Trên những cánh đồng Saint-Émilion, trong thời gian ngắn, lần lượt hiển hiện những tác phẩm ưu tú của các tác giả lớn nhất kiến trúc đương đại, từng đoạt giải thưởng Pritzker như Norman Foster, Christian de Portzamparc, Jean Nouvel, Oscar Niemeyer…
Như giống nho mới lạ, khác biệt, những kiến trúc nhỏ nhắn, khiêm nhường, đầy cá tính đang lặng lẽ ươm mầm, bật lá, vươn cành, trổ quả, hứa hẹn những mùa vụ ngọt ngào, đằm lịm, nồng say?

Là di sản văn hóa thế giới, Saint-Émilion được vinh danh bởi “Cảnh quan văn hóa đặc biệt và nguyên vẹn”. Để tương xứng với vị thế, tầm vóc, ảnh hưởng đó, qua từng mùa vụ, Saint-Émilion tiếp tục tự bồi trúc thêm những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị, được cân nhắc, đo lường, định giá, định tính bằng… kiến trúc?

Xây dựng một Château sản xuất rượu vang là một kiến tạo nghệ thuật bền bỉ, dài lâu và liên tục thăng hoa. Hành trình đó bao gồm tổ hợp, kết nối, tạo ra, truyền tải, lan tỏa cảm hứng sáng tạo và khơi gợi nhu cầu thụ hưởng sang trọng, tinh tế hơn.

Saint-Émilion luôn tìm kiếm những địa điểm tốt nhất để gây dựng điền trang, hầm rượu, pháo đài, lâu đài cả bên trên, bên trong núi đá cao và dưới lòng đất sâu. Vị trí hoàn hảo phải đủ rộng rãi, cung cấp đủ ánh sáng, có kích thước lý tưởng nhất có thể.

Trong quá trình này, phương thức, nơi chốn, không gian sản xuất luôn là một phần của sản phẩm, tác phẩm. Khi đó, di sản vật thể không còn bị giới hạn của những thùng thép, chum lớn bằng đất nung, thùng gỗ, thủy tinh và tất nhiên là cả những chai rượu nhỏ nhắn. Nó dần vượt qua các vật chứa, vật liệu, những bức tường bảo vệ bằng đá, thép, xi măng, thủy tinh vốn được sử dụng để che chở, bảo quản, kích thích những quá trình trưởng thành và hoàn thiện của rượu.

Trong nhiều năm gần đây, thế giới rượu vang Saint-Émilion đã có một mối tình, lương duyên lạ lùng với các kiến ​​trúc sư lừng danh. Có lẽ chưa nơi nào trên thế giới, trong một không gian nhỏ hẹp như Saint-Émilion, số kiến trúc sư đoạt Pritzker về đây để định vị những giá trị khác biệt của mình lại dày đặc như thế.

Liên minh đặc biệt này đâu chỉ hoán chuyển, thay đổi, tạo thêm thú vui, khoái cảm thị giác cho nghệ thuật sản xuất rượu vang. Chỉ trong hơn 20km2, liên tục hiển hiện những tác phẩm, tượng đài rất, rất nhỏ bé, khiêm nhường nhưng vẫn lắng đọng, kết tinh, tỏa sáng một tinh thần kiến trúc Château đương đại, cá tính, mới lạ, khoa học, hài hòa và hơn hết kiến trúc đang tạo ra một phối cảnh, dấu ấn mới cho không gian văn hóa – lịch sử đặc biệt.

Năm 1985, sau khi Ricardo Bofill khởi đầu với việc thiết kế hầm rượu Château Lafite-Rothschild, ngày càng nhiều kiến ​​trúc sư nổi tiếng thực sự hào hứng khi tiếp cận với các lâu đài ở Saint-Émilion.

Đó là Norman Foster với La Dome, Christian de Portzamparc  tạo tác Cheval Blanc, Jean Nouvel với La Dominique, Mario Botta với Faugères, Philippe Starck, Alberto Pinto ở Pavie. Tháng 6 vừa qua, Saint-Émilion mới khánh thành Château La Coste, dự án cuối cùng, được thiết kế năm 2012 bởi cố kiến trúc sư Oscar Niemeyer… 

Với La Dome, Norman Foster đã tự ẩn giấu đi những hình hài, dấu ấn Hi-tech trong The Gherkin (London), Tháp ngân hàng Commerzbank (Frankfurt), cây cầu Viaduct Villot (Pháp) hay Tòa nhà Quốc hội Bundestag (Đức)… Từ trên đồi cao, La Dome chỉ giống như một cái nấm nhỏ bé, thấp hơn tháp chuông Château Angelus, không cao hơn mái ngói của Château Angelus, Château Bélair-Monange. Bên trong La Dome, cửa, hành lang, tường, vách, trần gỗ vẫn thấp thoáng lối tổ chức không gian mở rộng 360 độ như ở Château Margaux, Công viên Apple (Mỹ), tổ chức giao thông kết hợp làm mát, đối lưu gió tự nhiên như ở Tòa thị chính London, Tòa tháp Quốc hội Đức… Với Norman Foster, La Dome đích thực chỉ là một ngọn đồi nhỏ ẩn khuất khi ông thể hiện mong muốn của Jonathan Maltus: “La Dome tôn vinh vẻ đẹp của vườn nho, hướng đến và làm cho cảnh quan trở thành nhân vật chính trong kịch bản thiết kế.”.

Với Cheval Blanc, cũng như đã thể hiện với Cidade das Artes ở RioBrazil, Christian de Portzamparc không chỉ tiếp tục chứng tỏ là một bậc thầy về bê tông cong hoàn mỹ. Kiến trúc sư cũng đâu chịu ảnh hưởng của điêu khắc Richard Serra như cách nói của báo chí địa phương. Cheval Blanc đâu chỉ là một tập hợp các mảng ghép bê tông với dáng vẻ “winery under the hill” – hầm rượu dưới đồi. Người cảm thụ thì dễ bị hút vào lớp vườn xanh tinh tế trên mái. Với Cheval Blanc, Premier Grand Cru Classé A, nam tước Albert Frère và Bernard Arnault mong muốn kiến trúc này gửi đi một thông điệp mới, hướng đến tương lai, phù hợp với cảnh quan vườn nho di sản thế giới.

Chính vì thế, có lẽ, cần phải thấu thị Cheval Blanc trong một hình hài, vóc dáng, biểu tượng khác. Với những nhà chiêm tinh, có phải Christian de Portzamparc mượn kết cấu tường bê tông để gợi nhắc những đường cong mềm mại như tạo hình hai con cá đặt ngược chiều nhau làm nên biểu tượng song ngư của cung hoàng đạo? Với sự bảo trợ của song ngư, Christian de Portzamparc mong muốn Cheval Blanc là một giọt nước thống hợp đại dương và có thể hòa vào những nhịp sóng, thủy triều lớn của vũ trụ?

 
Với người Kitô giáo, đó là hợp thể những thực thể riêng biệt, không tách rời, là biểu tượng cho cuộc sống, cái chết và sự tái sinh. Những đường cong tạo hình Cheval Blanc gợi nhắc  vòng tròn Trinity, hợp nhất Chúa, cha, con và thánh thần. Có phải trong kinh Phúc âm thánh John từng nhắc lời Chúa: Ta là một cây nho. Cheval Blanc gợi nhắc rượu vang là một thức uống thần thánh. Các Château trở thành những thánh đường.

Với người Hồi giáo, Cheval Blanc không chỉ tái hiện bức tường Mashrabiya truyền thống của thế giới Hồi giáo, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chính là giải pháp kiểm soát luồng gió, giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm của dòng không khí, làm mát, đối lưu gió tự nhiên, château che mà không chắn. Christian de Portzamparc lấy cớ này để gợi nhắc nhớ từ “cá” trong ngôn ngữ Hồi giáo còn ẩn giấu mật ngữ với ý nghĩa là mãi mãi, vĩnh cửu?

Với La Dominique, không như báo chí địa phương từng nhận định “đó là sự phá cách hiện đại… phá vỡ quy mô, loại bỏ cấu trúc vốn có của văn hóa Château hay Viticulture. Château La Dominique cũng không “lấy cảm hứng từ hiệu ứng gương ngược trong các tác phẩm nghệ thuật của Anish Kapoor để sửa chữa, bù đắp sự thiếu hiệu quả trong việc quảng bá các vườn nho”.

Trực quan hơn, với tường kính đỏ, chùm đèn đỏ và thảm sỏi thủy tinh đỏ, Château La Dominique thực sự rực lên “màu Bordeaux” như một chỉ thị màu quen thuộc của người Việt. Đơn giản hơn, đó chính là hòa sắc của những giống nho Grenache đỏ tươi, Merlot đỏ đậm, Cabernet Sauvignon tím đậm, La Syrah sẫm tím nâu…

Gần gũi hơn, có thể đó chính là khúc xạ màu áo choàng rực đỏ của các Jurade – hội những người thẩm định rượu vẫn xuất hiện trong những đại lễ tháng 6. Từ năm 1119, là đại diện chân chính, nồng nhiệt, Jurade tiếp cận, nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiện, hữu nghị với tất cả những người yêu thích rượu vang Saint-Émilion. Hơn cả chứng nhân, các Jurade duy trì, truyền tải, lan tỏa các di sản truyền thống, trân trọng các giá trị của sự chia sẻ, cởi mở với cái mới. Jurade đề cao tầm nhìn toàn cầu ngày càng rộng lớn, quảng bá rượu vang trên toàn thế giới, cổ vũ tinh thần cộng đồng để có thể thích ứng với những thay đổi của thời đại. 

Hòa phối trong hình hài, sắc màu Jurade, từng ngày, mỗi lứa nho, qua mùa vụ, Château La Dominique hội tụ lối sống, văn hóa và hiển hiện linh hồn Saint-Émilion.

1 (1)

 Châteaux La Dominique của Jean Nouvel và Châteaux Cheval Blanc của Christian de Portzamparc chỉ cách nhau một… sải tay. 

1 (2)

 Một góc Saint- Émilion với Châteaux La Dome của Norman Foster

2 (1)

Châteaux La Dominique của Jean Nouvel 

3 (2)

Châteaux La Dome của Norman Foster

4 (3)

Châteaux Cheval Blanc của Christian de Portzamparc

5

Chân dung Christian de Portzamparc, Jean Nouvel, Norman Foster, Oscar Niemeyer.

Bài, ảnh và tư liệu: Đăng Lâm – Xuân Bình

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP SỐ THÁNG 8.2022





Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *