Trong giờ học, bé gái 7 tuổi ở Bắc Kạn ngậm đầu nắp bút và vô tình nuốt vào đường thở. Trẻ ho, khó thở và đau ngực, được giáo viên đưa đến phòng y tế của trường học sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển đến trung tâm y tế địa phương.
Trên đường đi, trẻ ngừng thở, ngừng tim, phải cấp cứu hồi sinh tim phổi liên tục trên đường chuyển đến bệnh viện. Tại bệnh viện tỉnh, trẻ tiếp tục được cấp cứu ngừng tuần hoàn, nhưng do tổn thương não, xuất hiện nhiều cơn co giật liên tục, phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo BSCKII. Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ vào viện trong tình trạng nguy kịch, được bóp bóng qua nội khí quản, duy trì thuốc trợ tim để đảm bảo nhịp tim và huyết áp, hôn mê sâu, co giật.
Bệnh nhi được các bác sĩ điều trị bằng các biện pháp thở máy, duy trì vận mạch, điều trị chống phù não, an thần tại các đơn vị cấp cứu và điều trị tích cực. Cùng với đó, trẻ được nội soi cấp cứu tại giường gắp dị vật đường thở.
Dị vật được gắp ra là đầu bút bi màu đen, kích thước khoảng 0,5 x 0,8 cm, che lấp 70% phế quản gốc phải. Niêm mạc đường thở hai bên của trẻ phù nề, trong lòng phế quản nhiều dịch nhầy.
Dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực, nhưng do thời gian ngừng tim, ngừng thở quá lâu, tổn thương não không hồi phục, bệnh nhi tử vong sau 4 ngày.
Phòng tránh tai nạn hóc dị vật cho trẻ
– Người lớn cần thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, khi trông giữ trẻ người lớn không nên chủ quan, phải giám sát chặt chẽ.
– Cha mẹ cần để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ, tròn, trơn hoặc đầu nhọn như: đinh, ốc vít, bút, đồng xu, pin, kim, tăm.
– Phụ huynh hướng dẫn trẻ không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm, mút.
– Cha mẹ không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc và không nên nô đùa trong khi ăn, đặc biệt khi trẻ có thức ăn trong miệng.
– Cha mẹ không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, hướng dương, chôm chôm, tập cho trẻ kỹ năng nhai kỹ, nuốt chậm.