Nhắc đến miền Tây Nam Bộ là nhắc đến những con người chân chất, phóng khoáng, hiếu khách, nhân ái và đặc biệt trọng tình nghĩa, điều thể hiện đậm nét trong văn hóa và phong tục tập quán nơi đây, trong đó có tục chuẩn bị mâm cơm chiến sỹ trong các lễ cúng, giỗ.

Bà con cho biết, đây là mâm cơm dành riêng cho những người lính đã ngã xuống, những anh hùng liệt sỹ hy sinh vì nền độc lập của đất nước, sự bình yên và hạnh phúc của đồng bào.

Không rõ gia đình nào soạn mâm cơm cúng chiến sỹ đầu tiên và từ bao giờ, nhưng từ nhiều thập kỷ qua, nghi thức ấy đã trở thành một phần không thể thiếu của các gia đình miền Tây vào những ngày giỗ, Tết, thành phong tục, thành truyền thống tốt đẹp được bà con duy trì, tiếp nối.

Mâm cơm chiến sỹ là một biểu hiện sống động nhất của đạo lý uống nước nhớ nguồn mà người Việt Nam luôn trân trọng, thể hiện tình thương yêu và biết ơn đối với những con người hiến máu xương cho đất nước, cho mảnh đất quê hương, trong đó có rất nhiều chiến sỹ chưa tìm thấy hài cốt, không được thờ cúng đàng hoàng.

Sự thật xúc động về mâm cơm chiến sỹ trong lễ giỗ của người miền Tây - Ảnh 1.

Mâm cơm chiến sỹ là nghi thức thể hiện lòng biết ơn và đạo lý truyền thống của dân tộc.

Sự thật xúc động về mâm cơm chiến sỹ trong lễ giỗ của người miền Tây - Ảnh 2.

Mâm cơm dành riêng cho các vong linh chiến sỹ. (Ảnh: Mocaho)

Trong các đám giỗ hay dịp lễ Tết, các gia đình miền Tây thường chuẩn bị mâm cơm chiến sỹ rất thịnh soạn, đủ đầy với các món ăn truyền thống của từng địa phương. Tùy theo vùng miền mà bà con chuẩn bị những món đặc trưng, đa dạng, trong đó các món phổ biến là cá kho tộ, canh chua, gỏi ngó sen hay bánh xèo…

Một số gia đình đặt thêm chén muối, chén gạo lên mâm với ý nghĩa cầu mong các vong linh luôn được đủ đầy và ấm no ở thế giới bên kia; hay bày thêm các lễ vật như hoa, trái cây, đèn nến để mâm cúng trở nên trang trọng hơn. Gia chủ thành tâm thắp nhang, mời các anh hùng liệt sỹ về thụ hưởng.

Sự thật xúc động về mâm cơm chiến sỹ trong lễ giỗ của người miền Tây - Ảnh 3.

Mâm cơm chiến sỹ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn gắn liền với lòng hiếu nghĩa.

Sự thật xúc động về mâm cơm chiến sỹ trong lễ giỗ của người miền Tây - Ảnh 4.

Mâm cơm chiến sỹ thường được đặt trang trọng trước cửa nhà và gia chủ thành kính thắp nhang. (Ảnh: Dongdia_94)

Khác với các mâm cúng thông thường, trên mâm cơm cúng chiến sỹ thường bày rất nhiều bát cơm, mỗi bát đi kèm một đôi đũa đặt ngay ngắn phía trên hoặc bên cạnh như một cách biểu hiện sự kính cẩn và trang nghiêm.

Anh Long, 22 tuổi, một người dân miền Tây, chia sẻ: ” Bà tôi bảo, các anh hùng liệt sỹ đông lắm, yêu thương nhau lắm, có khi rủ nhau về rất đông để tụ họp cho ấm áp, nên các con phải đặt thật nhiều chén cơm hơn mâm cúng thường. Mâm cơm cần được dọn lên bàn lớn trước cửa, ngoài thềm vì có khi họ ngại vào, bày phía đó cho tiện”.

Thực ra không chỉ có miền Tây, nhiều địa phương cũng có những mâm cúng tương tự dù cách gọi có thể khác. Mâm cơm chiến sỹ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn gắn liền với lòng hiếu nghĩa, trọng nghĩa tình, giúp giáo dục con cháu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đây là dịp để các thế hệ sau nhớ về công ơn của những người đi trước, những người đã ngã xuống để chúng ta có cuộc sống hôm nay.



Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *