Bộ Y tế mới đây thông tin, trong năm 2024, cả nước ghi nhận gần 290.000 ca mắc cúm mùa. Tình trạng mắc bệnh cúm đã giảm so với năm 2023 nhưng lại tăng thêm nhiều trường hợp tử vong. Nhiều bệnh viện ở Hà Nội cũng thông báo số bệnh nhân nhập viện do biến chứng bệnh cúm gia tăng ngay sau Tết.
Trước tình hình đó, việc phòng tránh, điều trị bệnh cúm cần được chú trọng. Nhất là khi nhiều người vẫn coi bệnh cúm là bệnh xoàng, chủ quan trong điều trị, có thể dẫn đến biến chứng phải nhập viện, tử vong. Vậy, chẳng may bị cúm thì cần lưu ý gì trong dùng thuốc để nhanh khỏi bệnh lại an toàn sức khỏe?
![Bệnh cúm lan rộng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện: Uống thuốc trị cúm cần lưu ý gì để an toàn, nhanh khỏi?- Ảnh 1. Bệnh cúm lan rộng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện: Uống thuốc trị cúm cần lưu ý gì để an toàn, nhanh khỏi?- Ảnh 1.](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/7/luu-y-uong-thuoc-tri-cum1-17388386966261976705292-1738849380609-1738849382479447620271-1738896674846-173889667505885109778.jpg)
1. Không tự ý dùng thuốc
Cúm là bệnh thường gặp ở mọi độ tuổi, giới tính. Đa số thường điều trị bằng thuốc tại nhà khi xuất hiện triệu chứng bệnh mà không có chỉ định của bác sĩ.
Điều này có thể khiến tình trạng bệnh cúm trở nên tồi tệ, rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Do đó, lời khuyên cho bạn là không tự ý uống thuốc khi bị bệnh cúm. Nếu có dấu hiệu bệnh cúm thì nên tìm đến bác sĩ kiểm tra, uống thuốc theo sự tư vấn từ người có chuyên môn.
Lưu ý, hiện chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh cúm. Các loại thuốc được chỉ định chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, giúp người bệnh dễ chịu hơn nên nhất định cần ý kiến của bác sĩ.
2. Lựa chọn thuốc điều trị triệu chứng khi bị cúm
– Nhóm thuốc giảm sốt, đau họng, đau đầu: Thường được sử dụng là Paracetamol (hay Acetaminophen). Đây là thuốc khá an toàn giúp giảm đau, giảm sốt hiệu quả, không cần kê đơn chỉ cần hướng dẫn liều dùng. Thuốc được chia liều uống cho trẻ em và người trưởng thành, liều dùng dựa trên cân nặng của mỗi cá nhân. Thông thường cần dùng thuốc cách nhau 4-6 giờ. Người bệnh cần đảm bảo sử dụng thuốc đúng liều và khoảng cách giữa các lần hợp lý.
![Bệnh cúm lan rộng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện: Uống thuốc trị cúm cần lưu ý gì để an toàn, nhanh khỏi?- Ảnh 2. Bệnh cúm lan rộng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện: Uống thuốc trị cúm cần lưu ý gì để an toàn, nhanh khỏi?- Ảnh 2.](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/7/luu-y-uong-thuoc-tri-cum2-17388386966446586663-1738849385135-17388493857221543707932-1738896675543-1738896675620962239156.jpg)
– Nhóm thuốc giảm triệu chứng nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi: Thường là thuốc co mạch, dưới dạng nhỏ mũi như xylometazolin, Naphazolin… Thuốc nhỏ thường được chỉ định dùng trong 3-5 ngày sau khi bị cảm cúm. Bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định, sử dụng kéo dài có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ như viêm mũi, phù nề, đau đầu, khả năng ngửi kém.
– Nhóm thuốc giảm ho: Nếu tình trạng ho ít, ho nhẹ thì không nhất thiết phải sử dụng thuốc giảm ho. Nếu ho nhiều, ho thường xuyên, đau rát cổ họng, khó chịu thì thuốc giảm ho sẽ được chỉ định. Thuốc chứa thành phần codein hay dextromethorphan điều trị hiệu quả các trường hợp ho khan. Thuốc chứa decolgen, atussin, rhumenol… điều trị ho khan kèm theo sổ mũi, ngạt mũi. Thuốc giảm ho như dextromethorphan chứa hoạt chất kháng histamin như fexofenadine, chlorpheniramine gây buồn ngủ, mất tập trung, không nên lái xe khi uống thuốc.
– Nhóm thuốc long đờm: Nhóm thuốc long đờm có thể kể đến gồm: Ambroxol, Bromhexin, Acetylcystein… Thuốc có tác dụng phụ như khiến chất nhầy bảo vệ dạ dày loãng ra gây viêm loét dạ dày, gây khởi phát các cơn co thắt phế quản, gây hoa mắt,chóng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tăng men gan, buồn ngủ… nên cần dùng theo hướng dẫn, kê toa của bác sĩ.
– Nhóm thuốc kháng histamin: Có 3 loại là H1, H2, H3. Thuốc histamin hiện khá phổ biến và đang bị nhiều người lạm dụng mà chưa hiểu rõ hết tác dụng của thuốc. Do đó, nhóm thuốc này bắt buộc cần có sự tư vấn của bác sĩ, nhất là những người có bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, cho con bú…
![Bệnh cúm lan rộng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện: Uống thuốc trị cúm cần lưu ý gì để an toàn, nhanh khỏi?- Ảnh 3. Bệnh cúm lan rộng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện: Uống thuốc trị cúm cần lưu ý gì để an toàn, nhanh khỏi?- Ảnh 3.](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/7/luu-y-uong-thuoc-tri-cum3-1738838696650456921581-1738849386417-1738849386613351139485-1738896676015-1738896676082977473755.jpg)
3. Không tự ý dùng thuốc kháng virus
Nhiều người thấy mình có dấu hiệu bệnh cúm là ngay lập tức mua thuốc kháng virus sử dụng. Điều này vô cùng sai lầm. Thuốc kháng virus dùng trong các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng hoặc có các yếu tố nguy cơ.
Trong đó, Tamiflu (oseltamivir phosphate) và relenza (zanamivir) là 2 loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các chủng virus cúm lưu hành hiện nay. Khi sử dụng bắt buộc cần có sự tư vấn của bác sĩ.
4. Đi khám ngay nếu sau 7 ngày dùng thuốc tình trạng không giảm hoặc tái sốt
Thông thường, người bệnh cảm cúm chỉ cần được chăm sóc và uống thuốc đầy đủ, đúng liều, đúng loại theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ khỏi bệnh sau 3-5 ngày.
Nếu sau 7 ngày, người bệnh không giảm hoặc tái sốt thì cần đến ngay các cơ sở y tế, vì có thể bệnh nhân đã bị bội nhiễm vi khuẩn hoặc gặp những biến chứng khó lường khác.
![Bệnh cúm lan rộng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện: Uống thuốc trị cúm cần lưu ý gì để an toàn, nhanh khỏi?- Ảnh 4. Bệnh cúm lan rộng, nhiều người gặp biến chứng phải nhập viện: Uống thuốc trị cúm cần lưu ý gì để an toàn, nhanh khỏi?- Ảnh 4.](https://sohanews.sohacdn.com/160588918557773824/2025/2/7/luu-y-uong-thuoc-tri-cum4-17388386966701566997803-1738849387193-1738849387366895162638-1738896676527-17388966766081381511236.png)
5. Không dùng nhiều loại thuốc điều trị cúm cùng lúc
Người bệnh cúm có thể sử dụng nhiều loại thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, một số loại thuốc chứa nhiều hoạt chất, người bệnh có thể vô tình dùng quá liều một số chất nhất định.
Lời khuyên cho bạn là không dùng nhiều loại thuốc điều trị cúm cùng lúc. Tốt nhất nên dùng thuốc thưo sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải tình trạng này.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm – biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.
7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,… cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.