cường hệ thống miễn dịch: Selen- chất chống ôxy hóa quan trọng – trong thịt vịt có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và chống viêm, hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
– Hỗ trợ tuyến giáp: Việc tiêu thụ đủ lượng selen cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của tuyến giáp. Một phần thịt vịt khoảng 250 gram cung cấp hơn 50% nhu cầu selen hàng ngày.
Lưu ý khi khi ăn thịt vịt
Để tối ưu lợi ích của thịt vịt với sức khỏe, bạn nên lưu ý một số điều như:
– Xem xét lượng calo cao của mỡ vịt để quyết định có ăn hay không: Da vịt có lớp mỡ dày nên cung cấp nhiều calo, dễ gây tăng cân nếu bạn ăn thịt vịt mà không kiểm soát về lượng.
– Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mỡ vịt nấu chín dễ bị ôxy hóa hơn các loại dầu hay mỡ khác trong quá trình bảo quản. Quá trình ôxy hóa lipid làm cho thực phẩm bị biến chất và có thể gây hại khi chúng không được sử dụng sớm. Vậy nên, bạn đừng để thịt vịt trong tủ lạnh lâu ngày.
– Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ từng ra khuyến nghị nên nấu kỹ vịt với nhiệt độ chín bên trong ít nhất 74 độ C nhằm đảm bảo giết chết vi khuẩn và virus.