Những đêm gần đây hai cha con có chung giấc mơ lạ. Thấy trước sân có một người phụ nữ bồng con mặt hướng vô nhà, người này mặc bộ đồ bà ba màu trắng, tóc xõa, rồi từ từ bồng con bước vào. Khi Mỹ Na kể lại giấc mơ cho Vinh nghe thì bỗng giật, vì chính anh cũng thấy y chang vậy. Đang ngủ Mỹ Na thức giấc muốn đi tiểu, ngay lúc nửa tỉnh nửa mê, con bé đã quên nhà mình đã xảy ra nhiều biến cố lạ kỳ. Nó mở cửa đi xuống nhà vệ sinh thì một phen hú vía, trước mắt là một bà già ngồi trên xe lăn đang bồng một đứa trẻ. Đứa bé trần truồng, y hệt đứa bé mà trong giấc mơ cha con Mỹ Na đã thấy. Bà nhẹ nhàng nâng niu, lấy tay vuốt vuốt sau đầu đứa bé. Mỹ Na buột miệng gọi «Nội». Bà nhìn lên gương mặt đầy dữ tợn, chỉ tay về phía trước rồi hét: «Mày không phải là cháu tao» rồi hình ảnh bà già và đứa bé thoắt ẩn thoắt hiện biến mất sau câu nói của Quang.

– Cháu làm gì mà đứng đây lẩm nhẩm một mình vậy. Sao không đi vào ngủ.

Giọng nói của Mỹ Na có vẻ còn sợ hãi, nó nói từng tiếng lắp bắp.

– Chú Tư ơi… bà…bà nội hiện hồn về.

– Tào lao, còn nhỏ không nên nói bậy bạ. Hiện hồn là cái gì, chắc có lẽ cháu nhớ bà nội quá nên nhìn đâu cũng thấy. Thôi ngày mai chú dẫn ra mộ để viếng bà. Còn bây giờ đi vô ngủ thôi.

Sáng đó Quang dẫn Mỹ Na ra mộ để viếng. Khi về nhà lau chùi bàn thờ, dặn cháu phải chuẩn bị hoa quả để cúng cho bà và cả 2 người chị dâu.

– Thắp hương đi cháu.

Mỹ Na làm theo lời chú Tư Quang, nhưng kỳ lạ đốt mãi mà cây nhang không bao giờ cháy. Nhưng tự tay Quang đốt thì nó lại cháy. Ôi! Thế là sao, chuyện lạ mà từ trước tới giờ Quang chưa từng gặp bao giờ. Quang trấn an cháu rằng:

– Có thể là nhang ẩm ướt nên cháu đốt không cháy, đến lượt chú đốt thì nó đã khô, vì cháu đã đốt trước.

Quang nói như thế cho cháu bé được yên tâm, thật ra cây nhang không hề bị ướt! Nhưng lý do gì thì chính Quang cũng không biết. Mỹ Na ngước lên nhìn di ảnh bà bỗng dưng nó có cảm giác sợ hãi, đôi mắt này đã nhìn nó đăm đăm mấy đêm liền có vẻ rất giận dữ.

Đã lâu lắm rồi Út Giàu chưa về thăm nhà. Từ lúc má mất tới nay đã gần 1 năm trời. Cũng lâu quá không thấy vợ chồng anh chị Tư Quang đi ghe rồi ghé lại thăm hỏi. Bỗng nhiên tối đó Út Giàu nằm mơ thấy chị dâu Muội. Chị mặc bộ đồ tang, ngồi trên chiếc xuồng ba lá, chị bồng một đứa bé trên tay, đứa bé này cũng mặc một bộ đồ tang tương tự. Kỳ lạ hơn là chị không hề chèo chiếc xuồng vẫn như lướt đi rất nhanh. Bỗng nhiên chiếc xuồng ngừng lại giữa sông, chị không bao giờ ngước mặt lên, giọng nói âm vang như cõi xa xăm nào đó kèm với tiếng khóc tức tưởi.

– Cô Út ơi! Tía mất rồi, mau về để tang.

Rồi chiếc xuồng tự động di chuyển về cuối nơi sương mù chìm vào mất dạng. Giấc mơ chỉ có thế nhưng Út Giàu đã thấy cả mấy đêm liền. Út Giàu lo lắng vì có điềm gì đó chẳng lành, nào giờ chưa từng có giấc mơ nào kỳ lạ như vậy. Giàu bàn với chồng thu xếp công việc để về thăm nhà một chuyến, cũng lâu lắm rồi chưa về quê kể từ ngày má qua đời cho tới nay. Được Năm Thuận đồng ý, ngày mốt hai vợ chồng sẽ về thăm. Nhưng mới tờ mờ sáng Quang đã chạy ghe tới báo tin cho vợ chồng cô Út biết. Quang tấp ghe vào, chạy lên nhà gõ cửa ầm ầm, một lát sau Năm Thuận mới ra mở.

– Ủa anh Tư. Đi ghe nơi nào mà ghé đây chơi sớm quá vậy nè?.

– Tôi không phải đi mua bán. Tới báo tin cho cô dượng biết Tía đã mất tối qua. Lúc hơn 11 giờ khuya. Cô với dượng tranh thủ về liền đi. Bây giờ tôi phải tới Ba Tri để báo cho gia đình vợ biết.

Út Giàu vội vàng chạy ra khi nghe tin Tía mất. Nãy giờ cô đang còn ngái ngủ, nhưng nghe giọng của Quang nên giật mình tỉnh giấc.

– Vợ chồng em dự tính là ngày mốt sẽ về, nhưng thôi đi liền ngay bây giờ. Anh Tư chờ lát để em vào chuẩn bị đồ.

Tất cả mọi người đã xuống ghe. Năm Thuận nổ máy chạy hết tốc lực, dù biết vợ đang mang thai đã gần 3 tháng. Bất chấp nguy hiểm, chiếc ghe lao nhanh vùn vụt. Đến cuối ngã ba bỗng nhiên Quang nhìn thấy chiếc ghe của ba má vợ xuôi về hướng sông Cái. Đó là hướng nhà của Quang. Tại sao ba má vợ lại biết Tía anh mất mà lại đi viếng? Trong khi đó anh chưa kịp báo tin. Quang tăng tốc đuổi theo nói với tới.

– Ba má… ba má…

Một lát sau ba má vợ mới nhận ra người con rể.

– Anh sui mất sao con không ở nhà lo ma chay mà đi đâu ra tận đây.

– Con đi báo tin cho vợ chồng cô Út. Rồi ra ngã ba chuẩn bị tới Ba Tri thì đã thấy ghe của ba má.

– Bây đi Ba Tri để làm gì?

– Để báo tin cho ba má biết Tía con vừa mất, nhưng chưa kịp báo thì ba má đã tới đây rồi.

Ba má vợ không nghe rõ câu sau Quang vừa nói gì. Họ chẳng còn bụng dạ nào để nói chuyện huyên thuyên, cứ lo mà đi để tới nơi càng sớm càng tốt. Ông Tấn trước sau gì cũng mất vì mang quá nhiều bệnh trong người, nhưng không ngờ ông lại mất nhanh đến như vậy, hai đứa con dâu mới đó mà bây giờ đã tới lượt ông. Có thể 2 người con dâu đột ngột qua đời thì sức khỏe ông cũng giảm đi đáng kể. Ông đi tới đi lui rất khó khăn phải dùng tới cây gậy để làm trợ thủ đắc lực. Hàng ngày nằm một chỗ, Mỹ Na mang cơm lên đến tận nơi, nhưng ông ăn cũng không được nhiều. Mới hôm qua Mỹ Na đem cơm lên, thấy ông đã xuống sức rất rõ rệt, ông di chuyển chậm chạp, cử chỉ không còn linh hoạt như trước. Ông gọi Mỹ Na.

– Đi xuống kêu chú Tư Quang lên nội có chuyện muốn nói. Nếu thấy có thằng Vinh ở đó thì không cần kêu.

Nó vội vàng đi xuống gọi Quang lên, còn Vinh đã đi đâu từ lúc nào. Quang bước tới ngồi cạnh ông. Ông chậm chạp mở rương lấy ra một chiếc hộp bằng đồng rồi trao cho Quang.

– Đây, nó là của con. Phần tài sản của gia đình này.

Quang xua tay lia lịa.

– Tía ơi! Tài sản gì bây giờ. Cứ lo ăn uống để mau khỏe sống đời với con cháu.

Bỗng nhiên gương mặt của ông buồn hiu khi nhắc tới từ “cháu”.

– Cầm lấy đi con. Cất cho thật kỹ. Khi nào cảm thấy cần thiết thì dùng.

Biết được tính ông nên Quang chép miệng thở dài rồi đưa tay nhận. Bỗng nhiên ông nở nụ cười, một nụ cười rất hiếm hoi. Đó cũng là nụ cười cuối cùng, tối đó hơn 11h giờ khuya ông đã vĩnh viễn ra đi không lời trân trối nào. Từ sáng đến giờ Vinh ở nhà túc trực lo ma chay cho Tía. Cuối cùng 3 chiếc ghe cũng tới nơi sau vài giờ lênh đênh trên sông nước. Út Giàu gào khóc gọi Tía trông thật tội nghiệp. Quang an ủi cô em gái Út.

– Tía đã 79 tuổi rồi, lại bệnh tùm lum. Đi như vậy là thanh thản. Cô đừng buồn nữa! Hãy để Tía yên nghỉ.

Ba má vợ của Quang đến linh cửu thắp hương, nhìn quanh từng người một mà chẳng thấy bóng Muội đâu. Bà Nụ trách thầm trong bụng.

– Con này đúng là hư. Làm dâu mà không biết lễ nghĩa. Cha chồng mất mà bỏ đi đâu biệt tăm. Không rầy cho nó một trận thì mang sẽ mang tiếng là không biết dạy con với đời rồi.

Rồi bà quay sang hỏi Quang.

– Ủa vợ con đâu?

Quang lắp bắp chẳng biết nói thế nào vì lúc Muội mất anh không còn tâm trí nào để cho ba má vợ biết.

– Muội…Muội…

Thấy Quang cứ ấp a ấp úng. Ông cha vợ hỏi vào.

– Rốt cuộc là nó đi đâu? Tại sao không ở nhà lo đám tang? Còn chuyện gì quan trọng hơn nữa sao?

Thấy Quang khó trả lời cứ gục đầu, Vinh đáp thay.

– Muội chết trước Tía cách đây mấy tháng rồi.

Cả 2 ông bà đứng hình khi nghe. Làm sao có chuyện vô lý ấy được. Mới tối hôm qua Muội còn sang báo tin ông Tấn mất, thì làm sao có thể mất trước cha chồng, mà lại là cả mấy tháng trời. Bà nhìn sang Quang như chờ câu xác minh, anh buồn bã gật đầu. Nhưng bà vẫn không tin, vì tối hôm qua rõ ràng là Muội đến báo tin thì làm gì có chuyện hoang đường đó. Tối hôm qua bà và ông đang chuẩn bị tập tuồng, khi nhìn ra cửa thì bỗng hốt hoảng vì Muội đã đứng đó từ bao giờ. Muội mặc bộ đồ tang, trên tay còn bồng đứa bé! Đứa trẻ cũng mặc bộ đồ tang tương tự. Muội đứng yên không nói gì chỉ gục đầu khóc sướt mướt. Bà mừng quýnh chạy ra hỏi dồn dập.

– Trời ơi! Bây làm má hết hồn. Có ngày ba má đứng tim mà chết. Con về đây hồi nào? Sao không đi vô nhà? Về thăm ba má hay là có chuyện gì. Bây biết không? Mấy tháng trước má nằm mơ thấy bây, giấc mơ cứ lặp đi lặp lại.

Muội im lặng một hồi thì bỗng chợt lên tiếng.

– Ba má ơi! Tía chồng của con đã chết rồi. Ba má hãy tới viếng cho kịp.

Bà nhìn đứa trẻ trên tay của Muội muốn ôm hôn cháu ngoại, nhưng khi lại gần thì Muội càng xa bà. Nói xong Muội quay lưng đi, bà cố đuổi theo nhưng không tài nào kịp, mặc dù bà đã chạy muốn đứt hơi, còn Muội chỉ di chuyển rất nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng nhưng sao lại nhanh như gió. Muội đi về con đường tối thui rồi mất hút. Bà đưa lên ngực thở hổn hển vì cố chạy theo một đoạn khá xa. Ông đi tới dìu bà vào nhà.

– Nó còn về lo đám tang cho tía chồng. Bà giữ nó lại làm gì.

– Nhưng sao nó bồng con mà lại đi nhanh quá! Chạy muốn đứt hơi mà cũng không kịp.

– Nhà có tang thì tranh thủ là phải. Bà có biết từ đây về tới đó bao xa không?

– Tranh thủ gì thì cũng để cho tôi bồng cháu ngoại một chút chứ. Một lát bộ không được hay sao.

– Thì ngày mai mình đến viếng đám tang tía chồng nó, bà tha hồ mà bồng bế cháu ngoại.

– Ông ơi, nó về làm dâu gì mà sống khắc khổ quá, ốm như cây tre, người xanh như tàu lá. Người ta mới sanh cần ăn uống đầy đủ để dưỡng sức có sữa cho con bú. Còn nó! Trông mà đau lòng, cứ như cái xác chết. Ông cũng thấy nó rồi còn gì.

– Thấy, nhưng chắc là sinh con nên nó xanh xao. Thôi vô ngủ để mai còn đi viếng anh sui.

Bà hoàn toàn không tin Muội đã mất, dù Quang đã gật đầu xác nhận. Cuối cùng Vinh phải đưa vào tận nhà rồi chỉ tay về phía tủ thờ có di ảnh của Muội.

– Đó 2 bác. Lúc ấy bối rối quá nên chú Tư Quang không kịp đi báo tin cho 2 bác được. Mà đi sao được khi chú Tư như kẻ mất hồn.

Nhìn thấy di ảnh của đứa con gái bà tá hỏa tâm tinh. Bà nhìn sang ông rồi hỏi.

– Chuyện này là sao ông? Chính ông cũng thấy con Muội đêm qua tới báo tin kia mà.

– Có! Tôi có thấy, không những vậy bà còn nói chuyện với nó rồi đòi ôm hôn cháu ngoại.

– Rõ ràng không phải nằm mơ. Ủa vậy là sao? Chẳng lẽ…

Bà Nụ bỏ ngang câu nói rồi té xỉu ngang. Được người ta dìu vào phòng nằm, pha nước chanh cho uống một lát thì bà bừng tỉnh. Bà Nụ thét gào gọi tên con. Không riêng gì bà sốc mà cả Út Giàu cũng sốc. Mấy ngày qua Giàu liên tục nằm mơ thấy chị dâu. Muội bồng con mặc đồ tang, ngồi trên chiếc xuồng ba lá, báo tin cho cô Út biết Tía đã mất phải nhanh chóng về để tang. Trước đó lúc bà Tấn hấp hối sắp mất cũng chính vợ chồng Quang đến báo tin cho cô và cả ba má vợ biết để đi viếng. Chỉ khác lúc đó là Muội còn sống đi cùng Quang, còn bây giờ tới một mình và đã ra người thiên cổ.

Con bướm đen cứ bay quanh bên linh cữu của ông. Mỹ Na để ý hình như nó cứ lởn vởn chẳng chịu rời xa. Con bé nhìn ra ngoài cổng lại phen giật mình, trước mắt là một người phụ nữ mặc đồ tang đang bồng một đứa trẻ trên tay. Gương mặt của người phụ nữ ấy không bao giờ ngước lên, cái dáng y hệt trong giấc mơ mà lúc trước cả Vinh và Mỹ Na đều thấy cùng. Đúng là người phụ nữ này, đứa bé kia Mỹ Na đã quen mặt vì nó xuất hiện rất nhiều lần trong nhà cả mơ lẫn thực tế. Chỉ khác lúc đó nó ở trần truồng còn bây giờ là mặc đồ tang. Lần thứ nhất Mỹ Na nằm mơ thấy người phụ nữ mặc đồ trắng bồng đứa con đứng trước sân nhìn vào nhà rồi từ từ bước vào. Lần thứ 2 khi thức giấc đi tiểu, vừa ra đã thấy bà nội ôm nó nâng niu trên chiếc xe lăn. Lần thứ 3 là ngay lúc này. Người phụ nữ và đứa bé kia là ai? Tại sao lại xuất hiện nhiều lần trong ngôi nhà của mình. Bỗng nhiên người phụ nữ thả đứa bé xuống, rồi hai người cùng đi tới linh cữu của ông mà quỳ xuống. Kỳ lạ thay, đứa bé chỉ có chút xíu mà lại bước đi vững vàng như người lớn thực thụ, ước tính nó không tới một tuổi. Lạ hơn nữa là xung quanh đông đúc người ngồi nói chuyện ì xèo, nhưng chẳng ai nhìn thấy hai người lạ mặt này. Đứa bé đang quỳ bỗng nhiên nó quay mặt lại, đưa ngón tay bé nhỏ chỉ chỉ về phía Mỹ Na như muốn nói «Ê nhỏ kia! Tao đã biết hết tất cả. Mày đã bị bắt quả tang». Cái kiểu ám chỉ của người đời khi ai đó làm điều gì sai sự thật và đã bị phát hiện. Rồi bỗng dưng họ biến mất không còn một dấu vết.

Tối đó người ta ngồi nói chuyện tới khuya Mỹ Na thấy đỡ sợ. Tuy nhiên nó không dám đi một mình, thậm chí đi tiểu cũng kêu cô út Giàu đưa đi. Sáng người ta mang ông Tấn đi chôn nơi phần mộ gia tộc. Mỹ Na tinh ý nhìn ra có bướm đen đậu trên chiếc quan tài, có khi bay tới di ảnh mà nó đang cầm trước ngực. Như vậy là bướm đen từ hôm qua đến giờ không rời trong đám tang của ông. Mỹ Na có cảm giác lạnh sống lưng, nhìn chung quanh thì bắt gặp, bên kia hàng cây là bóng người phụ nữ mặc đồ tang đang bồng đứa bé như đêm qua. Người phụ nữ này không đi theo dòng người mà đứng yên một chỗ, vẫn là cái đầu cúi xuống không nhìn rõ mặt, riêng đứa bé thì có thể thấy rõ ràng. Bỗng nhiên, người phụ nữ tiến tới hòa nhập vào đoàn người, kỳ lạ hơn là không hề bước đi mà cái dáng vẫn di chuyển. Đứa trẻ rời khỏi đôi tay chạy lại trước mặt Mỹ Na nói như ra lệnh.

– Đưa di ảnh đây.

Mỹ Na bất ngờ xỉu ngang, được người ta mang về nhà nghỉ ngơi, di ảnh được trao lại cho Quang để tiếp tục cuộc hành trình không trễ giờ thổ táng. Cuối cùng việc chôn cất ông Tấn cũng hoàn thành tốt đẹp. Mộ ông nằm cạnh mộ bà, 2 bên ngoài là cha mẹ ông, tiếp theo mộ của Muội, kế bên là bà, mới nhất là ông. Người ta đưa tiễn ông xong rồi nhà ai nấy về, trả lại sự quạnh quẽ của căn nhà xây theo kiểu Pháp, đã vắng người, nay càng vắng hơn. Quang, Vinh, Năm Thuận ngồi nhà trên uống trà nói chuyện, riêng Út Giàu thấy mệt trong người vì bị thai nghén hành, huống chi lo đám tang cho Tía từ hôm qua đến giờ chẳng được nghỉ ngơi. Út Giàu vào phòng của Quang nằm, Mỹ Na cũng theo vào ngủ chung với cô. Giàu bật chiếc tivi cũ để xem cho dễ ngủ, màn hình tivi hiện lên là một tuồng cải lương Hồ Quảng, khi cô đào lấy chiếc quạt tay đang che khuôn mặt ra thì Giàu một phen hú vía, vì người đó chính là Muội. Chẳng biết tuồng này được ghi hình từ bao giờ, có vẻ rất lâu vì toàn đen trắng. Muội hóa trang thành vai nữ vương, mặt trắng bệch, động tác uyển chuyển điệu bộ khá đẹp, bất ngờ Muội dí sát mặt nói trong tivi: «Cô Út hãy nghỉ ngơi để cái thai luôn mạnh khỏe». Giàu choàng ngồi dậy lay vai Mỹ Na nhưng nó đã ngủ say. Giàu chạy ra ngoài thở hổn hển nói không ra hơi.

– Chị Muội…chị Muội mới gọi em… mới đây anh Tư ơi… mới đây… mới tức thì luôn

Cả 3 người đàn ông đang nói chuyện thì dừng lại. Họ chẳng biết đầu đuôi thế nào! Quang nói.

– Chắc là cô Út nằm mơ. chị dâu mất rồi thì gọi với kêu cái gì.

Giàu quả quyết cam đoan là sự thật không phải trong mơ.

– Em bật tivi để trên bàn cho dễ ngủ. Thấy đài hiện lên là một tuồng cải lương Hồ Quảng. Cô đào hát là chị Muội. Chị còn dặn em nghỉ ngơi ăn uống để cái thai được mạnh khỏe.

Quang cau mày bực mình.

– Cô bị điên hả? Cái tivi đã hư mấy tháng nay, để đó có dịp đi ghe hàng lên Sài Gòn rồi tôi sửa luôn. Nó hư mới đem dẹp vô phòng đấy. Lúc trước đặt nó ở bàn nhà trên.

Rồi Quang dẫn tất cả mọi người vào để chứng minh lời nói của mình là thật. Đúng vậy chiếc tivi đã hư bụi bám đầy. Cũng không cắm điện, trong này cũng không có bình ắc quy, thế tại sao nó lại chiếu lên một tuồng cải lương. Năm Thuận đặt tay lên vai vợ an ủi.

– Chắc là lo đám tang cho tía cả ngày mệt mỏi nên sinh ra ảo giác thôi em vào ngủ đi.

Rồi tất cả mọi người cùng đi ra ngoài tiếp tục nói chuyện. Giàu vẫn không chợp mắt được, cô cũng đi ra cùng tham gia nói chuyện. Mỹ Na giật mình dậy không thấy cô Út đâu. Nó hoảng sợ đi tìm, khi mở cửa bước ra thì nghe mùi khói thuốc nồng nặc! Lạ quá, trong nhà tất cả đàn ông đâu có ai hút thuốc, chỉ có Vinh nhưng cũng đã bỏ cách đây hơn 10 năm. Tiếng lộc cộc…lộc cộc…vang lên đều đều từ phía nhà dưới, vừa nhìn xuống nó đứng chết trân khi thấy ông nội đang chống gậy đi lên, miệng ông ngậm điếu thuốc, tay dắt một đứa bé. Lại là đứa bé này, ông giơ cây gậy chỉ về phía Mỹ Na rồi nói.

– Mày không phải là cháu tao.

Đứa bé lấy ngón tay chỉ chỉ, miệng nở nụ cười bí ẩn y như trong đêm đám tang, Mỹ Na đã nhìn thấy. Với lời ám chỉ «Ê nhỏ kia! Tao đã biết hết tất cả! Mày đã bị bắt quả tang» đứa bé cầm trên tay con búp bê đã bị mất cái đầu chỉ còn lại phần thân. Mỹ Na chợt nhớ ra đây là con búp bê mà hồi nhỏ thường chơi. Ông nhả khói ra, xung quanh như hư ảo, hai người biến mất, Mỹ Na còn thẫn thờ gọi «ông…nội» rồi im bặt đứng đó nhìn vào khoảng không. Tự nhiên có điều gì đó xui khiến Mỹ Na đi theo vô định, nó đi ra nhà kho vừa mở cửa đã thấy con ngựa gỗ của mình mà hồi nhỏ hay cưỡi, đang lúc la lúc lắc như có ai đó đang cưỡi, kèm tiếng cười nghe muốn lạnh sống lưng. Mỹ Na hoàn hồn bỏ chạy vô trong nhà, khi tới hành lang đã thấy ông nội ngồi trên chiếc ghế mây, khói thuốc nhả ra làm mờ cả không gian kèm tiếng cười rùng rợn. Mỹ Na lấy hai tay bịt lỗ tai, rồi hét lên: «Nội đừng dọa con nữa». Nghe tiếng la thất thanh của Mỹ Na mọi người chạy ra thì thấy cô bé đứng đó hai tay bị lỗ tai khóc sướt mướt. Vinh gọi to.

– Mỹ Na…Mỹ Na. Ba đây. Sao con lại khóc.

Nó chỉ tay về phía trước rồi nói rõ ràng.

– Ông nội mới ngồi đó hút thuốc.

Quang bực mình nạt nộ.

– Cái nhà này riết rồi điên khùng hết. Đi vô ngủ.

Út Giàu vỗ về rồi dắt Mỹ Na vào trong phòng để ngủ. Tối đó Út Giàu mơ thấy có một đứa bé trai trần truồng chạy giỡn trong nhà. Tía má ngồi trên ghế trông theo từng động tác của nó, rồi hai ông bà nhìn nhau gật đầu cười. Nó lí la lí lắc nghịch hết chỗ này tới chỗ khác, đi lên lầu rồi trượt xuống thanh cầu thang, đá trái bóng vào tường ầm ầm. Chơi chán thì chạy tới sà vào lòng hai ông bà. Trông có vẻ tía má cưng thằng bé lắm. Rồi bỗng nhiên nó chạy vào phòng nơi Giàu đang ngủ, chìa mặt sát vào mùng gọi to.

– Cô út.

Trong giấc mơ Giàu giật mình nhưng không có chút sợ hãi. Giàu nói.

– Vào đây với cô để khỏi bị muỗi đốt.

Rồi nó leo lên giường, hai cô cháu đùa giỡn cười hí hửng. Giàu đặt nó nằm lên cái bụng bầu của mình, nó ngoan ngoãn nằm yên thôi không phá phách.

Giàu giật mình biết đó chỉ là một giấc mơ. Cô cũng nhận ra đứa bé này chính là con của anh Tư Quang và chị Muội. Rồi Giàu ngủ tiếp một giấc cho tới sáng. Từ lúc chiêm bao thấy đứa bé Giàu đã không còn cảm giác sợ hãi, mà ngược lại thấy thương yêu nhiều hơn. Cô hay đặt nó lên cái bụng bầu nâng niu rồi ôm ngủ như một người mẹ thực thụ. Có khi nghe tiếng ru con, rồi tiếng hát, tiếng khóc của chị Muội, lần nào Giàu cũng khóc ướt gối vì thương nhớ chị. Giàu nằm mơ gặp chị dâu rất nhiều lần, riêng Hoa thì chưa bao giờ cô thấy dù chỉ là giấc mơ ngắn ngủi. Thấy gia đình của mình liên tục có tang chỉ trong một thời gian ngắn. Cô quyết định kêu chồng đưa ra sông ngoài để xem bói. Không biết gia đình mình gặp chuyện xui xẻo gì mà tai ương giáng xuống liên tục. Sông ngoài có nhiều thầy bói xem rất trúng, thuở má cô còn sống hai người rất thường xuyên đi. Nơi đó có một ông thầy mù xem bói bằng lá cây. Tức là cứ hái đại một lá trong khu vực quanh nhà, thầy sẽ chạm vào chiếc lá và tiên đoán ra vận mệnh. Nhưng ông thầy mù cũng làm má con Giàu thất vọng vì có lần đoán hoàn toàn sai. Giàu nhớ lại, khi má cô đem một chiếc lá tới đưa cho thầy, rồi bà hỏi.

– Thầy xem khi nào gia đình tôi có cháu nội đầu lòng là con trai.

Thầy đưa tay sờ vào chiếc lá rồi phán mà không cần suy nghĩ.

– Cháu nội đầu lòng của bà là con trai. Nhưng sao vận mệnh của nó có một màu đen kỳ lạ, tôi không nhìn ra. Đang làm cháu nội, nhưng về sau nó sẽ là cháu ngoại. Kỳ lạ! Thật kỳ lạ. Chỉ dấu hiện lên giữa chiếc lá! Có nghĩa là: “nó là con trai cháu nội đích tôn đầu lòng, nhưng cũng là cháu ngoại. Vậy suy ra vừa là cháu nội mà cũng là cháu ngoại. Cái nào cũng đúng”.

Bà và Út Giàu đều cau mày ngạc nhiên. Làm gì có chuyện kì dị này trên đời, cháu nội là nội, cháu ngoại là ngoại. Sao lại có cái kiểu vừa cháu nội mà cũng là cháu ngoại. Nói vậy thì chẳng khác nào cho rằng mấy người con gái của bà loạn luân với 2 người con trai, mới có sản phẩm vừa cháu nội mà cũng là cháu ngoại. Bà và Út Giàu thất vọng bỏ ra về. Đến khi Vinh lấy Hoa và đẻ ra Mỹ Na thì bà càng thất vọng hơn! Rõ ràng cháu đầu lòng của bà là con gái, không phải trai như thầy bói mù đã phán. Từ đó bà không đi xem bói nữa vì toàn là nói nhăng nói cuội như ông Tấn đã cảnh báo rất nhiều lần. Thầy bói mù cũng mất kể từ đó. Nay Giàu cùng chồng quyết định ra Sông Ngoài xem bói, đồng thời mua một ít hoa quả để cúng bàn thờ gia tiên. Khi ghe đã cập bến Sông Ngoài thì nghe giọng ai đó gọi đúng tên mình.

– Phải Út Giàu con ông 2 đó không?

Giàu nhìn lên và nhận ra đây là người quen. Thì ra là chị Lý con bác Hai Thượng, nhà ở bên kia sông.

– Ủa chị Lý. Lâu quá không gặp.

– Mèn đất ơi. Lấy chồng xứ Gò Công giờ đẹp hẳn ra. Có thai mấy tháng rồi cô Út.

– Dạ! Gần 4 tháng.

– Ráng đẻ con trai. Để hưởng gia tài. Bộ về chịu tang ông 2 hả cô Út.

– Ủa sao đẻ con trai mà hưởng gia tài, chị nói gì vậy? Đúng rồi em về để tang, ngày mốt em về lại Gò Công. Em ra đây để mua một ít trái cây về cúng trước khi đi.

– Cô Út không hiểu hay cố tình không biết vậy kìa. Chẳng phải tía má cô rất muốn có cháu trai hay sao?

– Thì đúng, nhưng là cháu nội kìa. Còn đây là cháu ngoại mà.

– Cũng may cho tôi thiệt nghen! Nếu mà làm dâu nhà cô Út chắc bây giờ tôi cũng đã xuống mộ rồi.

– Chị nói vậy là thế nào. Bộ ai làm dâu nhà tôi cũng chết bất đắc kỳ tử hay sao?

– Chứ còn gì nữa. Hai chị dâu nhà cô đó, không thấy sao?

– Nhưng lúc đó Tía tôi đã không chịu chị làm dâu từ ngay lúc ban đầu rồi mà.

– Thì đó mới chính là cái may cho tôi. Trước đó cặp bồ với anh Vinh may mà anh bị vô sinh, chứ đẻ ra con trai về làm dâu nhà cô có lẽ bây giờ tôi đang ở nơi suối vàng.

Chuyện ngày trước anh Vinh có cặp bồ với chị Lý thì Giàu có biết. Ngay cả lúc cưới chị Hoa về anh Vinh vẫn lén lút qua lại. Bị ông cấm tuyệt đối thì anh mới chấm dứt. Tía chê chị Lý đua đòi, lại có bản tính xem thường người khác, õng ẹo, gặp đàn ông con trai thì nháy mắt đưa tình, tóm lại là không thể làm dâu nhà cô.

– Chị nói sao, anh Vinh bị vô sinh?

– Chứ còn gì nữa. Hồi còn bồ bịch của nhau, anh Vinh biết tía cô sẽ không chịu tôi làm con dâu, nên chúng tôi ráng có thai trước khi cưới, nếu là con trai thì chắc chắn tía cô sẽ chấp nhận. Nhưng mãi mà không có, nhưng khi tôi đi lấy chồng thì có con ngay lập tức. Đây! Con tôi đây.

Nói xong chị Lý nắm tay đứa bé kéo lại, như muốn chứng minh lời mình nói là có thật. Chị còn nói thêm 1 câu trước khi rời đi.

– Sinh con trai để hưởng tài sản. Ai làm dâu nhà cô rồi cũng sẽ xuống âm phủ. Vậy thì làm sao mà hưởng số tài sản ấy. Nhà cô Út hết phúc rồi.

Nói xong Lý bỏ đi. Giàu tức giận xuống ghe về không còn tâm trạng nào để đi coi bói nữa. Trên đường về Giàu suy nghĩ miên man, Anh ba Vinh bị vô sinh như lời chị Lý nói? Thế thì Mỹ Na là con ai? Chuyện này Giàu phải làm cho ra lẽ, vì nó có liên quan đến gia đình mình. Về tới nhà thấy Quang ngồi đó uống trà.

– Cô dượng đi đâu từ sáng đến giờ? Thôi chuẩn bị cơm trưa, đã trễ lắm rồi.

Út Giàu kéo chiếc ghế ngồi cạnh anh tư Quang rồi hỏi bâng quơ.

– Từ lúc chị Muội mất, anh Tư có nằm mơ gặp lần nào chưa?

– Không riêng gì Muội, mà cả tía má và chị Hoa tôi cũng chưa từng thấy dù chỉ một lần.

– Anh Tư có tin trên đời này có ma không? Mà anh có nghe lúc còn sống tía đặt cho con anh tên gì chưa?

– Tía nói khi Muội sinh ra con trai sẽ đặt tên là Sang. Gia đình mình từ trên xuống dưới gồm: Phú, Quý, Vinh, Quang, Giàu, Sang. Mà sao cô Út hỏi những chuyện ma cỏ để làm gì?

– Tên thằng bé nghe hay đó. Em hỏi chơi thôi. Vì thấy anh ba và Mỹ Na luôn bị ám ảnh. Chẳng biết lý do gì.

– Thì suy nghĩ lung tung. Ma là do tâm ra kia mà. Sao tôi và cô không bị ám ảnh luôn đi. Cũng vì chuyện này mà Mỹ Na cứ đòi về ngoại sống, không dám ở đây nữa. Nhà thì vắng người mà ai cũng đòi bỏ đi. Vài ngày nữa cô với dượng về, chắc cái nhà này nhìn đi nhìn lại chỉ còn mỗi tôi.

Nhắc tới Mỹ Na, Giàu buột miệng hỏi ngay.

– Anh Tư có tin Mỹ Na không phải là cháu của mình không?

Quang bỏ ly trà xuống nhìn cô em gái của mình với nỗi đầy ngạc nhiên. Anh thận trọng nhìn trước ngó sau xem không có ai rồi nói nhỏ.

– Cô Út không được nói bậy bạ, anh Vinh mà nghe được thì sẽ mích lòng đấy. Không phải cháu mình thì là cháu ai? Ngày chị Hoa sinh ra nó chính tôi và cô đến nhà thương. Khi chị Hoa đẻ xong về, một tay cô lo cơm nước. Sao bây giờ cô lại nói lạ đời vậy.

– Em thấy trong chuyện này có gì đó chưa rõ ràng. Cái chết của chị Muội mà cả nhà cho rằng động thai dẫn tới chết cả mẹ lẫn con. Trong khi đó chị Muội có làm gì nặng nhọc quá đâu.

Quang bỗng nhiên im lặng như đang ngẫm nghĩ gì đó. Câu chuyện dừng lại khi có sự xuất hiện của Vinh từ nhà dưới đi lên. Trên tay cầm bịch thuốc diệt chuột, đi tới rót ly trà rồi nói bâng quơ.

– Mấy ngày nay bỏ bê rẫy dưa, chuột phá nát hết. Từ nay về sau vất vả rồi đây. Chú Tư Quang biết ai cần việc làm thì chỉ để tôi thuê về giữ rẫy nhé.

– Ủa, thế ông Viễn đâu mà giờ lại mướn thêm người.

– Xin nghỉ việc rồi. Nói nhà mình có ma không dám làm nữa. Lát tôi tính tiền công, sẵn đó nhờ ông Viễn dắt Mỹ Na cho nó về ngoại dùm luôn. Không dám ở đây vì luôn thấy ông nội hiện hồn về dọa. Không chỉ riêng ông bà nội mà còn thằng bé với người phụ nữ nào đó. Bỗng nhiên Giàu nhìn lên bàn thờ phía di ảnh của Muội rồi đột nhiên nói không rõ ràng.
«Thuốc chuột này mà bỏ vào nồi canh khoai mỡ chắc không ai biết đâu, vì màu sắc nó cũng gần tương đồng nhau». Chỉ là câu nói không rõ chủ ý ám chỉ ai, nhưng Vinh lại tái xanh mặt mày, quay về hướng khác như một kiểu tránh né.

Nói dứt câu thì một người đàn ông từ ngoài rẫy đi vào nói chuyện với Vinh. Đó là Viễn, người mà lúc trước Hoa đã thuê từ huyện để về canh rẫy cho gia đình. Mỹ Na nãy giờ ở trong buồng thu xếp đồ đạc chuẩn bị đi theo Viễn. Khi nó bước ra đứng cạnh bên Viễn, cô Út thấy kinh ngạc vì nó giống Viễn như một khuôn đúc ra. Út Giàu hỏi.

– Đang làm tốt tại sao lại nghỉ việc?

Viễn cười rồi trả lời.

– Nói ra thì mọi người cho rằng tôi nhát gan, mà tôi nhát thật. Đêm nào cũng mơ thấy các oan hồn. Mà nhất là tía má cô đó. Công nhận hai ông bà linh thiêng thật.

– Bộ anh làm gì có lỗi với lương tâm, có lỗi gì với gia đình này hay sao mà lại sợ.

Câu nói khiến Viễn chưng hửng xanh mặt, chính Út Giàu cũng chẳng biết tại sao mình có thể nói ra 2 câu ấy. Viễn nhìn lên bàn thờ bắt gặp đôi mắt dữ tợn của hai ông bà, rồi quỳ xuống xin tha.

– Đừng ám nữa. Cha con tôi sẽ rời khỏi đây ngay. Chúng tôi chưa lấy được gì của gia đình ông bà kia mà.

Cả 3 anh em kinh ngạc khi nghe Viễn nói. Hình như có một thế lực huyền bí nào đó đang đứng trước mặt Viễn xui khiến. Gã nắm lấy tay Mỹ Na chạy đi thật nhanh mà chưa kịp lấy tiền công sau thời gian giữ rẫy. Thì ra Hoa về làm dâu đã có một kế hoạch được sắp xếp dàn dựng trước đó. Họ âm mưu để chiếm đoạt tài sản của gia đình Vinh. Chuyện xảy ra cách đây hơn 15 năm, lúc đó Viễn làm công cho gia đình Hoa. Hai người có tình cảm với nhau rồi dẫn tới có thai. Biết cha mẹ Hoa sẽ ngăn cản vì Viễn thuộc con nhà nghèo. Vài ngày sau thì gia đình Vinh hỏi cưới và được cha mẹ Hoa chấp nhận. Hoa bàn bạc với Viễn, khi về làm dâu sẽ tạo cho Viễn một công việc, khi sinh ra Mỹ Na thì cho rằng đó là con Vinh. Dần dần sát hại từng thành viên trong nhà để chiếm trọn cơ nghiệp, rồi đón Viễn vào sống cùng hai mẹ con như một gia đình thực sự. Nhưng mưu mô ấy bị vỡ tan khi Quang cưới Muội về, vợ chồng Muội sắp có con trai. Nếu cháu nội là con trai thì tất cả tài sản này thuộc về vợ chồng Quang, đồng nghĩa với việc Hoa chẳng có gì. Trước tiên phải giết Muội, không thể để cho sinh con ra. Bằng cách bỏ thuốc diệt chuột vào canh khoai mỡ cho ăn dưới sự tiếp tay của Vinh. Vinh đã trở thành công cụ cho Hoa từ dạo đó mà chính anh cũng không hề hay biết. Hoa bàn với Vinh.

– Phải giết chết đứa bé trong bụng, nếu không tài sản này sẽ thuộc về vợ chồng nó. Chú Tư Quang sắp có con trai, mình thì có con gái, nhưng tía má lại dành tài sản cho ai có con trai nhiều hơn. Chẳng lẽ mình chịu thiệt sao?

– Nhưng giết đứa bé bằng cách nào?

– Dễ thôi. Mình còn thuốc diệt chuột vì trước đó dùng cho rẫy dưa. Tán nhuyễn ra bỏ vào canh khoai mỡ cho Muội ăn. Chắc chắn đứa bé trong bụng sẽ chết. Canh khoai mỡ có màu tím, thuốc chuột cũng gần có màu như tương tự, nên chẳng hay biết mà đề phòng.

– Còn cách khác không? Anh thấy ác quá? Lỡ đâu chết luôn Muội thì sao?

– Mình chỉ giết đứa trẻ trong bụng không ảnh hưởng gì tới Muội.

Vinh đi vào tán nhuyễn 1 viên thuốc chuột. Hoa thấy chưa đủ, nên dùng rất nhiều viên, mục đích là giết luôn Muội, vì đứa bé chết thì Muội có thể sinh tiếp tục, để Muội sống sẽ rất khó lấy tài sản, dù sao Muội cũng được ông Tấn ưu ái hơn. Hoa nói chỉ giết đứa bé là đánh lừa để Vinh thực hiện theo ý đồ. Mục đích của Hoa là tiêu diệt tận gốc. Sau khi bỏ thuốc vào canh, Hoa dặn Vinh phải ra ghe lấy dầu, chỉ chừa lại một ít. Như vậy Muội sẽ không được tới nhà thương cứu chữa. Nếu Quang và ông Tấn yêu cầu nhà chức trách khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân cái chết. Thì Vinh và Hoa sẽ phản đối cho rằng đứa trẻ còn trong bụng mẹ, không được mổ, hãy để nó yên, chắc chắn ông Tấn sẽ xiêu lòng, vì ông vốn dĩ rất thương cháu trai. Đúng như kế hoạch của Hoa đã dựng ra, Muội chết thật, ông Tấn cũng không yêu cầu khám nghiệm tử thi. Riêng Vinh thì có chút bàng hoàng khi biết Muội chết, vì anh chỉ muốn giết đứa bé. Dẫu sao Muội cũng là đứa em dâu rất tốt, hiếu thảo với cha mẹ chồng, sống luôn hòa thuận, đẹp lòng tất cả. Thôi! Xem như số Muội không may khi về làm dâu trong cái nhà này. Vinh bị Hoa lừa dối suốt một thời gian mà chính anh cũng không hề hay biết. Ngay bây giờ Vinh còn tưởng Mỹ Na chính là con ruột của mình. Chính Mỹ Na cũng không biết. Đã nhiều lần anh muốn Hoa phải sinh con, biết đâu đẻ ra con trai thì xem như cơ nghiệp này thuộc về mình. Nhưng lần nào Hoa cũng nói, bị sảy thai. Hoa thừa biết Vinh bị vô sinh. Hoa thường đem cơm ra cho Viễn mục đích là để quyến luyến ân ái. Khi đi cùng Vinh ra rẫy thì Hoa giả vờ gắt gỏng la mắng Viễn để đánh lạc hướng Vinh. Hoa muốn có thêm một đứa con trai với Viễn để sớm hoàn thành mục tiêu, nhưng mỗi lần mang cơm ra ái ân luôn thấy có một bà già mặc chiếc áo bông, ngồi trên xe lăn, đôi mắt nhìn Hoa trừng trừng! Hoa biết đó là má chồng. Có khi là một ông già có dáng nhỏ thó mặc bộ bà ba màu xám chống gậy bước vào lán trại, ông chỉ cây gậy vào mặt cô. Hoa hoàn toàn không biết người này, nhưng nhìn di ảnh trên bàn thờ gia tiên hình như đó là ông Tạ. Hoa sợ hãi hét lên xô Viễn ra rồi cắm đầu bỏ chạy. Từ đó về sau Hoa không dám lên nhà trên mà thắp nhang bàn thờ. Việc đó Vinh và Quang làm thay. Ai hỏi thì Hoa trả lời do tới chu kỳ kinh nguyệt nên không được phép. Hoa liên tục bị các vong hồn theo ám thậm chí giữa ban ngày. Có lần Hoa đang ngủ trưa, tỉnh giấc dậy ngồi trên giường vừa nhìn ra cửa sổ đã thấy mẹ chồng cô đứng đó từ hồi nào với nụ cười mỉa mai đầy bí ẩn. Có khi đi tắm xong soi gương để chải tóc, nhưng trong gương không phải là Hoa mà là má chồng đang đối diện nhìn cô. Có khi vừa mở cửa bước vào phòng đã thấy một ông già chống gậy đứng trước mặt.

Hoa đang ngủ thì nghe tiếng khóc cất lên oái oăm ngoài mùng. Nghiêng người nhìn ra thì giật mình vì thấy Muội mặc nguyên bộ đồ màu trắng tay bồng một đứa trẻ nhìn cô đăm đăm. Có một khi Hoa mở tủ quần áo tìm bộ đồ mới để đi đám cưới bên sông, nhưng khi vừa mở ra đã thấy Muội đứng bên trong lẫn số quần áo đang treo, trên tay vẫn bồng một đứa trẻ. Từ ấy Hoa không dám mở tủ đồ, nếu cần thì sai Mỹ Na. Có hôm Hoa nằm mơ thấy mình đi ra nhà kho, cửa vừa mở đã thấy đứa trẻ trần truồng ngồi trên con ngựa gỗ lúc la lúc lắc. Bỗng nhiên nó quay đầu lại lấy tay chỉ chỉ vào mặt cô, miệng nở nụ cười ghê rợn. Như một kiểu ám chỉ «Này bà kia! Tôi đã biết hết sự thật! Bà đã bị bắt quả tang». Khi giật mình tỉnh giấc không thể nào dám đối diện vì Hoa đang đứng trước nhà kho cánh cửa đã mở sẵn bao giờ. Hóa ra đây không phải mơ mà nó là sự thật. Hoa hoàn hồn bỏ chạy nhanh vào nhà, tới lan can đã gặp thằng bé lúc nãy đứng trước mặt mình. Nó giơ ra con búp bê đã bị mất cái đầu rồi đưa tay chỉ về Hoa, rồi chỉ vào con búp bê miệng cười haha. Hoa chạy nhanh vào phòng khóa cửa, leo lên giường lấy mền trùm kín người. Hoa nhớ ra đây là con búp bê mà năm ấy đã mua cho Mỹ Na tại Sài Gòn. Nhưng khi mua về Mỹ Na sợ không dám chơi, búp bê giống hệt một đứa trẻ, khi đặt nằm xuống thì nó nhắm mắt, dựng lên thì mở mắt y chang như người. Mỹ Na sợ rồi khóc, thế là Hoa tháo luôn cái đầu con búp bê để khi chơi con không sợ mà khóc nữa. Riêng về con ngựa bằng gỗ là năm ấy 2 người thợ mộc đến đóng đi văng cho má chồng, gỗ còn dư nên họ đẽo gọt thành con ngựa cho Mỹ Na chơi.

Giết Muội xong, Hoa trở nên điên loạn rồi lao xuống sông tự vẫn, có thể bị oan hồn Muội xui khiến. Như vậy là kế hoạch chiếm tài sản của Hoa đã bị thất bại. Tài sản gia đình nhà này sẽ không thuộc về người ngoài. Đã nhiều lần Quang thấy Vinh 12 giờ khuya ra quỳ lạy lẩm bẩm trước bàn thờ gia tiên, mà chẳng biết đó là lý do gì. Khi Tía còn sống những phút cuối đời, ông hoàn toàn ghẻ lạnh với Vinh giống như đã biết được sự thật. Việc ông không cho Hoa nằm trong phần mộ gia đình là được bà báo mộng. Vinh và Hoa chính là thủ phạm gây ra những biến cố trong gia đình.

Khi sự thật đã được vén màn. Quang và út Giàu đau lòng lắm, căm phẫn hành vi của người anh ruột vì tham lam mà tiếp tay với người ngoài để sát hại gia đình. Nhưng Vinh cũng là nạn nhân của Hoa. Đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Quang đi vào trong lấy chiếc hộp bằng đồng mà lúc sống tía anh đã trao. Quang đưa cho Vinh rồi nói.

– Đây là tất cả tài sản của gia đình tía đã đưa cho tôi, bây giờ anh cứ lấy.

Vinh khóc lóc thảm thiết rồi nói trong nước mắt.

– Tôi lấy làm gì nữa.

Khuya đó Vinh lặng lẽ đi ra phần mộ của gia tộc. Sáng sớm người đi làm đồng phát hiện Vinh đã treo cổ tự tử. Kỳ lạ hơn là Vinh chết trong tư thế quỳ gối. Mặt đối diện với mộ của Muội và tía má anh. Như vậy là vợ chồng của cô Út phải ở lại thêm vài ngày nữa để lo đám tang cho Vinh. Bây giờ người ta bắt đầu đồn thổi về gia đình của Quang đặc biệt là căn nhà đầy chết chóc. Chỉ trong một thời gian mà đã có tới 5 người chết. Họ còn truyền tai nhau, trên lầu 2 có một bóng ma áo trắng trên tay bồng đứa con, mặt hướng ra phía đường. Xuất hiện luôn cả ban ngày. Bóng ma ấy là Muội ẩn hiện liên tục, người ta đi ngang vô tình nhìn lên lầu rồi bỗng khiếp vía bỏ chạy thục mạng. Có khi bóng ma bồng con ngồi trên ngọn tre, ngọn dừa. Hàng đêm tiếng ru con nghe rùng rợn hết cả một xóm nhỏ. Không những vậy mà còn tiếng hát kèm tiếng khóc, có khi tiếng cười, người ta sợ tới nỗi trùm mền kín mít. Không ai dám đi ngang qua nhà ông Tấn kể cả ban ngày. Nghe nhiều người đồn Quang cũng cảm thấy nhà mình có điều gì đó rất huyền bí, mặc dù anh chưa thấy qua. Nhưng anh nhớ lại lúc nhỏ khoảng 9, 10 tuổi, chị cả Phú dắt qua nhà hàng xóm chơi. Khi 2 chị em về, Quang thấy bên hông nhà mình có một toán lính, mặt người nào người nấy trắng tựa thoa phấn. Họ nhìn chỉ một hướng, không quan tâm đến sự có mặt của hai chị em trước cổng. Họ không chớp mắt, cũng không nói chuyện. Quang nắm tay chị cả Phú rồi hỏi.

– Ủa mấy chú lính đó làm gì mà đứng bên hông nhà mình nhiều quá vậy chị cả?

Chị Phú nhìn theo hướng tay chỉ của Quang rồi hỏi lại.

– Mấy chú nào? Có ai đâu?

– Có mà! Mặt họ trắng bóc, họ đứng theo hàng. Đó! Họ đang nhìn chị em mình mà không chớp mắt kìa.

Bỗng nhiên chị Phú la em.

– Đừng chỉ tay…đừng chỉ… vào nhà…vào nhanh thôi.

– Họ là ai vậy chị cả? Sao lại ở trong khu nhà mình.

Chị Phú chẳng trả lời mà kéo tay Quang chạy vào nhà thật nhanh. Vào tới nơi chị thở hổn hển rồi nói.

– Họ là ma quỷ đấy.

Rồi một lần Quang và chị 2 Quý trốn Tía Má đi lên xóm trên để coi cải lương vì nghe có kép hát nổi tiếng về phục vụ. Khi vãn tuồng 2 chị em ra về, lúc đi ngang cái trường học mà 2 ngày trước đã bị pháo kích và ném bom dữ dội. Quang thấy có rất nhiều học sinh mặc áo trắng đứng trong sân trường. Quang hỏi chị 2 Quý – «Giờ này mà sao học sinh đến trường sớm vậy chị hai». Chị Quý lắc đầu không biết vì chị hoàn toàn không thấy ai, chỉ là một đống đổ nát đầy ngổn ngang. Quang nhìn vào thấy có một người khoảng tuổi mình, đầu nghiêng sang một bên miệng nở nụ cười, đưa tay vẫy vẫy Quang vào. Nghe Quang nói chị Quý cũng thấy sợ đến ớn lạnh sống lưng. Chị nói «Em đưa mặt sát xuống đất, nhìn xem chân của họ có chạm đất hay không?». Vì trước đó chị hai Quý có nghe má nói «Đi ban đêm mà thấy người nào bất thường, hãy dí mặt sát xuống đường để xem chân họ có chạm đất hay không! Nếu không chạm thì đó là ma quỷ. Nếu có thì là người bình thường». Nghe chị Quý nói Quang làm theo thì tất cả đám học sinh ấy chân không chạm đất. Quý kéo tay em đi thật nhanh vì biết đó là những bóng ma học sinh đã mất vì đợt pháo kích vừa rồi.

Từ đó cho tới lớn Quang không thấy qua lần nào nữa. Cũng không biết 2 lần gặp đó có phải là ma hay không? Nhưng khi ông Tấn đào ao thả cá, bắt gặp có rất nhiều xương người, báo cơ quan chính quyền họ đến khai quật thì lộ ra trên 30 bộ hài cốt của lính Pháp nằm ở sau lưng đất nhà. Bây giờ nghe nhiều người đồn Quang cũng cảm thấy tin nhiều hơn là ngờ. Nhưng cũng bối rối chẳng biết thực hư ra sao. Vì đã có một lần Quang đang ngủ thì trời quá nóng, anh đi sau nhà để hóng mát, vừa ngồi xuống thì bỗng nhiên giật mình vì trước mặt là bóng người áo trắng không có đầu cứ bay qua bay lại, lấp ló bên bụi chuối. Sáng đó Quang đi ra đánh răng thì chép miệng cười thầm, vì cái đêm qua anh thấy chỉ là chiếc áo dài trắng của Mỹ Na đi học về rồi giặt từ chiều hôm qua. Đương nhiên áo dài trắng thì không thể có đầu, bay qua bay lại là do trời nổi gió. Cũng có thể người ta nhìn nhầm rồi tưởng tượng ra ma nên đồn thổi. Đó là những chuyện đã qua Quang nhớ lại.

Tối nay Quang nằm chiêm bao có một giấc mơ lạ. Thấy trước nhà anh có những bóng người lờ mờ, Quang và Út Giàu ra xem những người đó là ai, khi trời sấm chớp nháy đỏ thì gương mặt họ hiện ra rất rõ ràng. Trước mặt là Tía má đang ngồi ghế, sau lưng ông bà là Muội đứng bồng con. Giống y hệt cách chuẩn bị chụp hình gia đình. Rồi hai ông bà biến mất, riêng Muội còn ở lại, một lát sau Muội thả đứa bé xuống rồi cũng biến mất theo. Đứa bé đi tới ôm lấy chân Quang, bỗng nhiên Út Giàu đưa tay ra để bồng. Cô Út bồng nó trên tay, tự dưng thằng bé tan dần vào người của cô! Thật khác với cách biến mất của Tía má và Muội.

Vài tháng sau Út Giàu sinh con. Trước đêm đó cô mơ thấy đứa bé cháu của mình. Cô ôm nó vào lòng, đặt lên cái bụng bầu như những lần trước, đứa bé nằm ngoan ngoãn. Khi giật mình tỉnh giấc lúc 4h sáng cô nghe chuyển bụng. Năm Thuận tức tốc đưa tới bệnh viện để sanh. Cô sinh con trai, đứa bé đúng 3 ký lô. Nhìn ngắm đứa con hồi lâu Út Giàu nở nụ cười đầy hạnh phúc, vì gương mặt thằng bé chính là đứa cháu ruột của cô. Như vậy là thầy bói mù đã tiên đoán đúng: cháu nội đầu lòng là con trai, nhưng nó cũng là cháu ngoại. Nó là đây.

Khi Quang có dịp đi Sài Gòn rồi ghé lại Gò Công thăm mẹ con cô Út. Giàu bồng con ra cho cậu Tư thăm, thằng bé đưa mắt nhìn Quang rồi nói «Ba! Con là Sang đây». Quang tá hỏa vì nó mới sinh có được vài tháng thì làm sao có thể nói chuyện. Quang ấp úng nói không nên lời.

– Cô Út. Đứa bé nó…nó…

Út nở nụ cười rồi ôn tồn nói.

– Nó là con anh với chị Muội đó. Bây giờ là con của em. Sau này phải thương nó như con nhé.

Nhưng Quang sợ mình đi đường xa mệt rồi nghe lầm, yêu cầu đứa bé nói lại lần nữa. Nhưng nó im bặt như không hề biết nói.

Một thời gian sau có một ông sư từ núi Sam xuống đây để tìm mua đất dựng chùa. Thấy nhà của Quang có một mảnh đất kèm với căn nhà khá bí ẩn. Nó không giống bất cứ nơi nào khác: Sư thầy hỏi Quang: «Tính từ đời cha mẹ trở xuống, có ai mất vào đúng tuổi 74 mà là phụ nữ không»? Quang ngơ ngác kinh ngạc trả lời «Dạ có! Là má tôi! Nhưng sao thưa thầy?». Sư thầy đáp «Bà đã dính một loại bùa nghe của người Cao Miên. Không những vậy, căn nhà này đã bị trấn yểm cách đây vài năm, có phải gia đình vừa có đại tang». Quang hốt hoảng, nhưng kịp lấy lại bình tĩnh rồi trả lời: «Trấn yểm ư! Tôi không tin đâu, vì nhà tôi đâu có thù oán gì với ai? Vậy thì ai đã trấn yểm và bỏ bùa mẹ tôi». Sư thầy cười rồi lắc đầu «Anh có quyền không tin, nhưng hãy tìm quanh 4 góc nhà có đào chôn vật gì đó không? Đây là một loại bùa nó khiến gia đình sớm diệt vong». Quang đi theo sư thầy vô trong đào xuống 4 góc nhà khoảng nửa mét thì đều có 4 chiếc gương, có vẽ chữ ngoằn ngoèo khó hiểu. «Thưa sư! Vậy là thế nào? Ai đã bỏ bùa má tôi và trấn yểm cái nhà này?». Sư thầy đáp ngắn gọn «Là một phụ nữ tuổi dưới 40 năm, nhưng cũng đã qua đời». Quang khó hiểu hỏi thêm «Thưa sư bây giờ phải giải quyết sao?». Sư cười rồi chậm rãi nói «Phải đập vỡ hết 4 chiếc gương này, rồi đem tất cả mảnh vỡ mang đi chôn ở một nơi khác, như vậy là đã hóa giải.» Quang ríu rít làm theo, rồi cũng sực nhớ ra, thuở sinh thời má anh thường ra huyện để bốc thuốc ở nhà của Hoa. Thời gian sau trở thành bệnh nhân quen thuộc, Hoa biết bà là người giàu có vợ ông Tấn ở dưới xã. Có một lần bà mời Hoa về nhà chơi, chẳng biết lý do gì qua ngày sau thì bà thúc giục Vinh phải đi cưới Hoa cho bằng được. Có lẽ má anh đã dính bùa từ đó. Riêng về cái nhà bị trấn yểm, có lẽ Hoa muốn mọi người chết hết để sớm thực hiện thành công mưu đồ.

Sư ngỏ ý muốn mua lại cái nhà của Quang đang ở. Quang đồng ý tặng xem như công đức, sẵn đó gửi tất cả di ảnh của những người đã khuất trong gia đình, nhằm nghe kinh Phật mỗi ngày để giảm bớt nghiệp chướng. Quang cho phần gia đình mình xảy ra những chuyện không may một phần cũng do sát sinh mà ra. Quang về ở làm nhà ở mảnh đất rẫy. Dự định sau này chị Phú, chị Quý có về Việt Nam sống thì Quang dùng số tài sản của gia đình sẽ chia đều ra tất cả, có luôn phần của Út Giàu. Không phân biệt trai hay gái như tía má lúc sinh thời, anh quan niệm con nào cũng là máu mủ. Kể từ khi ấy cái căn nhà cổ màu trắng từ thời Pháp đã không còn. Thay vào là một ngôi chùa có tên Hiếu Tự, thật tĩnh lặng an yên, hàng ngày tiếng chuông vang vọng bên dòng sông yên ả, người ta lui tới lễ Phật rất đông đúc. Cũng từ đó không còn ai nghe tiếng hát, tiếng ru con của Muội. Hình ảnh bóng ma bồng con đã trôi vào dĩ vãng trả lại cuộc sống đầy bình yên như chưa có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Hết.

Truyện ngắn kinh dị của Quang Nguyễn



Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *