Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả ngày Tết ở mỗi vùng miền sẽ có những đặc trưng riêng. Tại miền Bắc, các loại trái cây đặc trưng trong mâm ngũ quả gồm chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hoặc chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Một số nơi có thể thay bằng cam, táo, quả trứng gà, quả Phật thủ…
Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc thường theo quan niệm ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) trong văn hóa phương Đông. Theo đó, mâm ngũ quả kết hợp 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.
Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc truyền thống là nải chuối xanh ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt, táo hoặc những quả ớt chín đỏ.
Tác dụng sức khoẻ của mâm ngũ quả miền Bắc
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược – cơ sở 3, mâm ngũ quả miền Bắc được bày biện rất cầu kỳ, trong đó không thể thiếu chuối xanh.
– Chuối xanh: Chuối là nguồn cung cấp tinh bột, chất xơ, kali, vitamin B6, vitamin C, các chất chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích cho tiêu hóa, tim mạch.
Chuối xanh có nhiều tinh bột kháng và pectin hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi đường ruột, giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa. Lượng kali dồi dào trong chuối rất cần thiết cho sức khỏe tim mạch – đặc biệt là hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
Lưu ý: Bệnh nhân đái tháo đường type 2 nên tránh ăn nhiều chuối chín và nên theo dõi đường huyết cẩn thận sau khi ăn.
– Quả Phật thủ: Quả Phật thủ có màu vàng, tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn.
Theo Đông y, Phật thủ có vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng điều hòa khí và trung tiêu, thư can, chống nôn, thường được dùng điều trị bụng đầy đau, biếng ăn, nôn mửa, ho…
Phật thủ có chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, tinh dầu; có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, kích thích tiêu hóa, giúp dễ chịu trong ngực, chữa nôn, giã rượu…
– Quýt, bưởi: Theo bác sĩ Vũ, 2 loại quả này đều có acid hữu cơ, tác dụng giải rượu tốt, phục hồi nhanh hơn sau cảm lạnh thông thường, giúp giảm cholesterol. Nghiên cứu cho thấy ăn bưởi 3 lần/ngày trong 6 tuần có thể giúp giảm được huyết áp.
Mứt vỏ bưởi cũng có tác dụng chữa say xe, đau đầy chướng bụng. Tinh dầu từ vỏ quýt, vỏ bưởi có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện triệu chứng lo âu, buồn nôn.
Bác sĩ Vũ cho biết riêng quýt được dùng trong bài thuốc chữa ho, viêm gan vàng da…
– Quả lê: Ăn lê giúp nhuận phổi, giáng hỏa, sinh tân dịch, dưỡng huyết, chữa khản tiếng, nhuận tràng, chữa nhọt, giã rượu với hiệu quả khá cao.
Quả lê chứa protein, lipid, chất xơ, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, đường glucose, acid acetic… Ăn lê thường xuyên có tác dụng tốt trong điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch, lao phổi, viêm phế quản cấp tính, giảm ho, bác sĩ Vũ nói.
Lưu ý: Do lê có tính hàn nên người bị bệnh đau lạnh bụng, đi lỏng không nên dùng. Quả lê kỵ rau dền, thịt ngỗng, củ cải trắng và nước nóng.
– Một số loại quả khác: Các loại quả khác thường xuất hiện trong mâm ngũ quả miền Bắc như ớt, táo, cam… cũng có rất nhiều vitamin, khoáng chất có tác dụng tốt cho sức khoẻ.