Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không nên mù quáng tin vào các dịch vụ tâm linh trên mạng xã hội. Ảnh: Cục An toàn thông tin
Đầu năm, nhiều người với mong muốn biết trước tai ương để phòng tránh, hay tò mò về tương lai nên có thói quen đi xem bói, nhưng không ít trường hợp rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Phán hay nhưng chẳng “linh”
Bói bài tây, bài tarot; xem tử vi, chỉ tay để kiểm tra vận hạn, đường công danh, tình duyên, con cái… là cách mà nhiều đối tượng tự xưng là cô đồng, thầy bói “online” kiếm tiền từ người dùng mạng xã hội trong những năm qua, đặc biệt là những ngày đầu năm mới.
Chỉ cần nhập từ khóa “coi bói online”, “giải hạn online” trên các nền tảng mạng xã hội sẽ hiện ra hàng loạt thông tin quảng cáo về dịch vụ này. Có những trang web, tài khoản mạng xã hội thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi, chia sẻ.
Ngoài các bài viết, không ít thầy bói online còn livestream để xem bói hữu duyên cho những người đang theo dõi buổi phát trực tiếp của họ. Ai có nhu cầu chỉ cần để lại thông tin hoặc nhắn tin riêng, thầy bói online sẽ trả lời ngay tức thì. Với những giao dịch có phí, người xem cần phải chuyển khoản trước thì thầy mới xem, kéo theo đó nhiều chuyện bi hài.
Cách đây 2 năm, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, anh T.Đ.T. (Thạch Thất, Hà Nội) chủ động tìm đến thầy bói “online” với mong muốn xem tình duyên. Qua tìm hiểu trên Facebook, anh T. chủ động kết nối với cô gái trẻ, được nhiều người tung hô, quảng cáo là “người có đôi mắt âm dương”, “xem bói chuẩn nhất”.
“Ngay sau tin nhắn đầu tiên, người tự xưng là “cô đồng” ấy đã chủ động báo giá 300 nghìn/lượt xem kèm số tài khoản. Người này chỉ yêu cầu tôi cung cấp tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, không biết mặt, không xem chỉ tay nhưng có thể phán một cách lưu loát trong 30 phút về số phận trong tương lai của tôi, bao giờ có vợ, xây nhà, sắm xe hơi. “Cô” phán cuối năm tôi có vợ mới, mà đến nay 37 tuổi rồi vẫn một mình, không hiểu sao ngày ấy lại cứ tin răm rắp”, anh T. cho hay.
Trong vai người có nhu cầu xem bói, phóng viên đã liên hệ với một tài khoản mạng xã hội TikTok có tên “Cô Đồng B.T.” để tìm hiểu “tương lai”. Sau khi được tư vấn về những dịch vụ nghe chừng khá uy tín, thì phóng viên được cung cấp bảng giá với con số từ vài trăm đến vài chục triệu đồng… Theo giải thích của “Cô Đồng B.T.”, đây là các khoản phục vụ cho việc mua trái cây, nhang đèn, giúp việc xem bói, giải hạn được… “linh ứng” hơn.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, dịch vụ xem bói online ngày càng nở rộ. Chỉ cần một tài khoản mạng xã hội, một tài khoản ngân hàng cùng thông tin cá nhân thì chẳng cần phải đến tận nơi, nhiều người vẫn có thể xem bói với đa dạng hình thức, từ bói chỉ tay, bói bài, bói bổ cau, đến xem tử vi, xem tuổi…
Tất nhiên, giá tiền dao động tùy thời gian xem bói, độ uy tín của các “cậu”, các “cô”. Trên nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, các tài khoản, clip của “thầy bói online” luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của hàng trăm nghìn người dùng mạng xã hội.
Nếu trước kia, người xem bói trực tiếp chỉ tiếp cận với một số người nhất định thì thầy bói online có thể tiếp cận với hàng nghìn, hàng triệu người, vì thế, nếu có hành vi truyền bá mê tín dị đoan thì hậu quả cũng lớn hơn gấp bội.
Nhiều hội, nhóm coi bói online nở rộ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Cảnh giác chiêu trò lợi dụng tâm linh
Bên cạnh hình thức xem bói, giải hạn online, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân, vừa lôi kéo, vừa dụ dỗ và quảng cáo rằng có thể phù phép vào các loại vật phẩm như vòng đeo tay, bột sa ngải, bùa chú… nhằm bán kiếm lời. Nắm bắt được tâm lý mê tín lại nhẹ dạ cả tin của khách hàng, nhiều người còn hét “giá trên trời”, nhưng vẫn khiến nhiều người “mắc câu”.
Theo thông tin ghi nhận từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, lợi dụng yếu tố tâm linh khi vào dịp đầu năm, nhiều người đi khấn bái với mong muốn năm mới bình an, phát tài, tình trạng xem bói online trên mạng xã hội liên tục nở rộ, các hội nhóm này có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia.
Lợi dụng việc một số người đang bế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống thực, dẫn đến mù quáng tin vào những yếu tố tâm linh, các đối tượng lừa đảo sẽ “tát nước theo mưa”, dùng những lời lẽ đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và mong muốn được giải hạn. Nhiều người phải bỏ ra những khoản tiền lớn để giải hạn hoặc cầu vật chất, thậm chí có những trường hợp còn làm bùa, ngải để hãm hại người khác…
Chiêu thức lừa đảo của nhóm đối tượng qua dịch vụ tâm linh gồm bói toán, xem tử vi, giải hạn, cầu tài lộc, tư vấn mua “lá bùa” cầu tài lộc, giải hạn… thường là lập ra nhiều fanpage giới thiệu dịch vụ xem bói online chuẩn, xem bói miễn phí, se duyên, xem tay biết ngay số mệnh, di cung hoán số, cắt tiền duyên, livestream…
Bằng hình thức quảng cáo rầm rộ với đủ mọi dịch vụ tâm linh, các trang web, tài khoản mạng xã hội về nội dung này đã thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt người theo dõi.
Một số tài khoản còn tự xưng là “cậu”, “cô”, quảng cáo có năng lực đặc biệt, luận giải được mọi vận hạn của đời người thông qua các đường chỉ tay, tướng mạo. Và những dịch vụ tâm linh này còn bị một số kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan và đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân…
Để phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo liên quan đến các dịch vụ tâm linh vào dịp đầu năm, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng không nên quá mù quáng tin vào hình thức liên quan đến tâm linh trên mạng xã hội.
Người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác danh tính đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên mạng xã hội; nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Người dùng mạng xã hội cũng cần hết sức tỉnh táo, không chia sẻ, tham gia các hội, nhóm liên quan tới mê tín dị đoan, cảnh giác trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa bản sắc dân tộc… để trục lợi.
Cuối tháng 10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Quận 5, TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Thị Thu Trang (SN 1990, trú tại Quận 5) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cơ quan điều tra, Trang sử dụng mạng xã hội Facebook, TikTok với các nick name như: Phan Thu Trang, Phong Thủy Tâm Linh – Phan Thu Trang, rồi đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và bán các vật phẩm phong thủy.