Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, xuất tiết nhiều đờm dãi qua ống nội khí quản.

Gia đình bệnh nhi cho biết, khi bệnh nhi đang chơi cầu trượt, dây mũ áo của bé đã vướng vào cầu trượt và thắt ngang cổ khiến trẻ ngạt thở. Khoảng 10 phút sau trẻ mới được phát hiện. Lúc này trẻ đã trong tình trạng tím tái, ngừng thở.

Ngay lập tức, trẻ được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngừng tuần hoàn và đặt nội khí quản. Sau đó, trẻ được chuyển đến Khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã được cấp cứu, hồi sức tích cực. Tuy nhiên, hiện tại bệnh nhi có tiên lượng rất nặng nề, suy hô hấp, suy chức năng đa cơ quan, nguy cơ di chứng thần kinh do thời gian ngừng tuần hoàn ngoại viện kéo dài, gây thiếu oxy lên não.

 - Ảnh 1.

ThS.BS Ngô Mạnh Kha cùng các bác sĩ khoa Điều trị tích cực Nội khoa đang theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân.

BSCKII. Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong trường hợp trẻ không may bị dây rút làm ngạt thở, phụ huynh hoặc người giám sát trẻ cần gọi cấp cứu 115, đồng thời thực hiện ngay các biện pháp sơ cấp cứu cơ bản:

– Mở thông đường thở bằng ngửa đầu, nâng cằm.

– Thổi ngạt 2 lần.

– Hồi sức tim phổi: Mọi người cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực 30 nhịp theo các bước sau: Đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng, quỳ xuống phía bên trẻ. Đặt tay vuông góc với lồng ngực, dùng 2 ngón tay với trẻ dưới 12 tháng, dùng 1 bàn tay với trẻ nhỏ và dùng 2 tay với trẻ lớn/người lớn. Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 – 1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 – 120 lần/phút. Thực hiện chu kỳ 30 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt liên tục cho đến khi trẻ tỉnh hoặc có nhân viên y tế đến.

Theo bác sĩ Hùng, khu vui chơi trẻ em là địa điểm để trẻ em vui chơi và phát triển thể chất. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ nếu không được giám sát và thiết kế an toàn. Để giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc, việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích là vô cùng cấp thiết đối với gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Qua trường hợp bệnh nhi 3 tuổi trên, bác sĩ Hùng liệt kê các nguy cơ và liên quan đến dây rút trên quần áo trẻ em như sau:

– Ngạt thở hoặc siết cổ: Dây rút ở mũ hoặc cổ áo có thể siết vào cổ khi trẻ chơi hoặc mắc vào thiết bị như cầu trượt, xích đu.

– Bị kẹt hoặc mắc dây: Dây rút có thể mắc vào cửa, thang máy, hoặc các thiết bị vui chơi, gây tai nạn hoặc kéo trẻ ngã.

– Té ngã: Dây rút dài ở quần có thể quấn vào chân hoặc mắc vào vật cản khi trẻ di chuyển, dẫn đến té ngã.

Để phòng tránh các nguy cơ trên, bác sĩ lưu ý các phụ huynh và người giám sát như sau:

Tránh cho trẻ mặc áo có dây rút ở vùng cổ, mũ, hoặc dây quá dài ở quần.

– Ưu tiên cho trẻ mặc quần áo có khóa kéo, nút bấm hoặc thun co giãn thay cho dây rút.

– Giám sát khi trẻ vui chơi.

Trong trường hợp trẻ các sự cố, cha mẹ hoặc người xung quanh cần bình tĩnh, gọi điện nhờ sự giúp đỡ của 115 và thực hiện sơ cứu đúng cách cho trẻ trong thời gian chờ nhân viên y tế tới.





Source link

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *