Quyết định đầy dũng cảm của người mẹ
Vào tháng 7/2016, anh Trịnh Đình Vàng (ở Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội) bị ngã từ trên sân thượng xuống đất. Dù sau đó đã được đưa đến Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu nhưng do bị chấn thương quá nặng, anh Vàng đã chết não, không thể cứu được.
Tại thời điểm đó, bà Cấn Thị Ngần (sinh năm 1960, ở Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội) mẹ anh Trịnh Đình Vàng đã đưa ra quyết định dũng cảm và đầy nhân văn là hiến tạng của con trai. Nghĩa cử cao đẹp của bà Ngần đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
“Lúc đó, tôi vẫn mong có một phép màu đến với con trai. Thế nhưng đã không có phép màu nào xảy ra, dù đau đớn nhưng tôi phải chấp nhận sự thật. Bác sĩ có hỏi tôi và gia đình rằng có muốn làm nhân đạo không. Tôi cũng có sự lưỡng lự”, bà Ngân tâm sự.
Nén nỗi đau con sẽ ra đi mãi mãi, bà Ngần đã quyết định hiến tạng con để mang lại sự sống cho những người khác.
Đêm 27/7/2016, bà Ngần đã đồng ý ký vào giấy hiến tạng con trai. Với quyết định này, các bác sĩ đã lấy: trái tim, lá gan, 2 quả thận, 2 giác mạc để ghép cho 6 người có các chỉ số phù hợp nhất.
Tại thời điểm năm 2016, quyết định của bà Ngần được đánh giá là đầy dũng cảm. Do thời điểm đó mọi người vẫn chưa hiểu rõ về hiến tạng nên bà Ngần cũng đã phải chịu không ít điều tiếng.
Nhiều người đã đàm tiếu và hỏi những câu khiến bà Ngần đau lòng như: “Đêm nằm ngủ có thấy con về đòi trả lại tạng hay không?” hay như “Bán tạng con được bao nhiêu tiền?”.
Nhưng bà tự an ủi bản thân rằng mình làm việc nhân văn, không có gì hổ thẹn.
Bà Ngần biết rằng con trai bà đã ra đi như một “người hùng”.
Tôi có thêm 5 người con
Theo bà Ngần, dù mất đi anh Vàng nhưng bà có thêm nhiều người con khác. Những người nhận tạng của anh Vàng đã tìm gặp bà Ngần như để thông báo rằng con trai bà vẫn đang còn hiện hữu, vẫn đang sống từng ngày.
“Ngày Nguyễn Nam Tiến (người nhận tim) tìm tới gia đình tôi, tôi đã ôm chặt lấy Tiến, nín thở nghe từng nhịp đập trái tim và khóc nấc lên vì hạnh phúc. Trong vô thức tôi bất giác gọi “Con ơi, con vẫn còn sống trở về với mẹ sao”. Tiến cũng nghẹn ngào rơi nước mắt và gọi tôi một tiếng mẹ”, bà Ngần xúc động nhớ lại.
Theo thời gian, dân làng cũng hiểu được những việc nhân văn mà bà Ngần đã làm. Những lời đồn thổi bà bán tạng cũng không còn nữa.
Trong ngày giỗ đầu của anh Trịnh Đình Vàng, 5 người nhận tạng đều đến nhà bà Ngần. Tất cả đều mong muốn gọi bà một tiếng “Mẹ!”.
Cả 5 người giờ đây đã coi nhau là anh em một nhà vì mỗi người đều đang mang trong mình một phần cơ thể của anh Vàng.
“Tôi mừng lắm vì dù con đã ra đi nhưng trái tim con vẫn còn đập, mắt của con vẫn giúp người khác được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Hơn thế nữa, con luôn hiện hữu bên mẹ”, bà Ngần xúc động nói.
Kể từ đó, mỗi năm cứ vào ngày 27/7, mọi người đều có mặt đầy đủ ở nhà “mẹ Ngần” cùng nhau làm giỗ cho anh Vàng. Điều này giúp bà Ngần phần nào nguôi ngoai đi nỗi nhớ con.
Bà Ngần tâm sự khi thấy “các con” thường xuyên về thăm hỏi, bà cũng lo mọi người dị nghị về vấn đề “trả ơn”, cho tiền. Vì vậy, 8 năm qua bà Ngần chưa từng nhận của “các con” một đồng.
“Ngày giỗ, các con về thắp hương cho Vàng, làm lễ xong tôi cũng xin trả lại hết, chỉ nhận chút hoa quả gọi là tấm lòng. Có lần tôi gửi lại phong bì nhưng các con không nhận, lúc về tôi lại cho con ít quà quê và để tiền ở dưới, khi họ về tới nhà tôi mới gọi điện thông báo”, bà Ngần nói.
Là một người mẹ chân quê, bà Ngần tâm niệm rằng mình làm điều thiện, giúp đỡ mọi người bằng cái tâm chứ không vụ lợi. Tình cảm 5 người con nhận tạng của anh Vàng dành cho bà chính là điều thiêng liêng, cao quý nhất mà dù có tiền cũng chưa chắc đã mua được.
Bà Ngần chỉ mong muốn 5 người con sẽ luôn khỏe mạnh, sống hạnh phúc. Vì bà biết anh Vàng không mất đi. Trái tim con vẫn đập, ánh mắt con vẫn nhìn cuộc sống và thận con vẫn khỏe mạnh chỉ là trong cơ thể của một người khác mà thôi.