Việt Nam là một quốc gia có nhiều loại gia vị phong phú, đa dạng và bổ dưỡng. Những loại gia vị được người Việt sử dụng thường xuyên là tỏi, nghệ, gừng, hạt tiêu, ớt, sả, quế, đinh hương, hoa hồi…

Trong số các loại gia vị Việt Nam trồng được, có một loại gia vị đắt đỏ bậc nhất thế giới – đó chính là bạch đậu khấu.

Theo báo Mỹ Business Insider, bạch đậu khấu là loại gia vị đắt thứ ba trên thế giới, sau saffron (nhụy hoa nghệ tây) và vani. Chỉ 100 gram bạch đậu khấu có giá khoảng 9 USD, tức là một kg có giá khoảng 90 USD (2,3 triệu đồng).

Việt Nam có loại gia vị đắt bậc nhất thế giới, chỉ hơn 10 nước trồng được: Đặc tính dược liệu ấn tượng- Ảnh 1.

Bạch đậu khấu là loại gia vị đắt thứ ba trên thế giới.

Không phải tự nhiên mà bạch đậu khấu có giá cao như vậy trên thị trường. Đây là loại thực vật đã được chứng minh là có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Lợi ích sức khỏe của bạch đậu khấu

Theo chuyên trang y tế Mỹ Healthline, bạch đậu khấu được cho là có đặc tính dược liệu ấn tượng và đã được sử dụng trong y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ. Dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về các lợi ích này.

  1. Hạ huyết áp

Bạch đậu khấu có thể hỗ trợ điều trị cao huyết áp. Một nghiên cứu trên 20 người trưởng thành mới được chẩn đoán cao huyết áp cho thấy sau 12 tuần dùng 3g bột bạch đậu khấu mỗi ngày, huyết áp của họ đã trở về mức bình thường. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này là nhờ lượng chất chống oxy hóa cao trong bạch đậu khấu – mức độ chất chống oxy hóa của người tham gia đã tăng đến 90%. Ngoài ra, bạch đậu khấu còn có thể có tác dụng lợi tiểu, giúp loại bỏ nước dư thừa trong cơ thể, góp phần làm giảm huyết áp.

  1. Có thể chống lại tế bào ung thư

Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy bạch đậu khấu có thể làm tăng hoạt động của các enzyme chống ung thư và hỗ trợ tế bào miễn dịch tiêu diệt khối u. Ví dụ, trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho hai nhóm chuột tiếp xúc với một hợp chất gây ung thư da và cho một nhóm ăn 500 mg bạch đậu khấu xay trên một kg trọng lượng mỗi ngày. Kết quả, ở nhóm ăn bạch đậu khấu, chỉ 29% chuột phát triển ung thư da, so với hơn 90% ở nhóm không ăn.

Ngoài ra, thí nghiệm trong ống nghiệm còn cho thấy bạch đậu khấu có thể ngăn tế bào ung thư miệng nhân lên. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu trên chuột và ống nghiệm, chưa thể khẳng định hiệu quả tương tự ở người.

Việt Nam có loại gia vị đắt bậc nhất thế giới, chỉ hơn 10 nước trồng được: Đặc tính dược liệu ấn tượng- Ảnh 2.

Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy bạch đậu khấu có thể làm tăng hoạt động của các enzyme chống ung thư và hỗ trợ tế bào miễn dịch tiêu diệt khối u.

  1. Chống viêm và bảo vệ khỏi bệnh mạn tính

Bạch đậu khấu chứa nhiều hợp chất có khả năng chống viêm, đặc biệt hữu ích trong việc phòng ngừa các bệnh mạn tính. Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất bạch đậu khấu có thể ức chế các hợp chất gây viêm và giảm viêm gan. Ở người, việc bổ sung bạch đậu khấu cũng làm tăng đáng kể lượng chất chống oxy hóa.

  1. Hỗ trợ tiêu hóa và chữa loét dạ dày

Bạch đậu khấu từ lâu đã được dùng trong y học cổ truyền để hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn và đau bụng. Nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất bạch đậu khấu có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa loét dạ dày. Ngoài ra, bạch đậu khấu cũng có thể chống lại vi khuẩn Helicobacter pylori, nguyên nhân chính gây loét dạ dày. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nghiên cứu trên người.

  1. Có thể giúp hạ đường huyết

Ở chuột, bạch đậu khấu giúp giảm đường huyết sau khi ăn chế độ nhiều chất béo và tinh bột. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên người bị tiểu đường type 2 cho thấy bạch đậu khấu không có hiệu quả cải thiện đường huyết như quế. Do đó, tác dụng hạ đường huyết ở người vẫn chưa rõ ràng.

  1. Một số lợi ích tiềm năng khác

Ngoài các công dụng chính trên, bạch đậu khấu còn có thể mang lại các lợi ích khác, dù hiện mới được nghiên cứu chủ yếu trên động vật:

  • Bảo vệ gan: Chiết xuất bạch đậu khấu có thể giảm men gan, mỡ máu và ngăn gan nhiễm mỡ.
  • Giảm lo âu: Có khả năng giảm lo âu nhờ tăng chất chống oxy hóa trong não.
  • Hỗ trợ giảm cân: Một nghiên cứu trên phụ nữ tiền tiểu đường cho thấy bạch đậu khấu giúp giảm nhẹ vòng eo.

Tóm lại, bạch đậu khấu là một loại gia vị không chỉ tạo hương vị đặc trưng mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng. Dù phần lớn các nghiên cứu hiện mới thực hiện trên chuột hoặc trong ống nghiệm, kết quả ban đầu rất hứa hẹn. Cần thêm các nghiên cứu trên người để xác định chính xác tác dụng và liều lượng sử dụng an toàn và hiệu quả.

Bạch đậu khấu ở Việt Nam và trên thế giới

Ở Việt Nam, bạch đậu khấu mọc tự nhiên và được trồng chủ yếu ở các khu vực có khí hậu mát như Cao Bằng, Lào Cai…, báo Dân Trí đưa tin.

Việt Nam có loại gia vị đắt bậc nhất thế giới, chỉ hơn 10 nước trồng được: Đặc tính dược liệu ấn tượng- Ảnh 3.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trồng được bạch đậu khấu.

Theo thông tin từ sách Handbook of Herbs and Spices (Sổ tay Thảo mộc và Gia vị), viết bởi các chuyên gia từ Viện nghiên cứu gia vị Ấn Độ, bạch đậu khấu là một trong số ít các nhóm thực vật tự nhiên có nguồn gốc từ các khu rừng mưa nhiệt đới ở miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka, và từ đây lan rộng ra các quốc gia nhiệt đới khác.

“Ấn Độ từng là nước sản xuất và xuất khẩu bạch đậu khấu chính cho đến những năm 1980, trước khi Guatemala vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Các quốc gia trồng bạch đậu khấu khác bao gồm Tanzania, Sri Lanka, El Salvador, Việt Nam, Lào, Campuchia và Papua New Guinea”, trích thông tin từ Handbook of Herbs and Spices.

Ngoài ra, theo thông tin từ Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (một tổ chức chính phủ Hà Lan), bạch đậu khấu còn được sản xuất tại Nepal, Indonesia, Bhutan, và Malaysia…

Như vậy, qua thống kê ban đầu, có thể thấy chỉ có hơn chục quốc gia trồng được loại gia vị đắt đỏ này.

Bạch đậu khấu là mặt hàng xuất khẩu giá trị lớn của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu bạch đậu khấu, nhục đậu khấu của Việt Nam tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm 2024, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA). Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ.

Hiện có khoảng hơn 30 thị trường nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, trong đó Hà Lan, Mỹ và Anh là 3 thị trường lớn nhất. Trong quý đầu năm, 3 thị trường này tiếp tục nhập khẩu số lượng lần lượt 240 tấn, 125 tấn và 122 tấn.

 





Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *