Không chỉ đẹp dịu dàng và có mùi thơm, hoa giấy sakura còn mang nhiều ý nghĩa phong thuỷ tốt đẹp nên rất được yêu thích trong những năm trở lại đây.
Hoa giấy sakura hay còn gọi là hoa giấy Nhật Bản, hoa giấy phớt hồng. Đây là giống hoa giấy được săn đón nhiều trong những năm trở lại đây không chỉ do giá trị thẩm mỹ mà còn vì ý nghĩa phong thủy tốt đẹp.
Hoa giấy sakura có màu hồng phớt rất đẹp mắt. (Ảnh: Hội mê hoa giấy).
Hoa giấy sakura là dạng cây bụi, thân gỗ, cành trơn, ít gai, thường được trồng thành giàn. Lá thường có màu xanh biếc, kích thước nhỏ, dày hơn so với lá những loại hoa giấy khác.
Bông hoa giấy sakura to, cánh hoa dày, khi mới nở có màu xanh nhạt sau đó chuyển dần sang màu hồng. Ở đầu cánh hoa có mầu hồng đậm, sau đó nhạt dần vào trong nhuỵ, tạo thành màu hồng phớt giống như hoa anh đào của Nhật Bản.
Vào mùa nở rộ, hoa giấy sakura toả ra mùi thơm nhẹ. Ưu điểm của loài này là có hoa quanh năm, chịu được thời tiết giá lạnh của miền Bắc.
Ý nghĩa phong thuỷ của hoa giấy sakura
Trong vài năm trở lại đây, hoa giấy sakura được ưa chuộng, nhiều người ưu ái gọi là “nàng tiên của thế giới hoa giấy”. Theo quan niệm phong thuỷ, hoa giấy sakura là biểu tượng của sự tái sinh. Hoa giấy sakura cũng có ý nghĩa là sự tươi mới và hy vọng, đại diện cho sự bắt đầu mới, cơ hội mới.
Ngoài ra, trong một số nền văn hoá, hoa giấy sakura còn biểu tượng của tình yêu, là sợi dây liên kết cảm xúc lãng mạn.
Hoa giấy sakura đang được rất nhiều người yêu thích. (Ảnh: Hội mê hoa giấy).
Cách trồng hoa giấy sakura
Hoa giấy sakura dễ trồng, dễ chăm sóc và có thể chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng hay lạnh giá. Tuy nhiên, cây hoa giấy sakura khó phát triển trong điều kiện quá khô hạn hay úng nước.
Nếu trồng hoa giấy sakura trong vườn, nên chọn vị trí cao, thoát nước tốt, đất thịt màu mỡ. Nếu trồng trong chậu, nên trộn đất với một ít mùn dừa, trấu, phân hữu cơ để đất tươi xốp, dễ thoát nước, giàu dinh dưỡng.
Hoa giấy sakura có những yêu cầu đặc biệt về việc chăm sóc. (Ảnh: Hội mê hoa giấy)
Không giống như các loài hoa giấy khác, hoa giấy sakura không cần phải ngắt nước hay để đất cằn mới ra hoa. Cây hoa giấy sakura cần chế độ chăm sóc hợp lý, đầy đủ nước. Người trồng nên tưới đẫm cây ngày một lần khi trời nắng nóng, hoặc 2 – 3 ngày một lần nếu trời râm mát.
Cây hoa giấy hợp mệnh nào?
Cây hoa giấy là sự lựa chọn hoàn hảo cho người mệnh Hỏa. Màu sắc của hoa giấy thường rất sặc sỡ, đặc biệt là màu đỏ và tím, thể hiện sự nhiệt huyết, đam mê và sức sống mạnh mẽ. Người ta cho rằng người mệnh Hỏa trồng hoa giấy sẽ phát triển tài lộc và kích thích năng lượng tích cực trong công việc.
Cây hoa giấy cũng rất hợp với người mệnh Thổ. Màu sắc vàng hoặc cam của hoa giấy có thể giúp tăng cường sự ổn định, vững chãi và may mắn cho người mệnh này. Đặc biệt, cây hoa giấy mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên, được cho là giúp người mệnh Thổ cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Đối với người mệnh Kim, cây hoa giấy là một trong những sự kết hợp tốt. Màu sắc vàng sặc sỡ của hoa giấy và sự cứng cáp của người mệnh Kim tạo nên một sự cân bằng. Người mệnh Kim sẽ tận dụng được sức sống mãnh liệt của cây hoa giấy để thúc đẩy sự nghiệp và tài lộc.
Cây hoa giấy cũng thích hợp cho người mệnh Mộc. Màu sắc của hoa giấy thường mang lại sự tươi mới, sinh động, điều này giúp người mệnh Mộc có thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống. Ngoài ra, cây hoa giấy còn tạo nên không gian sống gần gũi, thư giãn cho người mệnh Mộc.
Cây hoa giấy không phải là lựa chọn hoàn hảo nhất cho người mệnh Thủy, nhưng nếu biết cách kết hợp, họ vẫn có thể trồng cây này. Những người mệnh Thủy trồng thêm các cây hợp mệnh như kim ngân, phát lộc, tùng la hán trong nhà để cân bằng năng lượng với hoa giấy, đem lại sự thuận lợi trong công việc.
(*) Một số thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.
Theo VTC News
Xem link gốc
Ẩn link gốc
https://vtcnews.vn/y-nghia-phong-thuy-cua-hoa-giay-sakura-ar920327.html