Giá vàng nhẫn chính thức xóa đỉnh cũ trong lịch sử
Giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn tròn trơn đã tăng vọt qua mốc 90 triệu đồng/lượng và tiệm cận mốc 91 triệu đồng/lượng vào đầu giờ giao dịch sáng ngày 4/2 (tức ngày mùng 7 tháng Giêng).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng nhẫn đạt cột mốc 90 triệu đồng/lượng. Đỉnh mới 90,55 triệu đồng/lượng hiện tại của giá vàng nhẫn đang cao hơn gần 800.000 đồng so với đỉnh cũ 89,8 triệu đồng/lượng thiết lập hôm 31/10/2024.
Ghi nhận thị trường ngày 4/2 có thể thấy, trên nhiều tuyến phố kinh doanh vàng tại Hà Nội, cảnh tượng người dân xếp hàng dài chờ mua vàng đã bắt đầu xuất hiện, dù còn hơn hai ngày nữa mới đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng).
Lý giải cho việc này, một người dân sống ở quận Thanh Xuân cho biết, anh sợ đúng ngày vía Thần Tài đi mua vàng sẽ đông nên đi mua trước. “Tôi dự tính mua ít vàng đầu năm để lấy may. Nhưng giá vàng đang tăng cao quá, tôi đã rất băn khoăn và cuối cùng đi về, không xếp hàng mua vàng nữa”, người dân này cho hay.
Còn theo chị Lan (quận Hai Bà Trưng): “Năm nay tôi không mua vàng vào ngày Thần Tài nữa, kinh tế khó khăn vì các cơ quan công sở đang trong giai đoạn cắt giảm và cơ cấu nhân sự, chưa biết tương lai sẽ thế nào. Năm ngoái vừa mua vào ngày Thần Tài thì hôm sau đã lỗ ngay mấy triệu, giờ tiền mặt có chút, tôi cũng phải giữ cẩn thận”.
Theo cảnh báo của giới chuyên gia, người dân không nên đổ xô đi mua vàng dịp ngày vía Thần Tài, bởi giá vàng thường bị đẩy lên quá cao trong những ngày này. Nhưng trên thực tế, khảo sát tại các cửa hàng vàng, người dân vẫn xếp hàng để chờ mua vàng.
Chia sẻ với báo giới, đại diện Bảo Tín Minh Châu cho hay, vào những ngày đầu năm Ất Tỵ 2025, lượng người mua vàng tăng lên rõ rệt. Thực tế, lượng giao dịch vài tháng gần đây cũng rất đông. Theo ghi nhận của doanh nghiệp này ngày mùng 7 Tết, lượng khách đến giao dịch tăng 10 – 20% so với trước Tết, do giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh.
“Ngày khai xuân mùng 6 Tết, chúng tôi phải giới hạn số lượng mua vào do lượng người đến bán trước đó rất thấp. Thế nhưng, hôm nay công ty bán ra không giới hạn số lượng do lượng người bán chốt lời đã tăng cao và nguồn cung vàng vì thế tăng theo”, vị đại diện này nói.
Mua vàng lấy may ngày vía Thần Tài dưới góc nhìn của chuyên gia
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thức cho biết: Trong tín ngưỡng dân gian Việt, Thần Tài được tin là vị thần chủ quản, ban phát tiền tài, của cải, đem lại vận may nên được thờ phụng, đặc biệt là giới thương nhân. Bàn về nguồn gốc, nhiều nhà nghiên cứu đã từng đưa ra nhận định, tục này bắt nguồn từ Trung Quốc, rồi lan tỏa sang một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam qua con đường tiếp biến, giao lưu văn hóa.
Tuy nhiên, cần nói thêm rằng tự thuở sơ khai, mong ước về sự no đủ, về tiền tài, về may mắn, hạnh phúc… trong cuộc sống luôn là khát vọng thường trực của nhân loại. Theo đó, qua văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, chúng ta còn thấy được các hình thức thờ cúng Thần Tài của một số cộng đồng, dân tộc khác cũng không kém phần đặc sắc, như tục thờ Ngũ Bộ Thần Tài của người Tây Tạng hay tục thờ Bố Đại La Hán (Angada), nữ thần Lakshmi của người Ấn Độ…
Vị chuyên gia này cho rằng, tùy thuộc từng địa phương và quan niệm tín ngưỡng mà danh vị cụ thể của các thần trong bộ Thần Tài này còn có sự dịch chuyển, thay thế hoặc phối thêm những vị Thần Tài khác để tạo thành các bộ biến thể, như trường hợp xuất hiện của Thần Tài Phạm Lãi (thời Xuân Thu), Thần Tài Tử Cống (học trò của Khổng Tử, nổi tiếng về buôn bán), Lưu Hải Thiền (Đạo sĩ phái Toàn Chân (thời Ngũ Đại), được tôn là Thần Tài vì truyền thuyết cho rằng ông có thể giẫm lên một con cóc vàng (thiềm thừ) mà khiến nó nhả ra tiền)…
Ở Việt Nam, tín ngường thờ cúng Thần Tài có lẽ được định hình và tồn tại độc lập tương đối muộn nhưng rất độc đáo về tín niệm, đa dạng về hình thức. Qua bước chuyển đổi tôn giáo mạnh mẽ vào khoảng cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, tín niệm về Thần Tài của người Việt đã dung hội với tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài của người Hoa để có bước định hình rõ nét hơn và lan tỏa ra phạm vi cả nước. Hòa cùng nhịp phát triển của kinh tế – xã hội, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, dạng ban thờ Thần Tài được lập riêng, với đầy đủ tượng pháp, đa dạng về phong cách đã xuất hiện tương đối phổ biến trong các hộ, cửa hàng, cửa hiệu buôn bán, kinh doanh, công ti, xí nghiệp, nhà máy…
Trong tín ngưỡng thờ thần, ngày vía thần được hiểu là ngày thần giáng sinh hoặc ngày thần hóa hoặc ngày thần đắc đạo. Theo đó, các lễ nghi, hội lệ lớn gắn với tục thờ thần của các cộng đồng, cơ bản đều được tổ chức vào ngày vía thần. Người Trung Quốc thường cúng vía Thần Tài vào ngày 5 tháng Giêng, còn ở nước ta, vía thần lại là ngày mùng 10 tháng Giêng, trùng với ngày vía Đất (quan niệm truyền thống: mùng 9 cúng Trời, mùng 10 cúng Đất).
“Có lẽ, đây là hệ quả tất yếu của quá trình lịch sử chuyển đổi về thân phận, phương thức sản xuất, nghề nghiệp và tư duy kinh tế của một bộ phận cư dân vốn thuộc căn cốt nông nghiệp chuyển sang hoạt động thương nghiệp, dịch vụ, kinh doanh thương mại trong cơ cấu kinh tế xã hội nước ta ít nhất cũng đã trải qua hàng thế kỷ qua. Song hành với nó là quá trình chuyển đổi tâm thức tín ngưỡng thờ thần bảo hộ – Từ Thần Đất chuyển sang thờ Thần Tài của nhóm cộng đồng này”, ông Thức lý giải.
Cũng theo ông Thức, bằng chứng cụ thể là trong tâm thức tín ngưỡng dân gian về Thần Đất hoặc tại các am, miếu, ban thờ Thần Đất, vai trò của đất, tức Thần Đất đối với nguồn tài nguyên, tiền tài vẫn được khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Thổ năng sinh bạch ngọc/Địa khả xuất hoàng kim” (Đất sinh ra ngọc trắng/Đất ban tặng vàng ròng). Hay, trên nhiều bài vị được đặt trong ban thờ Thần Tài hiện nay vẫn sơn son mạ vàng ghi rõ thông điệp (chữ Hán): Ban thờ này thờ Thần Tài của chủ đất trước và Thần Tài của chủ đất sau; chư vị Long thần Ngũ phương và các vị Long thần Ngũ thổ; các vị tiên cô, tiên hữu. Kính mong và hàm ơn các vị ban cho báu vật, tiền tài, may mắn, bình an…, cho được ở nơi địa linh, nhân kiệt.
“Rõ ràng, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế – xã hội và giao lưu tiếp biến, dung hội văn hóa, kế thừa nền tảng truyền thống của văn hóa tín ngưỡng thờ Đất, văn hóa tín ngưỡng thờ Thần Tài ở nước ta đã và đang từng bước được định hình và độc lập, góp phần làm phong phú thêm bức tranh muôn màu, muôn vẻ về đời sống tín ngưỡng của cộng đồng, xã hội.
Trong quá trình này, tất yếu sẽ phát sinh những nút thắt, điểm nghẽn cần sớm được cơ quan, đơn vị chức năng gỡ bỏ, khơi thông. Chẳng hạn như hiện tượng tâm lý “khát vàng”, “săn vàng” bất chấp rủi ro trong ngày vía Thần Tài mong lấy khước cầu may ở một bộ phận dân chúng gần đây, vô tình đã tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp lợi dụng kích cầu, thổi giá kinh danh vàng trục lợi, gây bất ổn thị trường như truyền thông, báo chí đã đưa tin…”, ông Nguyễn Thức nhấn mạnh.