Tết “đau khổ” của Ấn Độ
Ngày Tết dương lịch ở Ấn Độ còn được gọi là “ngày Tết đau khổ” hoặc gọi là “ngày Tết cấm thực”. Trong ngày này, mọi người không được tức giận, nổi cáu, cãi cọ với người khác.
Ở một số địa phương, trong ngày Tết, người dân không những không chúc phúc cho nhau mà còn ôm nhau khóc thảm thiết. Họ quan niệm rằng, mỗi khi năm mới bắt đầu, tuổi thọ lại mất đi, đời người càng thêm ngắn lại và tiếng khóc là để bày tỏ sự xót thương, than thở cho bản thân. Có nơi, người ta sẽ nhịn ăn một ngày một đêm để chào năm mới. Thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh ngày đầu tiên của năm mới cho đến nửa đêm.
Sau ngày “Tết đau khổ”, những món ăn vào dịp năm mới ở Ấn Độ chủ yếu vẫn là đồ ngọt. Các món ăn thường được làm từ những thực phẩm như cá, thịt gà, thịt cừu, trái cây… đặc biệt được chế biến rất ngọt. Theo văn hóa của người Ấn Đô, vị ngọt tượng trưng cho sự hạnh phúc và may mắn.
Lắng nghe động vật “tâm sự” ở Romania
Người Romania đón Tết bằng một cách nói chuyện với động vật vào đêm giao thừa. Họ tin rằng vào thời điểm thiêng liêng này, các loài động vật có thể hiểu được những điều mà con người muốn tâm sự.
Vì vậy nếu nghe được tiếng thở như đang thì thầm của chúng, người Romania tin rằng may mắn sẽ đến với họ trong năm mới.
Người Peru đánh nhau để xóa bỏ hiềm khích
Theo đó, người dân Peru sẽ chào đón năm mới bằng cách mắng chửi và đánh nhau dưới sự chứng kiến của chính quyền để đảm bảo không có người bị thương khi một ai đó hành động quá khích.
Một số người sau khi kết thúc trận đấu có thể ra về với thương tích nhẹ, nhưng không ai coi đó là sự “hận thù”. Cuộc ẩu đả kết thúc, hai đối thủ sẽ dành cho nhau cái ôm thân thiện để hòa giải, “xí xóa” mọi lỗi lầm của năm cũ.
Họ tin rằng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là một cách để xóa bỏ hiềm khích trong năm cũ, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết trong năm mới. Với người dân một số vùng tại Peru, đây là một nét đẹp truyền thống quan trọng trong di sản văn hóa của họ.
Chile đón giao thừa tại… nghĩa trang
Tại thành phố Talca, một thị trấn nhỏ ở Chile có một phong tục rất đặc biệt, đó là đón năm mới cùng với những người thân đã khuất.
Theo lệnh của thị trưởng thị trấn, tất cả các nghĩa trang sẽ được mở vào đúng 23 giờ ngày 31/12 hằng năm để mọi người có cơ hội chào đón một năm mới cùng linh hồn những người thân yêu của họ ở bên kia thế giới. Lúc đó, mọi người mang theo đèn và nến để tạo nên một bầu không khí ấm cúng ở nghĩa trang.
Người dân nơi đây tin rằng, người đã khuất muốn đón năm mới cùng những người thân yêu trong gia đình. Không chỉ trò chuyện và trao đổi về một năm mới, họ còn trò chuyện cùng với người đã khuất. Họ luôn tin rằng linh hồn của những người yêu thương đã qua đời có thể lắng nghe và thấu hiểu tâm sự của họ.
Ăn bảy bữa một ngày tại Estonia
Theo truyền thống, người Estonia sẽ cố gắng ăn 7 bữa trong ngày đầu năm mới. Họ tin rằng, điều này sẽ đảm bảo sự no đủ trong năm mới. Nếu một người đàn ông ăn bảy bữa trong ngày đầu năm, anh ta sẽ có sức khỏe bằng bảy người đàn ông khác trong năm mới.
Người Estonia cũng quan niệm rằng, không nên ăn hết tất cả thức ăn trên bàn mà để lại một chút cho những linh hồn đã khuất.
Đốt bù nhìn ở Ecuador
Tại Ecuador, mỗi gia đình sẽ tự làm bù nhìn riêng từ giấy báo, gỗ vụn, rơm và cùng nhau đem đốt ở ngoài nhà mình vào đêm giao thừa. Người ta tin rằng điều này sẽ hủy bỏ những vận xấu trong suốt 12 tháng vừa qua và hù dọa những thế lực xấu xa mang lại vận may và niềm vui trong năm mới.
Theo truyền thống, người dân thường đấm và đá vào bù nhìn trước giờ đốt ít phút như một cách để vận xui không bao giờ quay lại.
Sau đó, người ta sẽ để chung bù nhìn của nhiều gia đình trong khu với nhau. Mọi người đợi đến đùng thời khắc giao thừa để đốt đi biểu tượng của sự không may mắn cùng với những gì không hài lòng của năm cũ.
Người Hungary không giặt quần áo ngày Tết
Hungary có rất nhiều phong tục trong ngày Tết, trong đó có tục không giặt quần áo trong ngày đầu năm. Họ gây tiếng ồn thật lớn để xua đuổi ma quỷ, tuyệt đối kiêng giặt quần áo vào ngày đầu năm mới để tránh xui xẻo.
Ngoài ra, trong Tết dương lịch người Hungary tuyệt đối không ăn gia cầm và các loại cá.
Những quan niệm về Tết của người Hungary có nhiều điểm tương đồng với người châu Á: Nếu vị khách xông nhà vào năm mới là nam giới, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn trong cả năm và ngược lại.
Người Scotland mời trai đẹp đến nhà xông đất
Để có một năm mới may mắn, người Scotland sẽ tìm cách mời bằng được những chàng trai cao ráo, da ngăm đen và đẹp trai làm vị khách đầu tiên đặt chân vào nhà mình trong năm mới.
Gia chủ tin rằng đàn ông đẹp trai là những người may mắn nhất, có thể quyết định vận may của mình suốt 12 tháng trong năm mới.
Theo thông lệ, người xông đất cho chủ nhà ở Scotland sẽ mang đến một số món quà mang tính tượng trưng như đồng xu (tượng trưng cho của cải), than đen (tượng trưng cho sự ấm áp), bánh mì đen (tượng trưng cho sự no đủ), thậm chí là một búi tóc màu đen. Rượu whisky cũng là món quà được nhiều người lựa chọn trong dịp này.