Thôn Phong Trạch cũ nay là thôn Phong Kim thuộc xã An Phú, Nam Sách. Ảnh: VĂN TUẤN

Trạng nguyên Phạm Duy Quyết là người thôn Phong Kim, xã Phú Điền cũ, nay là xã An Phú, huyện Nam Sách.

Sách “Các nhà Khoa bảng Việt Nam 1075-1919” do Ngô Đức Thọ chủ biên, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1993 chép: “Ông sinh năm Tân Tỵ (1521) dưới triều vua Lê Chiêu Tông (1516- 1522).

Phạm Duy Quyết mồ côi cha từ nhỏ. Cảnh nhà nghèo, có người mẹ hiếu học, quyết tâm tìm cách cho con đến trường học chữ . Ngày con đến lớp học khai tâm, bà giết bò làm lễ thần phật, gia tiên và làm lễ biếu thầy.

Khi mới sinh, cậu bé Quyết được đặt tên là Ưởng. Khi đi học, thầy giáo đổi tên là Phạm Duy Quyết. Thầy chọn chữ Quyết vì có chữ ngọc (玦 ) ở bên, dụng ý sau này đứa bé được quý như viên ngọc vậy.

Miếu thờ thần linh trên khu mả Trạng của thôn Phong Trạch cũ. Ảnh: VĂN TUẤN

Phạm Duy Quyết có hiếu, sáng dạ. Học một biết mười, vượt lên chúng bạn, nổi tiếng trong vùng. Đi chăn trâu với bạn, ban đầu cậu bị những đứa lớn bắt nạt, coi thường vì côi cút. Nhưng cậu sáng dạ, nhớ lâu, lại có duyên kể chuyện.

Cậu kể chuyện Tam quốc vanh vách, đến đoạn Quan Vân Trường bị thua trận, đang tạm theo Tào Tháo, biết tin về Lưu Bị, người anh kết nghĩa còn sống nên kiên quyết đi tìm. Quan Vân Trường đã bí mật đưa hai chị dâu vượt ngàn trùng hiểm nguy, qua 5 cửa ải, chém 6 tướng của Tào Tháo để tìm về với Lưu Bị, giữ trọn lời thề kết nghĩa vườn đào… thì các bạn há hốc mồm. Từ đấy càng nể phục cậu.

Một lần khác, Quyết chăn bò về, phải qua một cánh đồng, có lăng mộ thân nhân của người trọc phú trong làng. Ông ta là người hợm hĩnh, hống hách cho dựng tấm biển “hạ mã” (xuống ngựa) đặt ở hai đầu đường, có ý là người cưỡi ngựa qua đây phải xuống dắt bộ qua khu mộ mới được đi tiếp.

Thấy cậu bé đứng thẳng trên lưng bò đi qua, trọc phú sai gia nhân bắt giữ và quát hỏi:

– Mày có biết phạm tội gì không?

Cậu bé trả lời:

– Tôi không biết.

– A, thằng này hỗn. Mày không nhìn thấy tấm bia hạ mã này à?

Cậu nhảy xuống đất giả vờ:

– Nhưng hạ mã là thế nào?

– Là xuống ngựa, dắt ngựa qua đây để tỏ lòng kính trọng với cụ tổ nhà ta.

Quyết cười sằng sặc:

– Thế thì ông sai rồi. Tôi là mục đồng. Từ thượng cổ đến giờ, mục đồng nào mà không cưỡi trâu, cưỡi bò? Không cưỡi mới ngu. Mà ông đề bia xuống ngựa chứ có cấm cưỡi bò đâu. Thôi, tôi về đây kẻo mẹ tôi chờ.

Vừa nói cậu vừa nhảy phắt lên lưng bò. Con bò cong đuôi chạy đi. Lão nhà giàu uất tận cổ vì đuối lý, lại còn bị nói cạnh khóe là ngu.

Khu mộ tổ dòng họ Phạm ngày nay luôn được các con cháu trong dòng họ trông nom, chăm sóc. Ảnh: VĂN TUẤN

Phạm Duy Quyết ham học từ lúc chưa đến lớp.

Một lần, dắt bò đi chăn, lúc ngang qua lớp học tại gia, nghe có tiếng giảng bài hay quá, cậu cho bò dừng lại ngoài ngõ lắng nghe. Bài giảng nói về người con hiếu đễ với cha mẹ. Chuyện ông Lục Tích ở bên Tàu, mẹ nghèo nuôi con ăn học, sau này thành danh, được mời dự tiệc. Trên bàn có nhiều loại quả quý, ông nhớ tới mẹ nên nhân lúc không ai để ý đã lấy một quả quýt giấu vào ống tay áo mang về cho mẹ. Lúc từ biệt gia chủ, trong khi thi lễ, quả quýt lăn ra. Ông chẳng hề thẹn mà thưa thực như thế. Gia chủ khen là người có hiếu.

Vì mải nghe giảng bài, cậu quên cả việc dắt bò đi chăn. Bò ra ngoài vườn, ăn gần hết vạt khoai lang của người trong làng. Bà chủ vườn khoai la lối om sòm bắt đền. Biết chuyện, người mẹ không giận, chỉ thương con. Mẹ đến van vỉ bà hàng xóm:“Tôi mong bác tha cho cháu. Cũng chỉ vì quá mải mê nghe giảng mà thành sự này. Cảnh nhà nghèo, tôi chẳng có tiền đền bù cho bác, có chục trứng gà biếu bác để tỏ lòng thành nhận lỗi”.

Sách “Các nhà Khoa bảng Việt Nam 1075 -1919”

Thuở đi học, Quyết học giỏi, thơ phú đối đáp rất sắc sảo. Có lần đến giúp việc nhà thầy, gặp một người bạn của thầy đến chơi. Biết là trò cưng của bạn mình, ông khách hỏi:

– Đây là Phạm Duy Quyết, còn có tên là Ưởng phải không? Ta nghe trong dân gian đặt lời sấm trạng rằng: “Chí Linh trạng bảng, phi Hãng tắc Ưởng”. Nếu quả thế thì thật phúc. Nay ta có vế đối này, trò đối lại cho chúng ta nghe nhé: Trượng phu chí khí tương kỳ, vật dĩ tiểu hiềm giới ý (Có nghĩa là: Chí khí đấng trượng phu, chớ để ý những điều nhỏ nhặt).

Quyết đáp ngay:

– Đế vương thi vị khí tượng, tất hữu đại quá ư nhân(Có nghĩa là: Khí tượng bậc đế vương, ắt có cái to lớn hơn người).

Ông khách nghe xong cười ha hả:

– Hay lắm, đấy là tư tưởng của bậc đại khoa danh.

Thông minh, học giỏi nhưng Phạm Duy Quyết lận đận thi cử. Khi đã ngoài 30 tuổi, ông vẫn còn long đong lều chõng.

Mãi đến khoa thi Nhâm Tuất, niên hiệu Quang Bảo 9, đời vua Mạc Phúc Nguyên (1562) ông mới đỗ trạng nguyên ở tuổi 42.

Phạm Duy Quyết làm quan liêm chính, giản dị, kiệm cần, được triều đình nể phục. Ban đầu ông được phong là Đông Các đại học sĩ, sau là Tả thị lang, thăng Thượng thư Bộ Lại. Sau cùng được triều đình phong tước Xác Khê hầu.

Có lần về quê, thấy con đường nhỏ quá lại lầy lội. Dân chúng nhiều người đi qua đoạn này ngã trọng thương. Ông tâu triều đình cho dân làng đắp con đường từ Xác Khê qua huyện Thanh Lâm cho đến bến đò Hoàng Kênh. Dân gian gọi là “Dặm Tiều”, có ý đoạn đường cho kẻ nghèo kiếm củi đi qua. Mãi sau dân gian vẫn nhớ câu: “Thứ nhất thì dặm bà Hoa, thứ nhì dặm Liệt, thứ ba dặm Tiều”. Dặm bà Hoa ở huyện An Dương, phủ Kinh Môn. Dặm Liệt ở huyện Phù Cừ, phủ Hạ Hồng. Còn Dặm Tiều chính là con đường xưa về quê cụ Thượng cũng chính là Trạng nguyên tuổi Tỵ, Phạm Duy Quyết.

THIÊN GIA TRANG



Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *