Hoa cúc
Hoa cúc là một trong những loại hoa được trưng cắm phổ biến trong ngày Tết. Không chỉ đẹp, hoa cúc còn là biểu tượng cho sự trường tồn, thu hút may mắn, tài lộc và niềm vui năm mới, ổn định phúc khí cho gia đình.
BS Nguyễn Phối Hiền, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3 – cho hay theo tài liệu cổ, cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn. Cúc vàng có vị đắng, cay, tính ôn, vào 3 kinh phế, can, thận. Hoa cúc có tác dụng tán phong thấp, thanh đầu, mục, giáng hỏa, giải độc. Người xưa dùng hoa cúc chữa phong mà sinh hoa mắt, nhức đầu, mắt đỏ đau, nhiều nước mắt, đinh nhọt.
Bác sĩ Hiền cho hay hoa cúc được dùng làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, cao huyết áp, sốt. Liều dùng: từ 9-15g dưới dạng thuốc sắc. Khi dùng ngoài, mọi người có thể dùng để rửa, đắp mụn nhọt.
Hoa sen
Hoa sen là loại hoa thường được dùng cúng Phật và trên ban thờ tổ tiên, trưng làm đẹp trong nhà. Hoa sen có mùi thơm thanh khiết, tạo nên không khi ấm cúng cho gia đình trong những này Tết.
Bác sĩ Hiền cho hay hoa sen có tên khoa học là Nelumbinis hoặc Plumula Nelumbinis, thuộc họ sen Nelumbonaceae. Không chỉ hoa sen mà tất cả các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc, ví dụ như ngó sen (liên ngẫu), hạt sen (liên nhục), gương sen (liên phòng), lá sen (hà diệp), chồi mầm (liên tâm), liên tu.
– Ngó sen làm thức ăn, thuốc cầm máu, dùng trong những trường hợp đi ngoài ra máu, tiểu tiện ra máu, nôn ra máu, máu cam, tử cung xuất huyết. Liều dùng: Ngày dùng từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
– Thạch liên tử là quả sen, có vỏ quả, nếu bóc lấy hạt, ta sẽ được liên nhục hay liên tử (Semen Nulumbinis). Đây là thuốc bổ tỳ, dưỡng tâm, sáp trường, cố tinh, chữa tỳ hư sinh tiết tả, di mộng tinh, băng lậu, đới hạ, chữa lỵ, cấm khẩu. Liều dùng: từ 6-12g dưới dạng sắc.
– Liên phòng là gương sen già sau khi đã lấy hết quả, phơi khô. Đây là thuốc cầm máu, dùng chữa bệnh đi đại tiện ra máu… Liều dùng: từ 15-30g dưới dạng thuốc sắc.
Các tài liệu cổ ghi chép liên phòng có vị đắng, chát, tính ôn vào 2 kinh can và tâm bào. Tác dụng của liên phòng là tiêu ứ, cầm máu, dùng chữa ứ huyết bụng đau, đẻ xong nhau chưa ra, băng huyết, tiểu tiện ra máu, tiểu tiện khó khăn.
– Lá sen có công dụng giống gương sen, nhưng khi bệnh cấp thì dùng lá sen. Liều dùng: từ 15-20g dưới dạng thuốc sắc.
Theo tài liệu cổ, lá sen có vị đắng tính bình, vào 3 kinh can, tỳ, vị. Lá sen có tác dụng thăng thanh tán ứ, thanh thử hành thủy; dùng chữa thử thấp tiết tả, thủy chí phù thủng, lôi đầu phong, nôn ra máu, máu cam, băng trung huyết lỵ, bác sĩ Hiền nói.
– Liên tu là phần tua nhị đực của hoa sen bỏ hạt gạo đi, rồi phơi khô. Đây là thuốc chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh. Liều dùng: từ 5-10g dưới dạng thuốc sắc.
Hoa mào gà đỏ
Bác sĩ Hiền cho biết hoa mào gà đỏ là một trong những loại hoa rực rỡ được người miền Nam ưa chuộng trong những ngày Tết. Hoa mào gà đỏ là biểu tượng đem lại nhiều tiền tài, may mắn, tài lộc, thịnh vượng cho năm mới.
Trong Y học cổ truyền, hoa mào gà đỏ có vị ngọt, tính lương, vào 2 kinh can và đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu. Hoa này có thể dùng để chữa xích bạch lỵ, trĩ chảy máu. Liều dùng: từ 8-15g dưới dạng sắc.
Theo bác sĩ Hiền, các loại hoa trưng Tết trên đều là những vị thuốc quý tốt cho sức khoẻ. Nếu biết dùng, bạn sẽ tận dụng được những loại hoa cắm Tết mà không bỏ đi một cách phí hoài.