Để làm sạch bát đĩa, thông thường chúng ta sẽ sử dụng miếng rửa bát (miếng rửa chén), có thể là lưới rửa bát hoặc bọt biển, kết hợp cùng chất tẩy rửa nhằm loại bỏ dầu mỡ, cặn thức ăn còn bám lại trên bề mặt dụng cụ ăn uống và nấu ăn, từ đó phòng ngừa bệnh tật. Chính vì miếng rửa bát thường xuyên tiếp xúc với nước rửa bát nên nhiều người không chú ý tới nó.
Tuy nhiên, đây có thể là một “con đường rộng mở” để vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể con người nếu không được dùng đúng cách. Một nghiên cứu chung của Đại học Giessen ở Đức và Viện Helmtz ở Munich cho thấy có tới 362 loại vi khuẩn trên miếng rửa bát, một nửa trong số đó có thể gây bệnh.
Dưới đây là 5 cách dùng miếng rửa bát nên bỏ ngay nếu không muốn “thuốc độc” ngấm ngầm đi vào cơ thể.
1. Dùng miếng rửa bát để rửa chậu rửa, bàn bếp…
Nhiều người có thói quen sử dụng miếng rửa bát một cách đa năng, vừa dùng để rửa bát, vừa để rửa chậu rửa, lau bàn, lau bếp…
Việc làm này có thể khiến cho miếng rửa bát bị nhiễm vi khuẩn và virus từ những nguyên liệu bạn chạm vào trong khi nấu. Theo Cổng thông tin Chính phủ Nhật Bản, vi khuẩn và virus gây ngộ độc thực phẩm cũng có thể lây lan qua miếng rửa bát từ bồn rửa và các đồ dùng khác. Bồn rửa là nơi thường xuyên tích tụ các mảnh vụn thức ăn và bụi bẩn, và bằng việc dùng chung miếng rửa bát cho nhiều bề mặt khác nhau, bạn sẽ làm tăng nguy cơ những vết bẩn này quay trở lại bát đĩa của mình hoặc đi vào cơ thể mình theo nhiều cách mà bạn không thể tưởng tượng ra được.
2. Dùng miếng rửa bát lâu ngày không thay mới
Trên thực tế, miếng rửa bát sau khi sử dụng lâu ngày sẽ dễ dàng “ẩn chứa chất bẩn” bên trong. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy miếng rửa bát đã sử dụng hơn một năm chứa tới 500 tỷ vi khuẩn. Tất cả các loại vi khuẩn đều bám vào nó và không thể được làm sạch ngay cả khi thường xuyên được sử dụng với nước rửa bát.
Vì vậy, bất kể miếng rửa bát có bị hỏng hay không thì cũng nên thay mới thường xuyên, thời gian sử dụng mỗi miếng rửa bát không nên quá 1 tháng. Nếu cảm thấy vứt bỏ quá lãng phí, bạn có thể tiếp tục sử dụng nó như một miếng giẻ lau.
3. Không làm sạch miếng rửa bát sau khi sử dụng
Chúng ta loại bỏ vết dầu mỡ và thức ăn thừa trên bát đĩa bằng cách chà miếng miếng rửa bát lên bề mặt của chúng. Khi đó, các chất bẩn sẽ chuyển từ bát đĩa bám sang miếng rửa bát.
Vì vậy, sau khi rửa bát xong, hãy nhớ rửa sạch mọi vết bẩn, cặn thức ăn hay dầu mỡ bám trên miếng rửa bát. Nếu những chất bẩn này còn sót lại, nó có thể trở thành thức ăn cho vi khuẩn gây bệnh và gây mùi hôi.
4. Không vắt khô miếng rửa bát sau khi sử dụng
Bồn rửa bát là nơi xử lý nước và nhiều các nguyên liệu nấu ăn khác. Hơn nữa, miếng rửa bát có xu hướng nóng và ẩm, đây chính là môi trường mà vi khuẩn yêu thích.
Vì vậy, hãy nhớ làm khô miếng rửa bát thật kỹ sau khi sử dụng. Để nó trong bồn rửa sau khi rửa bát là điều tuyệt đối không nên! Thay vào đó, bạn hãy dùng tay vắt khô miếng miếng rửa bát rồi treo nó ở nơi thoáng gió hoặc nếu có thể hãy phơi khô dưới nắng. Miếng rửa bát dày sẽ lâu khô hơn, do đó, bạn nên chuẩn bị 2 miếng rửa bát để sử dụng luân phiên mỗi ngày.
5. Không khử trùng miếng rửa bát thường xuyên
Giống như bát đũa, miếng rửa bát cũng cần thường xuyên được khử trùng, làm sạch. Có 4 cách khử trùng phổ biến nhất mà bạn có thể tham khảo:
– Khử trùng bằng lò vi sóng: Ngâm và quay nóng trong lò vi sóng trong 3 phút.
– Khử trùng bằng cách đun sôi: Cho miếng rửa bát vào nước và đun sôi trong 3 đến 4 phút.
– Khử trùng bằng chất khử trùng: Sử dụng chất khử trùng chuyên dụng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và dùng theo hướng dẫn.
– Khử trùng phơi nhiễm: Phơi miếng rửa bát dưới ánh nắng mặt trời.
Nguồn và ảnh: ieieie.jp, Health, Sohu