3 bộ phận này của động vật có giá trị dinh dưỡng đa dạng và cũng có những lợi ích nhất định đối với sức khoẻ. Miễn sao bạn ăn đúng cách thì sẽ không gây hại cho sức khoẻ.
1. Gan động vật
Có tin đồn gan động vật là cơ quan giải độc của chúng, chứa quá nhiều độc tố và kim loại nặng, do đó không nên ăn bộ phận này.
Vậy gan động vật có thực sự là nơi tích tụ độc tố và kim loại nặng?
Gan và thận của động vật giúp chuyển hóa các thành phần có hại như thuốc và kim loại nặng, nhưng điều này không có nghĩa là chúng lưu trữ những chất này. Bạn hoàn toàn có thể ăn gan hay nội tạng của động vật, miễn là chúng không bị bệnh.
Về giá trị dinh dưỡng, gan động vật chứa nhiều protein, sắt và vitamin B. Đây cũng là một trong những nguồn vitamin A tốt nhất từ động vật. Ví dụ, một khẩu phần gan bò cung cấp hơn 100% nhu cầu vitamin A hàng ngày của bạn. Việc hấp thụ đủ vitamin A có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh như đục thủy tinh thể và ung thư vú.
Gan cũng là nguồn cung cấp tốt: Vitamin C và K, kali, phốt pho, đồng, sắt. Ăn gan có thể phòng ngừa thiếu máu, cải thiện sức khỏe xương, cải thiện năng lượng, chức năng não và tâm trạng.
Tuy nhiên, ăn gan quá nhiều cũng có thể làm tăng cholesterol và acid uric. Do đó, mọi người chỉ nên ăn với lượng vừa phải. Đối với người khỏe mạnh, mỗi tháng ăn 1 đến 2 lần, mỗi lần 50 đến 100 gam là đủ. Những người có chỉ số cholesterol và acid uric cao nên hạn chế ăn gan và nội tạng động vật.
2. Tiết vịt
Có thông tin cho rằng tiết vịt là “rác” trong mạch máu động vật.
Trước hết, trong mạch máu của động vật không có rác hay chất độc mà chỉ có các chất chuyển hóa của tế bào. Thứ hai, các chất chuyển hóa này sẽ được vận chuyển từ máu đến gan và thận, sau đó được lọc hoặc chuyển hóa thành các chất khác, nghĩa là chúng thường không phải là chất chuyển hóa còn sót lại trong máu.
Ngoài ra, tiết vịt rất giàu đạm, sắt, phốt pho, natri,… ăn tiết vịt có thể phòng ngừa thiếu máu.
Tuy nhiên, khi ăn tiết canh vịt, mọi người nên lưu ý không ăn tiết canh sống và vịt bị bệnh. Nên luộc hoặc hấp chín tiết canh. Hơn nữa, tiêu thụ một lượng lớn huyết vịt cũng có thể khiến lượng sắt dự trữ trong cơ thể quá cao và lắng đọng trong các cơ quan. Vì vậy, nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải, lượng thích hợp là 50 đến 100 gram mỗi lần.
3. Đầu và da cá
Thông tin đầu cá và da cá là những bộ phận của cá tích tụ nhiều thủy ngân hơn. Ăn đầu cá và da cá tương đương với việc ăn phải “chất độc” có đúng sự thật không?
Nhìn chung, cá có nguy cơ nhiễm thuỷ ngân, không chỉ trong đầu, da mà tất cả các bộ phận của cá đều có thể tích tụ thuỷ ngân. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn các loại cá có nguy cơ nhiễm thuỷ ngân thấp như các loại cá bé, cá được nuôi ở ao hồ sạch.
Hơn nữa, phần đầu và da cá không có nhiều thịt, bạn thường ăn được ít hơn so với thịt cá nên bạn không cần quá lo lắng.
Ngoài ra, đầu và da cá cũng là những bộ phận giàu dinh dưỡng. Đầu cá chứa nhiều protein, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B1, axit béo không bão hòa đa, phospholipid và nhiều chất dinh dưỡng khác. Nhưng đầu cá cũng có hàm lượng cholesterol cao nên cần kiểm soát lượng tiêu thụ. Da cá cũng rất giàu protein và collagen, tốt cho làn da và sức khoẻ nói chung.
Thành phần không nên ăn của cá đó là mật. Mật cá chứa một lượng lớn muối mật, chất độc và histamine. Ăn phải có thể gây suy thận hoặc bệnh gan, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: Sina, Ảnh: Sohu