Tôi thực sự cảm thấy tiếc nuối với lựa chọn mua tủ lạnh hiện tại của nhà mình. Ở thời điểm đó, tôi đã không tìm hiểu một cách cặn kẽ về các tính năng sử dụng mà tập trung duy nhất vào giá thành – càng rẻ càng tốt. Vậy nên, sau một thời gian sử dụng, tủ lạnh nhà tôi nhanh chóng xuống cấp.
Nếu được chọn lại, ít nhất tôi sẽ chọn tủ lạnh có 3 trong 5 tính năng dưới đây.
1. Chức năng cấp đông nhanh
Hay còn gọi là tủ lạnh đạt tiêu chuẩn 4 sao đông lạnh. Có thể bạn ít nghe đến nhưng đây lại là một thông số cực kỳ quan trọng quyết định khả năng làm lạnh của tủ:
– 1 sao: Nhiệt độ thấp nhất đạt -6°C.
– 2 sao: Nhiệt độ thấp nhất đạt -18°C.
– 3 sao: Nhiệt độ thấp nhất đạt -24°C.
– 4 sao: Nhiệt độ thấp nhất đạt -24°C kèm theo chức năng cấp đông nhanh.
Nhà tôi chỉ dùng tủ lạnh 3 sao nên không có chức năng cấp đông nhanh. Và đây chính là điều khiến tôi tiếc nuối nhất!
Tại sao cấp đông nhanh quan trọng? Câu trả lời là thực phẩm khi bị đông ở mức nhiệt -1°C đến -5°C sẽ hình thành các tinh thể băng bên trong. Những tinh thể này làm vỡ màng tế bào, khiến thực phẩm mất đi độ tươi ngon và ảnh hưởng đến hương vị.
Với chức năng cấp đông nhanh, thực phẩm sẽ được làm lạnh nhanh chóng, hạ xuống dưới -5°C trước khi kịp hình thành tinh thể băng, từ đó giữ nguyên hương vị ban đầu.
Đặc biệt, với những món ăn đã nấu chín như bánh bao, há cảo hay thịt kho, chức năng này là “chân ái”. Tủ nhà tôi không có chức năng này nên đồ ăn đông lạnh sau khi rã đông không bao giờ ngon như lúc mới nấu.
2. Ngăn đông mềm (ngăn biến nhiệt)
Tủ lạnh nhà tôi dung tích khoảng 300L, không hẳn là nhỏ nhưng chỉ có ngăn mát và ngăn đông, hoàn toàn không có ngăn đông mềm (biến nhiệt).
Để phân biệt rõ ràng, bạn có thể hiểu:
– Ngăn mát: Nhiệt độ từ 1°C ~ 8°C.
– Ngăn đông: Nhiệt độ từ -4°C ~ -24°C.
– Ngăn đông mềm: Nhiệt độ ở mức giữa, khoảng 0°C, có thể điều chỉnh linh hoạt. Thực phẩm để trong ngăn đông mềm không bị đông cứng hay tan chảy mà ở trạng thái “đông nhẹ”.
So với ngăn mát, thực phẩm trong ngăn đông mềm được bảo quản lâu hơn. Còn so với ngăn đông, thực phẩm trong ngăn đông mềm không cần rã đông khi sử dụng.
Tôi thường có thói quen mua thịt buổi sáng để chế biến vào buổi tối. Nếu để trong ngăn đông, thịt sẽ biến thành “cục băng” khó rã đông. Còn nếu để ở ngăn mát, bề mặt thịt sau một ngày dễ bị đen, trông không còn tươi. Nhưng nếu có ngăn đông mềm, mọi thứ sẽ vừa đủ hoàn hảo, đúng với nhu cầu sử dụng.
3. Ngăn đông mền đa năng (biến nhiệt rộng)
Thông thường, ngăn đông mềm chỉ cho phép điều chỉnh nhiệt độ trong khoảng từ 5°C đến -5°C. Nhưng nếu tủ lạnh có chức năng biến nhiệt rộng, mọi thứ sẽ còn tiện lợi hơn: Nhiệt độ có thể điều chỉnh linh hoạt từ 8°C đến -18°C. Ngăn đông mềm lúc này có thể đóng vai trò là ngăn mát, ngăn đông mềm hoặc thậm chí là ngăn đông khi cần thiết.
Với chức năng này, ngăn đông mềm không chỉ giữ thực phẩm ở trạng thái “đông nhẹ” mà còn có thể linh hoạt chuyển đổi thành ngăn mát hoặc ngăn đông trong những trường hợp không gian bảo quản bị quá tải.
Ví dụ, dịp cuối năm như bây giờ, nhà tôi dự trữ thực phẩm nhiều hơn bình thường, đặc biệt là các loại thịt. Vì thịt cần phải để trong ngăn đông, mà ngăn đông nhà tôi lại có hạn nên luôn bị thiếu chỗ. Nếu có ngăn biến nhiệt rộng, tôi có thể điều chỉnh ngăn đông mềm sang chế độ ngăn đông, vẫn chứa hết được đồ ăn mà không bị chật tủ.
4. Chức năng làm lạnh sâu
Thông thường, kể cả tủ lạnh có ngăn đông đạt chuẩn 4 sao, nhiệt độ thấp nhất cũng chỉ ở mức -24°C. Nhưng với chức năng làm lạnh sâu, nhiệt độ có thể hạ xuống đến -40°C, mang lại sự khác biệt đáng kể.
-24°C và -40°C khác nhau như thế nào? Cả hai đều làm thực phẩm đông cứng, nhưng thực phẩm đông ở -40°C sẽ có chất lượng bảo quản tốt hơn hẳn:
– Thịt đông ở -24°C: Sau một tháng, thịt bắt đầu xuất hiện mùi tanh và mất đi độ tươi.
– Thịt đông ở -40°C: Dù để đến 6 tháng, thịt vẫn giữ được hương vị tươi ngon như lúc đầu.
Tủ lạnh có chức năng làm lạnh sâu cũng có tính ứng dụng cao hơn. Mùa hè, khi tự làm đá tại nhà, bạn có bao giờ để ý rằng đá mình làm thường tan nhanh hơn đá của quán nước không? Điều này là do đá tự làm thường chỉ ở khoảng -24°C, trong khi đá ở quán sử dụng làm lạnh sâu, đạt đến -40°C. Đá lạnh sâu sẽ cứng và bền hơn, lâu tan hơn khi cho vào nước.
Với chức năng làm lạnh sâu, bạn không chỉ bảo quản thực phẩm lâu dài mà còn tận hưởng những viên đá “siêu bền” ngay tại nhà.
5. Chức năng khử khuẩn ở ngăn đông
Điểm sáng duy nhất trên tủ lạnh nhà tôi hiện tại là chức năng khử khuẩn ngăn mát. Không chỉ giúp không gian sạch sẽ hơn, chức năng này còn mang lại hai lợi ích lớn là kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm và ngăn chặn mùi hôi khó chịu.
Công nghệ khử khuẩn trong tủ lạnh hiện nay có nhiều loại, như ion bạc, ozone (hiếm hơn), quang xúc tác hoặc tia UV. Dù áp dụng phương pháp nào, hiệu quả khử khuẩn đều đáng tin cậy.
Tiếc là tủ nhà tôi chỉ có chức năng khử khuẩn ở ngăn mát, còn ngăn đông thì không. Điều này có nghĩa là thực phẩm trong ngăn đông chỉ dựa vào nhiệt độ thấp để bảo quản nên thời gian bảo quản ngắn hơn và không ngăn được mùi khó chịu.
Mùa hè vừa rồi, tôi có thử để một quả sầu riêng trong ngăn đông. Kết quả? Mùi sầu riêng “ngự trị” suốt hơn một tháng trời, thật sự khiến tôi đau đầu. Nếu có thêm chức năng khử khuẩn ngăn đông, tôi tin rằng sẽ tiện hơn nhiều.
Nguồn và ảnh: Toutiao