Trong vạt nắng ấy, hơi nước còn lơ lửng đọng lại trên khoảng không trông như những viên pha lê đầy sắc màu sặc sỡ. Ở đó, đàn cò trắng dang rộng đôi cánh hòa theo câu hát bay lả bay la với điệu xàng xê dạ cổ đầy nghĩa tình, hy vọng và sức sống.
Về Hậu Giang, có dòng Xà No hiền hòa – “con đường lúa gạo” nằm cắt ngang những con kênh “xứ Ngàn”; xuôi về bảy ngã với câu chuyện hơi đượm buồn mà mộc mạc, đầy nghĩa tình của anh bán chiếu quê tận Cà Mau với cô gái nơi chợ nổi đã in sâu vào tình cảm, tiềm thức của biết bao người dân miền Tây.
Và ở đó, còn có câu chuyện về đời khóm, đời người! “Qua Vàm Nước Trong, anh chèo sang sông Nước Đục. Em qua Cầu Đúc có nhớ chuyến đò xưa? Hỏa Lựu chiều nay lất phất cơn mưa. Anh chèo ghe khóm… Qua Vàm Nước Trong, tôi chèo sang sông Nước Đục. Vẫn ngọt lịm tình đời qua trong đục, đục trong” ( Khóm ngọt – soạn giả Ngô Hồng Khanh).
Không biết từ bao giờ, cây khóm “bén duyên” với Hậu Giang và đã gắn bó với vùng đất khô cằn, thừa phèn, thiếu ngọt này. Chỉ nghe người lớn kể lại, ban đầu, người dân thử trồng nhiều loại cây như dưa hấu, khoai ngọt nhưng đều không đem lại hiệu quả. Vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước, người dân xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh thấy cây khóm giống tốt, bắt đầu nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn.
Từ đó, cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay. Lúc đó, ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông Cái Lớn, bà con mang khóm ra đó để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và cái tên “Khóm Cầu Đúc” được hình thành.
Gần 100 năm, cây khóm Cầu Đúc đã cho ra những trái ngọt, là “bầu sữa” nuôi lớn bao thế hệ con người. Những rẫy khóm bạt ngàn đem cơm no, áo ấm cho người dân với căn nhà tường kiên cố, nền gạch bông bóng loáng. Cây khóm đi qua tuổi thơ cùng những đứa trẻ trong xóm khi cắp sách đến trường trên con đường quê.
Cây khóm đã trở nên thân thiết, gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây: “Khóm ngon Cầu Đúc vàng ươm nắng/ Ruột trái thơm giòn, vị ngọt thanh/ Chén muối nồng cay em giã sẵn/ Thấm từng miếng khóm ngọt lòng anh” (Bài thơ Khóm Cầu Đúc – Bùi Thị Ngọc Diệp).
Bởi thế, cây khóm luôn được người dân Hậu Giang vun bồi và khẳng định được “danh phận”. Vượt qua nhiều nông sản chủ lực của tỉnh, biểu tượng “Bé Khóm” lấy cảm hứng từ trái khóm Cầu Đúc đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để trở thành biểu tượng đại diện cho hình ảnh của tỉnh. Những sản phẩm từ khóm như dưa khóm, kẹo khóm, mứt, nước ép, rượu khóm, nước màu khóm, bánh xèo củ hủ khóm…
Đặc biệt, bộ sưu tập áo bà ba làm bằng vải sợi khóm Cầu Đúc được trình diễn tại Festival áo bà ba – Hậu Giang 2023 đã mở ra nhiều hướng đi mới cho cây khóm quê mình.
Tuy nhiên, không phải khi nào mọi thứ cũng thuận lợi, khóm cũng như nhiều nông sản khác, có lúc bập bênh, thiếu ổn định. Nhiều dự án mở rộng quanh vườn khóm như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thế nhưng, cuộc đời này, đôi khi phải nếm vị chua thanh rồi mới đọng lại những dư vị ngọt ngào, như đất quê mình dẫu phèn dẫu mặn vẫn đọng lại trái khóm tươi màu mơ ước nhà nông.
Để từ đó, khi mỗi lần ta nghe được giai điệu ngọt ngào, sâu lắng: “Về Hậu Giang em ơi, đưa nhau về nơi miền quê xưa, nghe tiếng ru êm đềm dí dầu ai nỡ quên nhau” (bài hát Về Hậu Giang nhé em – Sơn Hà), ta lại càng thấy thương cây khóm… mọc sau hè.