Đó là trường hợp bệnh nhân V.T.H. (60 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM). Theo bệnh sử, trước khi nhập viện, ông H. bị lao phổi, đái tháo đường, tăng huyết áp. Khi đang ngủ tại nhà thì đột ngột ho ra máu lượng nhiều. Bệnh nhân đã được chuyển đến một bệnh viện tại huyện Củ Chi cấp cứu.
![](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/12/bv-3559-6986-1739351287366-1739351288022920896914.jpg)
Các bác sĩ can thiệp nút động mạch phổi giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định người bệnh gặp phải tình trạng ho ra máu “ sét đánh ”. Thời điểm nhập viện, ông H. trong tình trạng mệt, thở yếu, máu vẫn tiếp tục bắn ra theo các cơn ho. Bệnh nhân nhanh chóng thực hiện biện pháp cầm máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Các kết quả kiểm tra cho thấy, người bệnh bị thiếu máu mức độ nặng, tăng sinh động mạch phế quản hai bên phổi kèm tụ dịch nhầy trong lòng phế quản gốc và các phế quản thùy dưới phổi phải. Khi các bác sĩ đang hội chẩn thì người bệnh tiếp tục ho ra máu lượng nhiều và rơi vào nguy kịch.
Kết quả chụp X-quang phổi tại giường ghi nhận bệnh nhân bị tổn thương rất nặng ở đỉnh phổi cả hai bên. Tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn khiến người bệnh rơi vào nguy kịch. Ngay sau đó, người bệnh được truyền máu bổ sung và được chỉ định can thiệp nội mạch để cầm máu tại vị trí phổi bị tổn thương.
Ê kíp các bác sĩ đã thực hiện phương pháp nút động mạch phế quản thông qua can thiệp nội mạch dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch máu xóa nền DSA. Bệnh nhân đã được tắc động mạch phế quản 2 bên, cầm máu thành công. Ngày 12/2, sau can thiệp người bệnh đã không còn bị ho ra máu, sức khỏe dần bình phục, có thể tự ăn uống, sinh hoạt bình thường.
![](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/12/set-danh-3904-2049-1739351288724-17393512888212092838449.jpg)
Sau can thiệp, sức khỏe của người bệnh đang bình phục tốt
Từ trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo, ho ra máu sét đánh là tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được. Máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở, sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp trong thời gian ngắn, trụy tuần hoàn và bệnh nhân có thể tử vong. Ho ra máu sét đánh thường gặp ở những người mắc bệnh lao phổi , giãn phế quản, bất thường mạch máu phổi…
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người bệnh có tình trạng ho ra máu, người ứng cứu cần ổn định tư thế cho bệnh nhân, để bệnh nhân nằm nghỉ tuyệt đối, tránh vận động, đi lại. Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và cấp cứu cầm máu kịp thời.